Web Content Viewer
ActionsHội thảo quốc tế về xử lý chất độc hóa học/đi-ô-xin tồn lưu sau chiến tranh ở Việt Nam
(Bqp.vn) - Sáng 30/5, tại Hà Nội, Cục Khoa học quân sự (Bộ Quốc phòng) - Văn phòng 701 chủ trì, phối hợp với Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và một số cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo quốc tế khoa học và công nghệ xử lý, giảm thiểu ảnh hưởng của chất độc hóa học/đi-ô-xin tồn lưu sau chiến tranh đối với con người, môi trường Việt Nam.
Quang cảnh hội thảo.
Đồng chủ trì hội thảo có các đồng chí: Thiếu tướng, PGS, TS Ngô Văn Giao, Cục trưởng Cục Khoa học quân sự, Ủy viên Thường trực Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học/đi-ô-xin sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701); Thiếu tướng, GS, TS Trần Viết Tiến, Phó Giám đốc Học viên Quân y; ThS Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Các đồng chí chủ trì hội thảo.
Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm hợp tác trong nước, quốc tế về nghiên cứu ảnh hưởng, giải pháp và những yêu cầu trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ xử lý, giảm thiểu hậu quả đối với con người và môi trường do tồn lưu chất độc hóa học/đi-ô-xin sau chiến tranh ở Việt Nam.
Đại diện Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ trình bày tham luận tại hội nghị.
Đại diện Công ty Tetra Tech trình bày tham luận tại hội nghị.
Hậu quả của chất độc hóa học/đi-ô-xin tồn lưu sau chiến tranh ở Việt Nam vẫn còn ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Trong nhiều năm qua, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, công tác nghiên cứu, khắc phục, xử lý, giảm thiểu ảnh hưởng của chất độc hóa học/đi-ô-xin đối với con người và môi trường ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các điểm nóng về ô nhiễm chất độc hóa học/đi-ô-xin đang từng bước được ngăn chặn, xử lý, góp phần giảm nguy cơ ảnh hưởng đối với sức khỏe con người và môi trường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin đã được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng và đang được hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học/đi-ô-xin sau chiến tranh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tiến độ thực hiện còn chậm do thiếu nguồn lực về vốn, trang thiết bị; khó khăn về công nghệ…
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ các kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của chất độc hóa học/đi-ô-xin đối với con người và một số kết quả hợp tác, hỗ trợ nạn nhân; kết quả thực hiện, ứng dụng, thử nghiệm công nghệ xử lý đi-ô-xin tại các sân bay Đà Nẵng, A So, Biên Hòa... Đồng thời, các đại biểu cũng đưa ra một số giải pháp quan trọng nhằm tiếp tục thúc đẩy công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học/đi-ô-xin sau chiến tranh đối với con người và môi trường ở Việt Nam trong thời gian tới.
Thiếu tướng, PGS, TS Ngô Văn Giao phát biểu kết luận tại hội thảo.
Phát biểu kết luận tại hội thảo, Thiếu tướng, PGS, TS Ngô Văn Giao nhấn mạnh, để tiếp tục thúc đẩy công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học/đi-ô-xin sau chiến tranh đối với con người và môi trường ở Việt Nam, các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế cần tăng cường hợp tác; đẩy mạnh phát triển các nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tiếp nhận các trang thiết bị xử lý chất độc hóa học/đi-ô-xin, chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân để sớm thoàn thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, kế hoạch đề ra. Thực hiện các chương trình, dự án, hoạt động cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe của các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin; phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho các nạn nhân tại cơ sở y tế; hỗ trợ sinh kế giúp các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin từng bước hòa nhập cộng đồng.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Hội thảo về thực thi Công ước Vũ khí sinh học
- Tập huấn xác định hàng hóa lưỡng dụng liên quan đến vũ khí hóa học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân và chất nổ
- Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt
- Hội thảo quốc tế về xử lý chất độc hóa học/đi-ô-xin tồn lưu sau chiến tranh ở Việt Nam
- Tập huấn về chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt