Nhật ký “Hành trình đỏ” tri ân các anh hùng liệt sĩ

10:23 | 16/07/2024

(Bqp.vn) - Những ngày tháng 7, nắng như đổ lửa, kèm theo những cơn gió phơn Tây Nam làm bầu không khí thêm bỏng rát. Hòa cùng dòng người tưởng dài như vô tận thành kính về với miền Trung để dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sĩ, Đoàn đại biểu Văn phòng Quân ủy Trung ương - Văn phòng Bộ Quốc phòng do Thiếu tướng Lê Văn Thuận, Phó Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng làm Trưởng đoàn đã thực hiện chuyến đi về nguồn, một “Hành trình đỏ” mang nặng nghĩa tình, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” đối với các anh hùng liệt sĩ đã không tiếc tuổi xuân, máu xương vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Về với nguồn cội

Đoàn đại biểu Văn phòng Bộ Quốc phòng về thăm quê Bác.

Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, Nam Đàn (Nghệ An). Đây là không gian lưu giữ nhiều kỷ vật về tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Trong không gian lắng đọng, đoàn đã thành kính dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ công ơn to lớn của Người. Bác ơi! Hôm nay chúng con về thăm quê Bác; dâng nén tâm nhang thành kính, đời đời nhớ ơn Người.

Đoàn đại biểu Văn phòng Bộ Quốc phòng tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Khu Di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn.

Tiếp nối chuyến hành trình, chúng tôi về với Khu Di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, một trong những chứng tích huyền thoại về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ 20. Truông Bồn nằm trên tuyến đường chiến lược 15A trong kháng chiến chống Mỹ với chiều dài gần 200 km. Đây là huyết mạch giao thông quan trọng để vận chuyển nhân lực, vật lực chi viện cho chiến trường miền Nam.

Thiếu tướng Lê Văn Thuận và các đại biểu dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ tại Khu Di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn.

Nhắc đến Truông Bồn là nói về một chứng tích hào hùng, bất hủ, ghi dấu những chiến công và sự hy sinh oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tiêu biểu là sự hy sinh của 13 chiến sĩ thanh niên xung phong (TNXP) “Tiểu đội cảm tử” - “Tiểu đội thép” - “Tiểu đội cọc tiêu sống” anh hùng thuộc Ðại đội 317, Đội 65, Tổng đội TNXP chống Mỹ, cứu nước tỉnh Nghệ An vào ngày 31/10/1968. Vào tháng 7/1968, Ðại đội 317 đã chọn 14 chiến sĩ, gồm 12 nữ và 2 nam làm nhiệm vụ trực chiến 24/24 giờ hàng ngày để quan sát, cảnh báo máy bay Mỹ; phối hợp với lực lượng công binh phá bom, bảo đảm cho chặng đường giao thông qua Truông Bồn luôn thông suốt. Đêm ngày 30/10/1968, Đại đội 317 nhận lệnh phải cấp tốc thông đường để đoàn xe quân sự vượt qua Truông Bồn vào Nam trước khi trời sáng. Vào khoảng 4 giờ sáng ngày 31/10/1968, toàn đơn vị khẩn trương san lấp hố bom. Đến 6 giờ 10 phút, khi công việc sắp hoàn thành thì bất ngờ máy bay Mỹ đến oanh tạc. Vì giữ nhiệm vụ trực chiến nên 14 chiến sĩ TNXP ấy không kịp rút về hầm trú ẩn và 13 người đã hy sinh khi chỉ còn hơn 10 tiếng đồng hồ nữa là đến thời điểm 0 giờ ngày 01/11/1968 - thời điểm không quân Mỹ ngừng ném bom bắn phá trên toàn miền Bắc. 13 TNXP - 11 cô gái và 2 chàng trai đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, người trẻ nhất là 17 tuổi và người nhiều tuổi nhất mới có 22 tuổi, “Hai mươi tuổi em vẫn là con gái/Ngã vào lòng đất mẹ, mộ trinh nguyên”. Sự hy sinh của các chị, các anh đã làm nên “Huyền thoại Truông Bồn”.

