Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” - Tầm vóc và bài học lịch sử đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
ActionsChiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” - Tầm vóc và bài học lịch sử đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
(Bqp.vn) - Cách đây nửa thế kỷ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ trên bầu trời miền Bắc, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Cùng với những thắng lợi to lớn trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên chiến trường miền Nam, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã đánh bại âm mưu giành thế mạnh trên bàn đàm phán, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, của thế trận phòng không nhân dân; là chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần của toàn dân tộc Việt Nam; là ý chí, quyết tâm dám đánh, biết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, đã tạo ra bước chuyển chiến lược căn bản về cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; củng cố niềm tin, cổ vũ, làm tăng thêm sức mạnh cho các lực lượng đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là một trong những chiến công oanh liệt nhất, là bản hùng ca vĩ đại trong thế kỷ XX, trở thành biểu tượng của ý chí, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh; để lại cho quân và dân ta nhiều bài học kinh nghiệm quý trong kháng chiến trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Một là, thường xuyên giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cơ sở đánh giá khách quan, khoa học tình hình trong nước, quốc tế, nhận rõ bản chất, đối tượng của cách mạng Việt Nam và tương quan lực lượng, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận định tình hình, đưa ra chủ trương, quyết sách đúng đắn, kịp thời; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống chiến tranh. Để chuẩn bị đánh bại B-52 của Mỹ, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập một số đơn vị phòng không và nhanh chóng điều chỉnh, bố trí lực lượng, thế trận phòng không trên miền Bắc, chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân khẩn trương xây dựng, hoàn chỉnh kế hoạch đánh B-52, tổ chức huấn luyện, diễn tập, bảo đảm kỹ thuật, nghi binh, sơ tán, kết hợp phòng tránh với đánh trả.
Bám sát diễn biến Hội nghị Paris, tình hình chiến trường, những sự kiện lớn của nước Mỹ, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương sớm xác định thời điểm Mỹ sử dụng B-52 đánh phá vào các thành phố, các trung tâm kinh tế lớn, nhất là Hà Nội, Hải Phòng và khu gang thép Thái Nguyên… Ngày 27/11/1972, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho các lực lượng khẩn trương bố trí thế trận lực lượng phòng không ba thứ quân, triển khai kế hoạch phòng không nhân dân nhằm phát huy cao nhất sức mạnh của chiến tranh nhân dân, sẵn sàng và đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của địch. Trong suốt 12 ngày đêm chiến đấu, Đảng ta, trực tiếp là Quân ủy Trung ương đã tỏ rõ bản lĩnh, trí tuệ, bình tĩnh, tỉnh táo, đoàn kết, thống nhất cao đưa ra những quyết sách, mệnh lệnh chính xác, kịp thời, thực sự là nhân tố quyết định đưa chiến dịch phòng không cuối năm 1972 đi tới thắng lợi.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước, bài học cốt tử, có tính nguyên tắc, quyết định nhất là phải thường xuyên “Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân và sự nghiệp quốc phòng” [1]. Để thực hiện tốt mục tiêu đó, cùng với nâng cao năng lực lãnh đạo, Đảng phải nâng cao khả năng hoạch định đường lối cách mạng, đường lối quân sự, quốc phòng trong giai đoạn mới. Quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các nghị quyết, chỉ thị, chiến lược, đề án, nhất là Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia,... Phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu các Ban, Bộ, ngành Trung ương, địa phương và cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang trong lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, chiến lược. Cùng với đó, cần đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp; thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Quan tâm chăm lo xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác quân sự, quốc phòng ở các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có số lượng, cơ cấu hợp lý, chất lượng cao, ngang tầm nhiệm vụ. Bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quốc phòng; quy chế phối hợp giữa các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương, bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và tăng cường nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng bằng pháp luật.
Hai là, chú trọng công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống
Trong quá trình lãnh đạo kháng chiến, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm theo dõi và chú trọng công tác nghiên cứu, dự báo nắm chắc tình hình để chuẩn bị tốt về mọi mặt, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn và các tình huống đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc. Với tầm nhìn chiến lược, sáng suốt, cuối năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội.
Nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của địch và dự báo chính xác tình hình, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; Quân chủng Phòng không - Không quân đã chủ động, kịp thời xây dựng kế hoạch, phương án tác chiến và tích cực chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng đánh địch với quyết tâm giành thắng lợi cao nhất. Từ tháng 6/1966, Trung đoàn Tên lửa 238 và nhiều cán bộ chỉ huy, tham mưu có kinh nghiệm được cử vào Vĩnh Linh để nghiên cứu cách đánh B-52. Qua nhiều năm vừa chiến đấu, vừa tổng hợp nghiên cứu bổ sung thêm kinh nghiệm trong các trận đánh ở Trị Thiên, Đường 9 - Nam Lào, chiến đấu bảo vệ giao thông trên địa bàn Quân khu 4, cẩm nang đỏ “Cách đánh B-52” được hoàn thành và đưa vào học tập, huấn luyện trong các lực lượng phòng không, không quân. Tháng 02/1968, khi cuộc tổng tiến công và nổi dậy đang diễn ra, Quân ủy Trung ương đã dự kiến khả năng Mỹ dùng B-52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không - Không quân nghiên cứu xây dựng kế hoạch bảo vệ yếu địa miền Bắc. Tháng 01/1969, bản dự thảo Kế hoạch được hoàn thành và tiếp tục được bổ sung, hoàn chỉnh. Ngày 24/11/1972, kế hoạch đánh B-52 bảo vệ Hà Nội được phê chuẩn, trước 20 ngày so với ngày Tổng thống Mỹ phê chuẩn kế hoạch chiến dịch sử dụng B-52 đánh phá Hà Nội. Nhờ chủ động nghiên cứu, dự báo, xây dựng phương án đối phó mà chúng ta đã giành thế chủ động đánh địch cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật.
Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có chuyển biến nhanh, diễn biến phức tạp, khó dự báo. Các nước lớn điều chỉnh chiến lược vừa liên kết, hợp tác, thỏa hiệp, vừa đấu tranh, cạnh tranh, kiềm chế lẫn nhau, gia tăng can dự vào nội bộ của quốc gia có độc lập, chủ quyền. Tình trạng xâm phạm chủ quyền, tranh chấp lãnh thổ, biển đảo, tài nguyên, xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ, can thiệp, lật đổ, khủng bố, ly khai… diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực. Các vấn đề về an ninh phi truyền thống, đối tượng, đối tác chuyển hóa mau lẹ, phức tạp… Ở trong nước, các thế lực thù địch đẩy mạnh “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội với nhiều thủ đoạn tinh vi, thâm độc, khó nhận diện. Do vậy, việc chú trọng công tác dự báo chiến lược, nghiên cứu, đánh giá chính xác tình hình, nhận thức rõ đối tác, đối tượng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đưa ra chủ trương, đối sách đúng, trúng, kịp thời, hiệu quả, giải quyết tốt các mối quan hệ quốc tế, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Để nâng cao hiệu quả công tác này cần tập trung một số nội dung sau: Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, nhất là cấp chiến lược, chiến dịch đối với công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo chiến lược. Thứ hai, thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng; xử lý thắng lợi các tình huống, không để bị động, bất ngờ, không để mâu thuẫn, tranh chấp phát triển thành xung đột vũ trang, chiến tranh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nghiên cứu, dự báo cần phải toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm chính xác, kịp thời, có căn cứ, cơ sở khoa học; kết hợp nghiên cứu lý luận với hoạt động thực tiễn. Chú trọng tham mưu xử lý các tình huống quốc phòng, đấu tranh quốc phòng; về đối tác, đối tượng; các chủ trương, giải pháp tổng thể, căn cơ, lâu dài trong quan hệ quốc tế, đối ngoại quốc phòng nhằm ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; các biện pháp đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch, kiên quyết giữ ổn định đất nước. Thứ ba, chú trọng xây dựng cơ quan chuyên trách tham mưu chiến lược toàn quân theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ba là, xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, trong đó xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh, làm nòng cốt cho toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc
Với tầm nhìn xa trông rộng, xác định đương đầu với một đế quốc có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh, vũ khí, trang bị tiên tiến, tháng 02/1957, Bộ Chính trị đã họp và thông qua kế hoạch xây dựng Quân đội và củng cố quốc phòng. Theo đó, Đảng chủ trương xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, hiện đại; có lực lượng phòng không nhân dân mạnh mẽ và phát triển rộng khắp, trong đó lực lượng phòng không và không quân tiêm kích được đặc biệt chú trọng. Tháng 10/1963, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập và kiện toàn Quân chủng Phòng không - Không quân. Bộ Chính trị yêu cầu lập “Kế hoạch phòng không nhân dân”, chỉ đạo cử cán bộ đi đào tạo về phòng không, không quân chuẩn bị khung cán bộ cho các binh chủng, quân chủng mới thành lập, trong đó có Bộ đội Cao xạ, Tên lửa, Ra-đa,… Nhờ đó, khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, Quân đội ta đã có đội ngũ cán bộ phòng không đầu ngành, có phẩm chất chính trị tốt, trình độ chuyên môn vững, nhất là các binh chủng hiện đại như ra-đa, tên lửa, không quân. Chúng ta cũng tranh thủ được sự giúp đỡ, viện trợ vũ khí hiện đại từ nước bạn, nhanh chóng tổ chức huấn luyện làm chủ vũ khí, khí tài mới và tổ chức chiến đấu có hiệu quả ngay từ trận đầu, ngày đầu.
Cùng với lực lượng phòng không chủ lực, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh cũng chú trọng xây dựng dân quân tự vệ rộng khắp để triển khai công tác phòng không nhân dân bao gồm: Sơ tán người, phân tán tài sản, cứu thương, xây dựng hệ thống hầm hào,… và trực tiếp phối hợp chiến đấu với các lực lượng phòng không chủ lực. Trong 12 ngày đêm chiến dịch, các đơn vị súng máy phòng không chủ yếu do dân quân, tự vệ đảm nhiệm được bố trí đón lõng bắn máy bay tầm thấp. Ta đã tổ chức 364 phân đội dân quân, tự vệ với 1.428 khẩu pháo và súng máy phòng không các loại; tổ chức trên 100 trận địa pháo phòng không, gần 500 đài quan sát xa, quan sát bổ trợ tạo thành thế trận phòng không nhân dân trên khắp các vùng miền [2]. Với lực lượng phòng không - không quân nòng cốt cùng với quân dân miền Bắc, quân dân Thủ đô Hà Nội chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân và dân ta đã bắn rơi 34 máy bay B-52 và nhiều loại máy bay hiện đại khác của Mỹ, góp phần tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến.
Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay đặt ra những yêu cầu mới, trong đó phải coi trọng xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân vững mạnh toàn diện, nhất là “vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ…, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân…, bảo đảm chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống” [3]. Để thực hiện mục tiêu trên, yêu cầu phải quán triệt và triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, chính sách, chiến lược, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về quân sự, quốc phòng, xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc.
Trước mắt tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Chú trọng phát triển nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng, tiếp tục đầu tư mua sắm một số loại vũ khí, trang bị mới, hiện đại; cải tiến, hiện đại hóa một số vũ khí hiện có; tranh thủ thời cơ, tận dụng, khai thác và phát huy tốt lợi thế của các lĩnh vực, nhất là khoa học - công nghệ để đẩy nhanh lộ trình hiện đại hóa Quân đội, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị “Về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo”; phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành cơ bản điều chỉnh tổ chức, biên chế Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, tạo nền tảng vững chắc để đến năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại, có cơ cấu cân đối, đồng bộ, hợp lý giữa các thành phần, lực lượng; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, giảm đầu mối trung gian, tạo sự đồng bộ giữa vũ khí, trang bị với nhân lực và công tác bảo đảm. Chú trọng xây dựng nền nếp chính quy, duy trì và chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, thực hiện nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, quản lý chặt chẽ vùng trời, vùng biển, hải đảo, biên giới, nội địa, các địa bàn chiến lược trọng điểm và trên không gian mạng. Cùng với việc bảo đảm chất lượng huấn luyện, nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, Quân đội cần thực hiện tốt chức năng “đội quân công tác”, “đội quân lao động sản xuất” trong thời bình, sẵn sàng giúp nhân dân phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và các thách thức an ninh phi truyền thống, không ngừng phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới. Coi trọng xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh về chính trị, làm nòng cốt trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Chú trọng xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, chất lượng ngày càng cao, được quản lý chặt chẽ, sẵn sàng huy động trong mọi tình huống. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trên các vùng, miền, trên biển.
