Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947 bước trưởng thành của Bộ Tổng Tham mưu

07:01 | 07/10/2017

(Bqp.vn) - Ngày 7/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Bộ Tổng Tham mưu - “cơ quan tham mưu cao nhất chỉ huy, điều hành các hoạt động quân sự của lực lượng vũ trang cả nước thuộc Bộ Quốc phòng” [1]. Ra đời trong bối cảnh đất nước vừa giành được độc lập, thù trong, giặc ngoài đang uy hiếp đến sự tồn vong của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa; cơ quan tham mưu chiến lược non trẻ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn mọi mặt, từ kiến thức sơ đẳng của công tác tham mưu đến cơ sở vật chất tối thiểu. Mặc dù vậy, với tinh thần “vừa học, vừa làm”, “vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”, Bộ Tổng Tham mưu đã từng bước trưởng thành, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham mưu cho Đảng, Trung ương Quân ủy, Bộ Quốc phòng - Tổng Chỉ huy, lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân miền Nam chiến đấu chặn bước quân xâm lược; góp phần vào thành công cuộc Tổng giao chiến cuối năm 1946, chủ động đưa cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau hơn hai năm thành lập, Bộ Tổng Tham mưu đã có những đóng góp quan trọng, trực tiếp vào thắng lợi Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, đánh dấu bước trưởng thành của cơ quan tham mưu chiến lược.

Chủ động xây dựng lực lượng vũ trang, làm nòng cốt cho toàn dân kháng chiến

Sau khi đặt chân an toàn lên căn cứ địa Việt Bắc, Bộ Tổng Tham mưu đã khẩn trương tổ chức Hội nghị cán bộ, tập trung bàn phương hướng xây dựng bộ đội chủ lực. Hội nghị khẳng định: “Bộ đội chủ lực không phải của riêng chiến trường nào, mà “Bộ chỉ đâu, bộ đội chủ lực phải đánh đấy, đánh đâu phải thắng đấy”. Muốn đánh thắng, phải xây dựng cho lớn mạnh, đánh đi đôi với rút kinh nghiệm, đánh để tiêu diệt địch và thu vũ khí, nhằm cải thiện trang bị cho mình để càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng” [2]. Quán triệt tinh thần của Hội nghị, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo các khu, các tỉnh đẩy mạnh xây dựng bộ đội chủ lực, tạo nên phong trào xung phong tòng quân hết sức sôi nổi. Riêng mùa hè năm 1947, đã có “35.000 người tình nguyện nhập ngũ. Từ 85.000 người trước ngày Toàn quốc kháng chiến, tổng số Vệ quốc quân lên tới 125.000 người, gồm 57 trung đoàn và 19 tiểu đoàn độc lập ở các tỉnh, các địa phương trong cả nước” [3].

Cùng với phát triển lực lượng, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh huấn luyện, chú trọng tập hành quân, rèn cho chiến sĩ thành thạo những động tác chiến đấu. Trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tập trung nâng cao nhận thức chính trị, nắm vững đường lối kháng chiến của Đảng, phương châm chiến lược, chiến thuật, trang bị thêm hiểu biết về công tác tổ chức, huấn luyện, giáo dục, quản lý bộ đội, biết nghiên cứu vận dụng kinh nghiệm thực tiễn vào công tác chỉ huy, tác chiến.

Cùng với đó, cơ quan tham mưu chiến lược chỉ đạo “tổ chức lực lượng, huấn luyện quân sự, xây dựng làng chiến đấu, phá hoại đường sá, đến việc chỉ đạo các đơn vị Vệ quốc đoàn dìu dắt dân quân, du kích trong thực tế chiến đấu” [4]; đồng thời, chuẩn bị các văn kiện về xây dựng lực lượng và tác chiến của dân quân, tự vệ, du kích. Từ chỗ là những tổ chức vũ trang của quần chúng do Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc xây dựng ở các địa phương, dân quân, tự vệ và du kích trở thành một bộ phận trong các lực lượng vũ trang của Nhà nước, do cơ quan quân sự địa phương trực tiếp chỉ huy. Ngay từ mùa hè năm 1947, đã có hàng chục vạn người gia nhập các đơn vị dân quân, tự vệ và du kích, hàng nghìn làng chiến đấu được xây dựng, hàng trăm đội du kích tập trung được kiện toàn, hình thành lực lượng vũ trang đông đảo.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu, lực lượng vũ trang cách mạng đã có bước phát triển mới, làm nòng cốt cho “toàn dân đánh giặc” để đánh bại các âm mưu đẩy mạnh chiến tranh của thực dân Pháp. Sự phát triển của lực lượng vũ trang trong điều kiện vừa chuyển đất nước vào chiến tranh đã đánh dấu bước trưởng thành của Bộ Tổng Tham mưu trong chỉ đạo công tác này.