Các đại biểu nghe giới thiệu về những chiến công và sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ tại Khu Di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn.

Với ý nghĩa to lớn đó và được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nhằm xây dựng Truông Bồn trở thành “Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, ngày 19/4/2010, UBND tỉnh Nghệ An đã quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình “Bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn” trên diện tích 22 héc-ta với nhiều cụm công trình quy mô lớn, kéo dài theo trục đường 15A huyền thoại.

Thiếu tướng Lê Văn Thuận ghi lưu bút Sổ Vàng lưu niệm Khu Di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn.

Cẩn thận sửa lại dải băng mang dòng chữ “Văn phòng Quân ủy Trung ương - Văn phòng Bộ Quốc phòng kính dâng”, trong tiếng nhạc “Hồn tử sĩ” trầm lắng, hòa quyện với mùi hương trầm thoang thoảng, Thiếu tướng Lê Văn Thuận cùng đoàn thành kính dâng hương, dâng hoa cầu cho anh linh các anh, các chị đang nằm tại nơi đây được yên nghỉ, siêu thoát.

Vang mãi bản hùng ca

Tiếp nối chuyến hành trình, rời Khu Di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn, vượt qua chặng đường dài, chúng tôi đã đến viếng và dâng hương tại những “địa chỉ đỏ” như: Khu Di tích Ngã ba Đồng Lộc, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp…

Các đại biểu dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ tại Khu Di tích Ngã ba Đồng Lộc.

Cùng dòng người nối dài xếp hàng với những bông hoa trắng dâng lên 10 nữ Anh hùng liệt sĩ TNXP trong niềm tiếc thương và day dứt, chúng tôi như đang quay trở về miền ký ức của Đồng Lộc hơn 50 năm trước. Đó được coi là “tọa độ chết” mà đế quốc Mỹ thực hiện âm mưu hòng cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Từ tháng 4 - 10/1968, giặc Mỹ đã điên cuồng đánh phá Ngã ba Đồng Lộc 1.863 lần, với gần 50.000 quả bom các loại; ước tính, mỗi mét vuông ở đây phải gánh chịu ít nhất 3 quả bom tấn. Trong buổi chiều định mệnh ngày 24/7/1968, khi Tiểu đội 4 của những cô gái TNXP đang san lấp hố bom để nhanh chóng thông đường cho xe qua, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc. Một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm, nơi 10 cô gái của Tiểu đội 4, Đại đội 552 đang tránh bom. Tất cả các chị đã hy sinh khi đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi và vẫn chưa có ai lập gia đình. “Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, các chị: Cúc, Tần, Hường, Xuân, Xanh… đã đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca về quyết tâm sắt đá tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc.

Thiếu tướng Lê Văn Thuận sửa lễ, dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ tại Khu Di tích Ngã ba Đồng Lộc.

Giữa hương khói trầm mặc ở Khu Di di tích Ngã ba Đồng Lộc, Thiếu tướng Lê Văn Thuận và các thành viên trong đoàn lặng lẽ nghiêng mình, kính cẩn trước anh linh 10 cô gái đã trở thành huyền thoại bất tử.

Đoàn đại biểu Văn phòng Bộ Quốc phòng viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tạm biệt Khu Di tích Ngã ba Đồng Lộc, đoàn chúng tôi đến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình tại Vũng Chùa - Đảo Yến, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Bằng tất cả tình cảm, lòng tri ân sâu sắc, Thiếu tướng Lê Văn Thuận và các thành viên trong đoàn đã thành kính thắp nén tâm nhang, nguyện hứa trước anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần tô thắm truyền thống “Tuyệt đối trung thành, đoàn kết thống nhất, tận tuỵ, sáng tạo, giữ vững nguyên tắc” của Văn phòng Quân ủy Trung ương - Văn phòng Bộ Quốc phòng.