Bốn là, chú trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, các khu vực phòng thủ vững chắc đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
Trong cuộc chiến đấu 12 ngày đêm, chúng ta đã xây dựng được một thế trận phòng không ba thứ quân, hình thành ba cụm phòng không chiến dịch; chủ động chuyển hóa thế trận, điều chỉnh đội hình chiến đấu của một số đơn vị tên lửa phòng không, thay đổi sân bay cất cánh cho không quân đánh từ xa tạo bất ngờ, bị động cho địch. Các lực lượng phòng không - không quân có kế hoạch hiệp đồng, phân chia khu vực, độ cao và thời gian tác chiến chặt chẽ tạo nên thế trận nhiều tầng, nhiều lớp, hiểm hóc, liên hoàn, vừa có chiều sâu, vừa có trọng tâm, trọng điểm, hoạt động nhịp nhàng. Nhờ đó, ta có thể đánh liên tục, từ xa đến gần, ở mọi tầng cao, từ nhiều phía cả trực diện, phía sau, bên sườn, cả ban ngày lẫn ban đêm,… tạo thành “lưới lửa phòng không”, khiến địch không thể cơ động phòng tránh.
Sức mạnh của quân và dân ta trong trận quyết chiến chiến lược cuối năm 1972 là sức mạnh của chiến tranh nhân dân phát triển cao dưới sự lãnh đạo của Đảng, được vận dụng sáng tạo vào mặt trận đất đối không, huy động tối đa sức mạnh của nhân dân với phương châm “Toàn dân tham gia bắn máy bay, vây bắt giặc lái”, “Toàn dân tổ chức phòng không nhân dân”. Nhân dân miền Bắc đã tu bổ, xây dựng hàng chục sân bay, hàng trăm trận địa phòng không các loại đảm bảo cơ động lực lượng và bố trí bảo vệ Hà Nội, đóng góp hàng trăm triệu ngày công xây dựng các công trình phòng tránh, đào hố cá nhân, hầm tập thể, hầm lưu động, hào giao thông, cất giấu tài sản, sơ tán dân ra khỏi khu vực trọng điểm, hạn chế tổn thất.
Vận dụng bài học này trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta chủ trương: Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, thế trận quốc phòng toàn dân và khu vực phòng thủ các cấp ngày càng vững chắc. Trong đó, chú trọng kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh trên từng vùng lãnh thổ, trên các địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo, khu kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm. Trên cơ sở đó, khai thác mọi nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh để xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp với kinh tế - xã hội; xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quân khu thành khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, Quân đội cần làm tốt vai trò nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”, Kết luận số 64-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW và Nghị định số 21/2019/NĐ/CP ngày 22/2/2019 của Chính phủ về khu vực phòng thủ” gắn với thực hiện tốt Luật Quốc phòng và các chiến lược quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Chú trọng xây dựng và tổ chức sử dụng lực lượng phù hợp bảo đảm phòng thủ trong thế chủ động tiến công, phản công địch; đánh địch nhiều hướng, cả trên không gian mạng, trên không, trên biển và đất liền, cả phía trước, phía sau, căng kéo, chia cắt, kìm giữ địch. Tập trung xây dựng các tiềm lực trong khu vực phòng thủ. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh, tích cực triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể về thế bố trí quốc phòng, trong đó có một số quân chủng, binh chủng, lực lượng phòng thủ trên cả nước và trên từng khu vực, địa bàn. Ưu tiên quân số cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, đơn vị làm nhiệm vụ trên địa bàn chiến lược, trọng điểm, biên giới, hải đảo, nhằm xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh nơi “phên dậu” Tổ quốc.