Kịp thời tổ chức binh lực, bố trí thế trận, sớm giành thế chủ động, góp phần vào thành công của Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947

Trong điều kiện “tổ chức tình báo, cũng như tổ chức thông tin liên lạc đều còn rất non nớt” [5], nên nhiệm vụ nắm âm mưu, ý định tác chiến chiến lược của thực dân Pháp là công việc vượt quá khả năng của cơ quan tham mưu chiến lược. Tuy vậy, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo các cơ quan luôn theo dõi diễn biến, kịp thời tổng hợp, phân tích tình hình, góp phần tạo cơ sở cho Trung ương Quân ủy - Bộ Tổng Chỉ huy có những nhận định về âm mưu của thực dân Pháp trong Thu - Đông 1947. Dù còn hạn chế trong xác địch chính xác thời điểm và hướng tiến công của địch, nhưng những nhận định trên đã đặt ra những vấn đề cơ bản cho Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo quân và dân trên các chiến trường, đặc biệt ở Việt Bắc tích cực chuẩn bị đối phó với cuộc tiến công mùa Đông của thực dân Pháp.

Ngày 7/10/1947, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống Bắc Kạn, mở đầu cuộc tiến công táo bạo lên căn cứ địa Việt Bắc, hòng thực hiện đòn đánh quyết định để kết thúc chiến tranh. Diễn biến này trái với dự đoán ban đầu nên đã gây cho ta những lúng túng, bất ngờ. Trong bối cảnh đó, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo: “Điều chỉnh lại lực lượng để chủ động đánh địch” [6]; “Điều động thêm lực lượng từ phía dưới lên hướng các đường số 4 và số 3, tiến công vị trí địch mới, không cho chúng chiếm đóng, không cho chúng củng cố và đánh rộng ra; đồng thời đánh mạnh giao thông, không cho địch tự do cơ động, tiếp tế, tăng viện…” [7]; chỉ đạo các khu đẩy mạnh phá hoại đường sá, các công trình kiên cố, phân tán các kho tàng, công xưởng, trạm trại, sơ tán và hướng dẫn nhân dân thực hiện “vườn không, nhà trống”… sẵn sàng đánh địch. Những chỉ đạo kịp thời này đã giúp cho quân và dân trên chiến trường Việt Bắc vượt qua bất ngờ, bị động, nhanh chóng triển khai thế trận chiến đấu.

Sau khi nắm rõ kế hoạch tiến công của thực dân Pháp [8] và căn cứ vào thực tế chiến trường, ngày 15/10/1947, Thường vụ Trung ương Đảng ban hành chỉ thị: “Phải phá cuộc tiến công mùa đông của giặc Pháp”. Thực hiện chỉ thị, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tổng Chỉ huy, Bộ Tổng Tham mưu đã gấp rút thực hiện phương châm “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, phân tán bộ đội chủ lực trên địa bàn Việt Bắc thành 30 đại đội, đưa về các địa phương làm nòng cốt cho chiến tranh du kích và bố trí 18 tiểu đoàn tập trung trên 3 hướng tiến công: Sông Lô - Đường số 2, Đường số 3, Đường số 4. Phương châm tổ chức lực lượng này đã góp phần củng cố thế trận chiến tranh nhân dân, đẩy mạnh chiến tranh du kích, là điều kiện để kết hợp các lực lượng vũ trang, phát huy lực lượng tại chỗ, chủ động đánh địch trên khắp địa bàn chiến dịch (đánh địch cả trước mặt, bên sườn, sau lưng và ngay giữa đội hình tiến công), tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận quân địch, chặn đường tiến quân càn quét của chúng, bảo vệ được căn cứ địa, cơ quan lãnh đạo kháng chiến. Hàng trăm trận đánh lớn nhỏ của quân và dân Việt Bắc đã giúp ta tránh được những trận đánh lớn, tập trung, đánh chính quy mà quân Pháp cố tình nhắm tới hòng tiêu diệt chủ lực ta, hạn chế được sức mạnh của đội quân nhà nghề, có trang bị hiện đại. Bằng cách đó, quân và dân trên chiến trường Việt Bắc đã khoét sâu chỗ yếu cơ bản của địch khi thoát ly khỏi công sự, không có sự chi viện của máy bay, pháo binh, lập những trận đánh đạt hiệu suất cao, như ở Km 7 Đường số 2 Tuyên Quang - Hà Giang (22/10), các trận trên sông Lô: Ở Khoan Bộ (23/10), ngã ba Đoan Hùng (24/10), Khe Lau (10/11); Bông Lau trên Đường số 4 (30/10) và Đèo Giàng trên Đường số 3 (15/12)… phá vỡ ý đồ tiến công, kế hoạch tiếp tế hậu cần, bổ sung binh lực của thực dân Pháp; làm cho lực lượng địch ngày càng hao mòn cả về tinh thần và sức lực, từ chủ động tiến công phải chuyển sang thế bị động đối phó.