Những tượng đài bất tử

Đoàn đại biểu Văn phòng Bộ Quốc phòng dâng hoa tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị.

Trong hành trình tri ân đáng nhớ này, địa danh tiếp theo mà chúng tôi dừng chân chính là Thành cổ Quảng Trị. Trời Quảng Trị trong, xanh cùng nắng gió hòa quyện như tâm hồn “phơi phới dậy tương lai” của những chàng trai tuổi đôi mươi ngày ấy. Ở vùng đất thiêng này, từng nhành cây, ngọn cỏ, nắm đất như thì thầm với dòng người vào viếng, nhắc nhớ chúng tôi về cuộc chiến khốc liệt 81 ngày đêm để bảo vệ Thành cổ của những người lính trẻ vào mùa hè đỏ lửa năm 1972.  

Đoàn đại biểu Văn phòng Bộ Quốc phòng chụp ảnh chung tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị.

Dễ dàng thấy những ai đã bước chân vào Thành cổ thì chân đều khe khẽ bước nhẹ, bởi dường như ai cũng thấu hiểu rằng, dưới lớp cỏ xanh kia còn bao anh hùng liệt sĩ nằm lại, trở thành một phần trầm tích sâu dày, mạch nguồn cho cỏ non Thành cổ mãi xanh. Nhiều người đã bật khóc khi nghe giọng nữ thuyết minh viên kể lại những câu chuyện bi tráng trong 81 ngày đêm đỏ lửa ở nơi này.

Thiếu tướng Lê Văn Thuận và các đại biểu thả hoa tri ân các anh hùng liệt sĩ trên dòng sông Thạch Hãn.

Thả hoa tri ân các anh hùng liệt sĩ trên dòng sông Thạch Hãn lịch sử, Thiếu tướng Lê Văn Thuận và đoàn thành kính tưởng nhớ những người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống nơi này. Trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trong mưa bom, bão đạn, hàng nghìn chiến sĩ của ta với lòng quả cảm đã anh dũng vượt sông Thạch Hãn vào chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị. Mỗi ngày có 1 đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện quân số, nhưng đêm nay một đại đội tiến vào thì ngày mai chỉ còn lại vài người sống sót. Họ đã nằm lại trong mênh mông sóng nước sông quê. Máu xương các anh đã hòa vào dòng Thạch Hãn linh thiêng, “Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”. Tháng 7 về, với tình cảm và sự tri ân, tưởng nhớ của nhân dân cả nước, các anh hùng liệt sĩ đang nằm yên nghỉ nơi đây có lẽ cũng đang cảm thấy ấm lòng.

Thiếu tá QNCN Phạm Mai Anh trả lời phỏng vấn.

Lần đầu đi dọc tuyến đường Trường Sơn trong ngày đầy nắng và gió để đến viếng thăm các nghĩa trang liệt sĩ, khu di tích là một trải nghiệm khó quên với nhiều thành viên trong đoàn. Đối với họ, được bước chân vào vùng đất thiêng này không đơn giản chỉ là viếng thăm những địa danh lịch sử mà còn là niềm vinh dự và là lời nhắc nhở về trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với đất nước, “Lớp cha trước, lớp con sau/Đã thành đồng chí, chung câu quân hành”. Trong sự xúc động khôn tả, Thiếu tá QNCN Phạm Mai Anh, nhân viên Văn phòng Bộ Quốc phòng chia sẻ “Tôi hiểu rằng, để có hòa bình như ngày hôm nay, các thế hệ cha anh trước đây đã phải đổ máu. Máu của họ thấm đẫm mảnh đất này, nhắc nhở chúng tôi phải sống có trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện và tiếp tục cống hiến cho đất nước. Chuyến đi này thực sự vô cùng bổ ích, làm giàu thêm kiến thức; đồng thời bồi đắp và dung dưỡng lòng biết ơn cho bản thân tôi”.

