Đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

19:54 | 15/10/2018

(Bqp.vn) - Nhà nước quản lý, điều hành nền kinh tế thông qua cơ chế quản lý, đó là tổng thể các công cụ điều hành được sử dụng để điều tiết theo hướng kích hoạt hoặc hạn chế các hoạt động kinh tế nhằm đạt được mục tiêu của chính sách kinh tế quốc gia từng thời kỳ. Nếu trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung, các công cụ đó là mệnh lệnh hành chính, thì trong cơ chế thị trường là các công cụ điều hành gián tiếp theo phương pháp kinh tế. Đối với lĩnh vực tài chính, cơ chế quản lý tài chính của Nhà nước là tổng hợp các công cụ điều hành nền tài chính được sử dụng để hiện thực hóa mục tiêu của chính sách tài chính quốc gia trong từng thời kỳ, được cụ thể hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ chức năng quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực tài chính - ngân sách.

Đoàn công các Cục Tài chính, Bộ Quốc phòng thẩm định hồ sơ chứng từ quyết toán ngân sách năm 2017 tại Bộ Tư lệnh Đặc công.

Tài chính quân đội là bộ phận của tài chính nhà nước nên cơ chế quản lý tài chính quân đội phải phù hợp với cơ chế quản lý tài chính của Nhà nước. Khi công tác tài chính quân đội được vận hành trong cơ chế phù hợp sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đối với mọi nguồn lực tài chính của Quân đội.

Trong những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính quân đội; đã thể chế hóa luật pháp về tài chính - ngân sách thành các quy định, hướng dẫn về công tác tài chính trong Bộ Quốc phòng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dự toán ngân sách, xác định cơ cấu ngân sách theo hướng hợp lý hơn, đúng trọng tâm trọng điểm, thực hiện công khai, minh bạch trong tất cả các khâu của chu trình ngân sách.

Nội dung cơ bản của cơ chế quản lý tài chính mới

Để khắc phục những hạn chế, bất cập của cơ chế quản lý tài chính quân đội hiện nay, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc nghiên cứu, xây dựng và đã ban hành Nghị quyết số 915-NQ/QUTW ngày 25/8/2018 của Quân ủy Trung ương và Đề án của Bộ Quốc phòng (ban hành kèm theo Quyết định số 3500/QĐ-BQP ngày 26/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) về đổi mới cơ chế quản lý tài chính quân đội theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, giai đoạn 2018 - 2025 và những năm tiếp theo. Trong đó, xác định rõ chủ trương, định hướng là: Xây dựng cơ chế quản lý tài chính mới đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với cơ chế quản lý tài chính của Nhà nước và đặc thù quốc phòng, bảo đảm tính kế thừa và phát triển, có tính khoa học, thực tiễn và khả thi; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng ngân sách; phòng tránh thất thoát, tiêu cực và lãng phí.

Cơ chế quản lý tài chính mới bao quát tất cả các khâu của chu trình ngân sách ở cả 04 cấp đơn vị dự toán, trọng tâm là xác định rõ quy trình lập, phân bổ dự toán, cấp phát và thanh, quyết toán đối với ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho quốc phòng và nhiệm vụ Nhà nước giao ngoài lĩnh vực quốc phòng. Đối với một số loại ngân sách đặc thù (ngân sách đặc biệt; ngân sách xây dựng cơ bản và một số loại ngân sách quản lý theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng; kinh phí thực hiện dự án, đề án, đề tài khoa học công nghệ và chi chương trình mục tiêu), chịu sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành và hướng dẫn riêng của các cơ quan chức năng, nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của cơ chế mới. Công tác lập, phân bổ, cấp phát và thanh, quyết toán đối với những loại ngân sách này được thực hiện theo quy định riêng của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.

So với cơ chế hiện nay, cơ chế quản lý tài chính quân đội theo nội dung của Đề án có những điểm mới căn bản như sau:

- Trong khâu lập và phân bổ dự toán ngân sách: Cơ quan tài chính các cấp chủ trì tổng hợp, lập dự toán ngân sách của đơn vị, các ngành nghiệp vụ chỉ lập dự toán ngân sách ngành đối với phần tự chi tại cấp mình và thẩm định dự toán ngân sách của ngành dọc cấp dưới rồi gửi kết quả thẩm định về cơ quan tài chính.

Dự toán ngân sách của đơn vị cấp dưới được đơn vị cấp trên phân bổ trực tiếp một lần ngay từ đầu năm; các ngành nghiệp vụ không phân bổ dự toán ngân sách; ngân sách chờ phân bổ được giữ lại tại Bộ, không còn ngân sách chờ phân bổ tại các ngành và đơn vị trực thuộc Bộ.

Đề cao việc sử dụng các định mức làm cơ sở lập và phân bổ dự toán ngân sách. Từ năm 2024, dự toán ngân sách cơ bản được lập và phân bổ căn cứ vào hệ thống định mức do Bộ ban hành.

- Trong khâu cấp phát và thanh, quyết toán: Cơ bản thực hiện như cơ chế hiện nay, nhưng theo hướng tăng cường, mở rộng cấp phát, thanh toán qua Kho bạc Nhà nước. Riêng hoạt động mua sắm tập trung sẽ hạn chế dần việc các ngành nghiệp vụ, đơn vị cấp trên mua sắm hàng hóa thông dụng trên thị trường để cấp cho đơn vị cấp dưới. Những loại hàng hóa thông dụng trên thị trường sẽ dần được loại trừ khỏi danh mục tài sản mua sắm tập trung. Từ năm ngân sách 2021, ngân sách chi mua sắm tập trung được phân bổ cho các đơn vị (tổ chức trực tiếp sử dụng hàng hóa) để thực hiện mua sắm tập trung theo phương thức ký thỏa thuận khung theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng về mua sắm tập trung.

Việc triển khai thực hiện cơ chế quản lý tài chính mới vào thực tiễn sẽ mang lại những tác động tích cực, như: Đảm bảo tài chính kịp thời và nâng cao tính chủ động của người chỉ huy trong triển khai thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Công tác lập và phân bổ dự toán sẽ sát đúng với điều kiện thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ; việc quản lý, sử dụng các nguồn lực tiết kiệm và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện sẽ có nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh, như vấn đề về tâm lý ngại đổi mới, nhận định sai lầm cho rằng cơ chế mới sẽ “tập trung quyền lực” về ngành Tài chính, sự phối hợp có thể thiếu chặt chẽ giữa cơ quan tài chính và ngành nghiệp vụ trong thời gian đầu thực hiện cơ chế mới.

Để khắc phục những khó khăn nêu trên cũng như đưa cơ chế mới vào triển khai áp dụng có hiệu quả, yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, nhất là sự phối hợp giữa cơ quan tài chính và ngành nghiệp vụ các cấp; tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong thực hiện cơ chế quản lý tài chính mới.

Giải pháp triển khai thực hiện cơ chế quản lý tài chính mới

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về cơ chế quản lý tài chính mới trong Quân đội. Chú trọng công tác tuyên truyền đến các cấp, các ngành, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn quân nhận thức đầy đủ về mục tiêu, yêu cầu, nội dung đổi mới cơ chế quản lý tài chính quân đội. Làm tốt công tác định hướng tư tưởng đối với các ngành nghiệp vụ để tạo sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế quản lý tài chính mới. Tăng cường công tác phổ biến, quán triệt để cấp ủy, chỉ huy các đơn vị, doanh nghiệp nhận thức rõ trách nhiệm của mình về lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị thuộc quyền thực hiện đúng quy trình lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách; quyết định chi tiêu, sử dụng kinh phí đúng mục đích, chế độ, tiêu chuẩn và trong phạm vi dự toán ngân sách được giao.

Hai là, làm tốt công tác nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy định, hướng dẫn về cơ chế quản lý tài chính mới. Để triển khai thực hiện cơ chế mới từ năm ngân sách 2019, căn cứ vào nội dung của đề án, Cục Tài chính khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về việc lập dự toán, chấp hành, quyết toán ngân sách trong Bộ Quốc phòng để các đơn vị, doanh nghiệp có cơ sở tổ chức thực hiện. Đối với việc hoàn thiện các định mức làm cơ sở lập và phân bổ dự toán ngân sách, đây là vấn đề phức tạp, có phạm vi rộng, cần có thời gian để nghiên cứu, xây dựng phù hợp với đặc thù của từng ngành, từng lĩnh vực. Do đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị được phân công nhiệm vụ phải nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng, xác định lộ trình cụ thể, và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong quá trình nghiên cứu, xây dựng định mức cho phù hợp. Trong giai đoạn đầu triển khai cơ chế mới, sẽ áp dụng theo nguyên tắc, những nội dung nào đã có định mức thì triển khai ngay, nội dung nào chưa có định mức thì căn cứ vào số thực tế của năm trước và dự kiến tăng, giảm năm kế hoạch để thực hiện lập và phân bổ dự toán ngân sách.

Ba là, tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác tài chính và nghiệp vụ các cấp, năng lực quản lý tài chính của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, trong đó cần chú trọng: Xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn về cơ chế mới cho các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trong toàn quân, làm cho cán bộ ở cơ quan nghiệp vụ và cơ quan tài chính các cấp xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp chặt chẽ và thực hiện nghiêm quy trình lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách; cán bộ lãnh đạo, chỉ huy nâng cao năng lực quản lý và trách nhiệm của mình trong công tác quản lý tài chính. Đối với công tác đào tạo, huấn luyện, phải thường xuyên cập nhật, đưa nội dung cơ chế quản lý tài chính mới vào chương trình giảng dạy của các học viện nhà trường, hoàn thiện lý luận sát với thực tiễn về công tác quản lý tài chính và phù hợp với từng đối tượng đào tạo.

Để củng cố đội ngũ cán bộ tài chính quân đội đáp ứng yêu cầu của cơ chế mới, ngành Tài chính cần tổ chức sơ kết, đánh giá về tình hình, kết quả thực hiện Công văn số 239-CV/QU ngày 08/4/2014 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về luân chuyển đội ngũ cán bộ ngành Tài chính, làm cơ sở đề xuất sửa đổi theo hướng phù hợp với cơ chế quản lý tài chính mới và quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng.

Bốn là, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với việc triển khai thực hiện cơ chế quản lý tài chính mới ở tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; kết hợp tự kiểm tra với thanh tra, kiểm tra của cấp trên, giữa kiểm tra nghiệp vụ với giám sát của cấp ủy. Đối với những sai phạm, phải kiên quyết chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Đối với các đơn vị gặp khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện hoặc không thực hiện được thì phải làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, xem xét, xử lý theo quy định.

File đính kèm:

Thiếu tướng, TS Lưu Sỹ Quý, Cục trưởng Cục Tài chính, Bộ Quốc phòng

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.