Cùng với đó, cần đầu tư xây dựng các công trình quốc phòng trong khu vực phòng thủ tương xứng với tốc độ phát triển và tiềm lực kinh tế địa phương. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các công trình trong căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần kỹ thuật, khu vực phòng thủ then chốt, sở chỉ huy các cấp; gắn phòng thủ dân sự với tạo lập thế trận liên hoàn vững chắc giữa các khu vực phòng thủ với phòng thủ quân khu và trên hướng chiến lược. Sẵn sàng đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống. Chủ động chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng các phương án để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.
Năm là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh công tác đối ngoại, hợp tác quốc phòng, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Thắng lợi của chiến dịch phòng không cuối năm 1972 là kết quả của quá trình phát huy sức mạnh dân tộc (là chủ yếu), kết hợp với sức mạnh thời đại. Đó là sự giúp đỡ của chính phủ và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em, đặc biệt là sự giúp đỡ quý báu của Liên Xô và Trung Quốc; sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân tộc, các lực lượng cách mạng, dân chủ hòa bình và của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Ngay sau khi Tổng thống Mỹ lệnh cho máy bay B-52 đánh phá Hà Nội, một làn sóng phản đối bùng lên thành cao trào trên khắp các châu lục. Chính phủ 50 nước, 15 tổ chức quốc tế, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đều lên tiếng phản đối. Ngay cả một số nước liên minh với Mỹ, nghị sỹ và nhân dân Mỹ cũng phản đối mạnh mẽ. Nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, bè bạn yêu chuộng hòa bình trên thế giới đều đứng về phía Việt Nam, cổ vũ, động viên, giúp đỡ Việt Nam đánh thắng B-52.
Hiện nay, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế theo phương châm: “là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” [4]. Theo tinh thần đó, Đảng ta chỉ rõ: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc” [5]. Thời gian tới, để chủ động, linh hoạt trong đối ngoại quốc phòng phục vụ xây dựng quân đội, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; toàn quân quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh theo tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc; triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đã xác định.
Trong điều kiện đối tượng, đối tác đan xen, công tác đối ngoại quốc phòng thực hiện nhất quán chủ trương vừa hợp tác, vừa đấu tranh, kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược; vận dụng linh hoạt, mềm dẻo về sách lược theo phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Đẩy mạnh hợp tác song phương, nâng tầm đối ngoại đa phương, ưu tiên quan hệ với các nước láng giềng, các nước trong khu vực ASEAN; cân bằng quan hệ với các nước lớn, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước có tiềm năng,… Chú trọng tham gia các cơ chế hợp tác quốc phòng đa phương trong khuôn khổ ASEAN và do ASEAN giữ vai trò chủ đạo; tích cực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Giữ vững định hướng chính trị, chủ động tham mưu các phương án đấu tranh ngoại giao hiệu quả, giảm căng thẳng, tránh xung đột, đối đầu, tránh bị cô lập, phụ thuộc và tranh thủ tối đa mọi lợi thế phục vụ xây dựng đất nước, xây dựng quân đội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của đất nước và Quân đội ta.
50 năm đã trôi qua, tinh thần, khí thế của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn vang vọng, mãi là bản anh hùng ca hào hùng về ý chí, bản lĩnh, trí truệ của con người Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những bài học đúc kết từ chiến thắng oanh liệt này sẽ còn được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
[1] - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, trang 160-161.
[2] - Dẫn theo Bộ Quốc phòng - Ban Tuyên Giáo Trung ương - Thành ủy - Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - Tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam, (Kỷ yếu hội thảo khoa học), Nxb QĐND, H. 2012, trang 94.
[3] - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Sđd, trang 158.
[4] - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Sđd, trang 162.
[5] - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Sđd, trang 155-156.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Noi gương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, toàn quân quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ
- Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học đối với sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
- Quán triệt nghị quyết của Quân ủy Trung ương, toàn quân hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2024
- Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khoá XIII
- Những cống hiến xuất sắc của Đại tướng Đoàn Khuê đối với cách mạng Việt Nam