Nguyện ước gửi lại mai sau

Trên quãng đường từ Hà Nội, đặt chân đến mảnh đất miền Trung đầy nắng gió, nơi được gọi là “khúc ruột” của dải đất hình chữ S, hàng năm phải oằn mình chống chọi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng vẫn luôn chan chứa ân tình. Cái tình ấy càng trở nên thân thương, sâu nặng hơn bởi vùng đất thiêng này đã trở thành quê hương thứ hai của hàng triệu người lính - các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh qua các cuộc kháng chiến cứu nước, bảo vệ Tổ quốc và nay an nghỉ tại các nghĩa trang liệt sĩ trải dài từ Nghệ An, Hà Tĩnh đến Quảng Bình, Quảng Trị…

Đoàn đại biểu Văn phòng Bộ Quốc phòng dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.

Đến với Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, trong không gian tĩnh lặng và từng đoàn người đi trong trầm mặc, trang nghiêm, cùng kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, chúng tôi phần nào hiểu được giá trị của sự hy sinh và giá trị cuộc sống hòa bình hôm nay. Mảnh đất này năm xưa là chiến trường vô cùng ác liệt. Con đường Hồ Chí Minh huyền thoại đảm bảo sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam; giờ đây, lại chính là nơi trở về của hàng ngàn liệt sĩ, nằm kề bên nhau dưới lòng đất mẹ như cái thuở ở chiến trường. Đây không chỉ là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ mà còn là nơi suy tôn, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình.

Đoàn đại biểu Văn phòng Bộ Quốc phòng dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9.

Rời Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, đoàn đến với Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9. Nằm trên vùng đồi tĩnh lặng, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 là nơi yên nghỉ của gần 11.000 anh hùng liệt sĩ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và TNXP đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và trên đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Giữa không gian linh thiêng, tiếng chuông ngân vang và hình ảnh đàn chim bồ câu sà xuống bên nhà hành lễ như một lời nhắc nhở chúng tôi, để có được hòa bình hôm nay là mồ hôi, xương máu của biết bao thế hệ cha anh đã đổ xuống.

Thiếu tướng Lê Văn Thuận và các thành viên trong đoàn thắp hương trên các phần mộ liệt sĩ.

Tháng 7 lịch sử, dòng người viếng thăm các nghĩa trang liệt sĩ cứ thế nối dài bất tận. Về với các nghĩa trang liệt sĩ, không chỉ riêng chúng tôi mà còn cả trong lòng mỗi người dân đất Việt đều trào dâng sự xúc động, nghẹn ngào. Đó không chỉ là niềm thương tiếc, mà còn xen lẫn sự khâm phục, lòng biết ơn với niềm tin mãnh liệt, các liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, thân xác các anh, các chị trở về lòng đất mẹ, hòa vào hồn thiêng sông núi, hóa thành bất tử.

Có lẽ, điều mà ai nấy trong chúng tôi đều xúc động khi trong chuyến hành trình này không chỉ là hình ảnh hàng chục ngàn bia mộ trắng, nghi ngút khói hương và dòng người nối dài dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ mà còn là câu chuyện cảm động về nghĩa tình đồng chí, đồng đội, là những hoài bão, ước mơ của một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Phần lớn các anh, các chị đã ngã xuống khi mới bước vào tuổi mười tám, đôi mươi. Họ là những anh bộ đội, những cô TNXP đương tuổi xuân thì, sẵn sàng chia tay gia đình, người thân, gác lại bút nghiên lên đường ra trận theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Đại tá, thương binh Bùi Hữu Dương trả lời phỏng vấn.