Trong quá trình diễn ra chiến dịch, Bộ Tổng Tham mưu đã cử phái viên tác chiến xuống từng mặt trận bám sát tình hình địch, nắm chắc thực tế hoạt động tác chiến của từng địa phương, đơn vị, giúp Bộ Tổng Chỉ huy kịp thời chỉ đạo từng khu, từng mặt trận sát với tình hình. Cùng với đó, một số cán bộ được giao nhiệm vụ theo sát các đại đội độc lập, kịp thời báo cáo để cơ quan tham mưu chiến lược tổng hợp, rút kinh nghiệm, chỉ đạo các đơn vị hoạt động hiệu quả.

Dưới sự chỉ đạo linh hoạt, kịp thời của Bộ Tổng Tham mưu, hoạt động tác chiến của quân và dân trên chiến trường Việt Bắc đã bẻ gãy các mũi tiến công của địch, buộc quân Pháp phải hủy bỏ bước 2 của cuộc hành quân, bị động thu hẹp phạm vi càn quét. Nhận thấy địch có dấu hiệu chuyển hướng, Bộ Tổng Tham mưu nhận định: Tuy đã thất bại bước đầu nhưng tại địa bàn trung tâm Việt Bắc, quân số địch vẫn còn đông, được trang bị mạnh, trong khi trình độ mọi mặt của ta chưa cho phép tiến công vào các vị trí tập trung quân của chúng; nên đã nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị chấn chỉnh tư tưởng chủ quan [10], lệnh cho các khu, các đơn vị chủ lực của Bộ tiếp tục đánh vừa, đánh nhỏ trên toàn mặt trận, tiêu hao, tiêu diệt địch rộng khắp, hạn chế quân địch đi lùng sục, khủng bố; sẵn sàng đánh địch khi chúng rút chạy. Thực hiện chỉ đạo của cơ quan tham mưu chiến lược, quân và dân trên chiến trường Việt Bắc liên tục đeo bám, tiến công địch bằng các trận đánh nhỏ lẻ và tận dụng cơ hội mở những trận phục kích tiêu hao nhiều sinh lực địch. Liên tục bị chặn đánh khiến cho quân Pháp không thể triển khai càn quét theo kế hoạch Xanh-tuya, buộc phải rút quân kết thúc cuộc tiến công quy mô, đầy tham vọng trong sự thất bại.

Bám sát diễn biến tình hình, nhanh chóng bố trí binh lực, củng cố thế trận chiến tranh nhân dân, huy động được sức mạnh của nhân dân tham gia chiến đấu, phát huy sức mạnh của các lực lượng vũ trang là những đóng góp quan trọng của Bộ Tổng Tham mưu vào Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947, khẳng định vai trò của cơ quan tham mưu chiến lược trong chỉ đạo đấu tranh vũ trang, là bước trưởng thành của Bộ Tổng Tham mưu qua Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947.

Khẳng định vai trò trong tổ chức, chỉ huy điều hành chiến dịch

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, sự chỉ đạo của Bộ Tổng Chỉ huy, Bộ Tổng Tham mưu đã huy động lực lượng cao nhất vào cuộc đọ sức chiến lược, diễn ra trên địa bàn rộng lớn với các hoạt động tác chiến liên tục, có tác dụng hỗ trợ lẫn nhau trong khoảng thời gian kéo dài hơn hai tháng, hình thành nên chiến dịch phản công đầu tiên trong 30 năm tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Qua nghiên cứu kế hoạch hành quân của thực dân Pháp, phân tích thế và lực của địch, cơ quan tham mưu chiến lược đã cùng Bộ Tổng Chỉ huy nhận định không thể đưa lực lượng lớn ra đối mặt với bộ phận lớn quân địch có pháo binh và xe tăng yểm hộ; đồng thời, nhận rõ điểm yếu cơ bản của địch khi tiến quân lên địa hình rừng núi, dễ bị chia cắt nên đã quyết định chọn loại hình phản công, đánh vận động, đánh du kích, là cách đánh sở trường của lực lượng vũ trang kháng chiến, tạo điều kiện cho sự tham gia chiến đấu của các tầng lớp nhân dân, phát huy được thế trận chiến tranh nhân dân. Với cách đánh này ta đã hạn chế được ưu thế về tập trung binh lực và trang bị của địch, buộc chúng phải phân tán lực lượng, bị động đối phó. Lựa chọn đúng loại hình, đưa thế trận chiến tranh nhân dân vào chiến dịch phản công đã tạo nên nét đặc sắc về nghệ thuật chiến dịch trong Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947.

Trong điều kiện địa bàn chiến dịch trải rộng 3.600 km2, phương tiện thông tin liên lạc còn hạn chế, cơ quan quân sự chiến lược đã chỉ đạo hình thành 3 mặt trận, đánh địch trên 3 hướng: Sông Lô - Đường số 2; Đường số 4, Đường số 3, với quy mô tác chiến phổ biến ở cấp tiểu đoàn và đại đội, kết hợp bộ binh với pháo binh, sử dụng hình thức phục kích là chính. Với cách thức tổ chức này, chúng ta đã phát huy khả năng độc lập tác chiến trên từng mặt trận, triệt để lợi dụng yếu tố thuận lợi của địa hình, nhanh chóng chớp thời cơ để tiến hành những trận đánh có tính then chốt, tiêu hao nhiều sinh lực địch, phá được ý đồ hợp điểm bao vây của thực dân Pháp, là yếu tố quan trọng để bẻ gãy các mũi tiến quân, hòng hình thành hai gọng kìm bao vây căn cứ địa của địch.

Trong Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, Bộ Tổng Chỉ huy giữ vai trò trực tiếp tổ chức, điều hành chiến dịch. Đó là phương án tổ chức chỉ huy chiến dịch tối ưu, phù hợp tình hình đặc biệt khẩn trương; đủ khả năng, quyền hạn điều chỉnh lực lượng, chỉ đạo tác chiến kịp thời trên toàn chiến trường Việt Bắc cũng như cả nước. Đồng thời, với sự hình thành 3 cơ quan chỉ huy 3 mặt trận, đặt dưới sự chỉ đạo của cán bộ cao cấp của quân đội và có sự tham gia của các cán bộ của Bộ Tổng Tham mưu, đã đảm bảo sự chỉ đạo kịp thời, phát huy được tính chủ động, phát huy được khả năng độc lập tác chiến trên từng mặt trận và tạo nên sự phối hợp hoạt động của toàn chiến trường.

Chọn đúng loại hình, hướng tiến công của chiến dịch, tổ chức binh lực thích hợp, chỉ đạo cách đánh sáng tạo… là những nét đặc sắc về nghệ thuật trong tiến hành Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947 - yếu tố quan trọng để quân và dân ta hoàn thành được mục tiêu “phá tan cuộc tiến công mùa đông của giặc Pháp”. Chiến thắng đầu tiên ở quy mô chiến dịch đã đưa cuộc kháng chiến sang giai đoạn mới, tạo tiền đề để quân và dân ta tiếp tục giành chiến thắng, đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng. Thành công của chiến dịch đầu tiên và những nét nghệ thuật đặc sắc đã khẳng định vai trò của cơ quan tham mưu chiến lược trong chỉ đạo điều hành các hoạt động tác chiến trên quy mô lớn, dài ngày nhằm đạt được mục đích có ý nghĩa chiến lược.