Là người lính trực tiếp cầm súng bảo vệ biên giới phía Bắc và để lại một phần máu thịt trên chiến trường, hơn ai hết, hiểu rõ sự khốc liệt của chiến tranh cũng như cái giá của hòa bình, Đại tá, thương binh Bùi Hữu Dương, cán bộ Văn phòng Bộ Quốc phòng xúc động chia sẻ: “Đúng là trải qua thực tế chiến đấu, chúng ta mới cảm nhận hết được sự ác liệt của bom đạn, cảm nhận hết được những khó khăn, gian khổ mà quân và dân chúng ta đã trải qua, cảm nhận hết được sự hy sinh, công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã cống hiến máu xương, quên mình hy sinh vì đất nước, vì dân tộc. Và qua đó mới cảm nhận hết được giá trị của hòa bình đối với mỗi một gia đình, mỗi một dân tộc. Ngày nay chúng ta đang được sống trong hòa bình, đòi hỏi mỗi người chúng ta hãy sống và làm việc sao cho xứng với sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ”.

Các đại biểu thắp hương trên các phần mộ liệt sĩ.

Thắp nén hương thơm trên phần mộ các anh hùng liệt sĩ, đối với các thành viên trong đoàn, đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là sự thôi thúc đáp đền đầy ân tình đối với những người đã hy sinh vì đất nước. Hơn thế nữa, điều này còn thể hiện lòng biết ơn của thế hệ hôm nay, mãi mãi không quên sự hy sinh cao cả của các anh, các chị sẵn sàng ngã xuống vì nền hòa bình, độc lập của dân tộc. Với lòng thành kính, tưởng nhớ và biết ơn vô hạn, chúng tôi càng hiểu rằng, chiến tranh đã đi qua nhưng có những vết thương chưa bao giờ lành, để rồi hôm nay, vẫn có biết bao giọt nước mắt rơi xuống mỗi khi chứng kiến hàng hàng, lớp lớp các bia mộ liệt sĩ, giữa bạt ngàn nắng gió dọc dài dải đất miền Trung.

Thiếu tướng Lê Văn Thuận thỉnh chuông tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9.

Theo Thiếu tướng Lê Văn Thuận, nằm trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Văn phòng Bộ Quốc phòng đã tổ chức đoàn tri ân tại một số nghĩa trang liệt sĩ, khu di tích khu vực miền Trung. Thông qua chuyến đi này, Đảng ủy, Chỉ huy Văn phòng mong muốn cán bộ, nhân viên, chiến sĩ toàn cơ quan, nhất là thế hệ trẻ tiếp tục phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”; nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, hăng hái thi đua, phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; góp phần xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cơ quan vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. “Chuyến đi lần này chúng tôi coi như một “Hành trình đỏ” - hành trình tri ân các anh hùng liệt sĩ, những người con con ưu tú của dân tộc đã không tiếc máu xương, ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.” - Thiếu tướng Lê Văn Thuận nhấn mạnh.

Vĩ thanh

Đi là để cảm nhận. Đi là để có thêm hiểu biết, thêm yêu quê hương, đất nước mình; tự hào về những chiến công của lớp lớp các thế hệ cha anh đi trước; càng thêm hiểu về giá trị của hòa bình, độc lập, tự do, về nghĩa tình đồng đội. Đi cũng là trở về. Trở về mạch nguồn cuộc sống, trở về nơi hiện thân cao nhất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của phẩm giá con người. “Hành trình đỏ” tri ân các anh hùng liệt sĩ của Đoàn đại biểu Văn phòng Quân ủy Trung ương - Văn phòng Bộ Quốc phòng bên cạnh ý nghĩa chính trị sâu sắc còn mang ý nghĩa đó. Để kết thúc cho chuyến đi này, xin được trích dẫn mấy câu thơ của nhà thơ Đoàn Thịnh như một nén tâm nhang dâng lên các anh hùng liệt sĩ cũng như là lời nguyện hứa: “Nén nhang hồng không chỉ để biết ơn/Hướng mình mãi tiếp nối người đi trước/Bao la đất và mênh mông nước/Tỏa ngạt ngào mỗi bước mỗi một thơm”.

File đính kèm:

Nguyễn Bằng

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: Số 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.