Qua Chiến dịch phản công Việt Bắc Thu - Đông 1947, đội ngũ cán bộ cơ quan Bộ Tổng Tham mưu được rèn luyện tinh thần cảnh giác, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống, mở đầu cho truyền thống sẵn sàng đi chiến trường, nhanh chóng tổ chức cơ quan tham mưu tiền phương, đáp ứng yêu cầu chỉ huy, chỉ đạo tác chiến. Cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan thường xuyên khắc phục mọi khó khăn, nêu cao ý thức tổ chức và kỷ luật, chấp hành nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh, đi sâu, đi sát đơn vị, kịp thời phát hiện những vấn đề nảy sinh trong chiến đấu, công tác; nắm chắc tình hình địch, tình hình ta, báo cáo cho Thường vụ Trung ương Đảng và Bộ Tổng Chỉ huy nhanh chóng điều chỉnh thế trận, kịp thời huy động những khả năng thực tế có thể trở thành chỗ mạnh cơ bản của ta để đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của địch. Cùng với đó, cơ quan tham mưu chiến lược đã kịp thời tổ chức và chỉ đạo di chuyển các kho tàng, nhà máy, vật tư, tổ chức sơ tán nhân dân ra khỏi khu vực địch càn quét; chỉ đạo thực hiện triệt để chỉ thị phá hoại, tiêu thổ kháng chiến, làm “vườn không, nhà trống” không cho địch dễ dàng cơ động và vơ vét của cải phục vụ chiến tranh xâm lược.

Bước trưởng thành trong Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947 là tiền đề quan trọng để cơ quan tham mưu chiến lược cùng quân và dân cả nước triển khai kháng chiến toàn diện, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi cuối cùng, hun đúc nên truyền thống “Trung thành - mưu lược; Tận tụy - sáng tạo; Đoàn kết - hiệp đồng; Quyết chiến - quyết thắng”. Thành công và cả những hạn chế về công tác tham mưu chiến lược trong Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947 là bài học sâu sắc để xây dựng Bộ Tổng Tham mưu xứng đáng là cơ quan tham mưu chiến lược về quân sự, quốc phòng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong đó, việc xây dựng nhân tố con người, tổ chức cơ quan, ngành tham mưu vững mạnh về mọi mặt là việc làm tiên quyết, bởi đây là những nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với công tác tham mưu chiến lược.

[1]. Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bộ Quốc phòng 1945 - 2000 (Biên niên sự kiện), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003, tr.12.

[2]. Trần Trọng Trung, Bộ Tổng Tham mưu những năm chiến đấu trong vòng vây, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 241.

[3]. Ban Nghiên cứu Lịch sử Quân đội thuộc Tổng cục Chính trị, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr. 224.

[4]. Trần Trọng Trung, Bộ Tổng Tham mưu những năm chiến đấu trong vòng vây, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.246.

[5]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện quân sự của Đảng, tập 2, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1976, tr.175.

[6]. Bộ Tổng Tham mưu, Ban Tổng kết - Biên soạn lịch sử, Lịch sử Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), 1991, tr.196.

[7]. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử nghệ thuật chiến dịch Việt Nam (1945 - 1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr. 38.

[8]. Ngày 9/10/1947, khẩu đội 12,7mm của Trung đoàn 74 bố trí ở đồi Thiên Văn (thị xã Cao Bằng) bắn rơi chiếc máy bay vận tải Junker 52 Toucan chở sĩ quan tham mưu Pháp đi thị sát chiến trường. 12 sĩ quan, trong đó có Đại tá Lăm-be (Lambert), Phó Tham mưu trưởng quân Pháp ở Đông Dương thiệt mạng, ta thu được bản kế hoạch tiến công Việt Bắc. Chiến sĩ Nguyễn Danh Lộc đã chạy bộ, băng rừng, mang bản kế hoạch về cho Bộ Tổng Chỉ huy tại Tràng Xá (Thái Nguyên). Ngày 13/10/1947, Bộ Tổng Chỉ huy đã nắm rõ toàn bộ kế hoạch của địch.

[9]. Bộ Chỉ huy Khu 10 đề nghị cho tập trung binh lực tiến công địch trong thị xã Tuyên Quang.

[10]. Bộ Chỉ huy Khu 10 đề nghị cho tập trung binh lực tiến công địch trong thị xã Tuyên Quang.

File đính kèm:

Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.