Web Content Viewer
ActionsLực lượng vũ trang thời Tiền Lê (980 - 1009)
(Bqp.vn) - Sau khi Thập đạo tướng quân của nhà Đinh là Lê Hoàn được tôn làm vua thay Đinh Toàn còn quá nhỏ tuổi để đối phó với nguy cơ xâm lược Đại Việt của nhà Tống (Trung Quốc), ông đã có một số thay đổi trong cơ cấu tổ chức lực lượng vũ trang của mình so với Quân đội nhà Đinh được chuyển thuộc sang nhà Tiền Lê một cách tự nhiên.
Quân đội Tiền Lê được tổ chức thành hai lực lượng chính là quân Cấm vệ và quân Vương hầu.
Quân Cấm vệ (còn gọi là quân Điện tiền hay quân Túc vệ), là lực lượng thường trực của Quân đội Tiền Lê và của triều đình. lực lượng này được biên chế, tổ chức khá hoàn chỉnh từ năm 986, trên cơ sở đổi mới quân Điện tiền của nhà Đinh, Quân Cấm vệ có khoảng 3.000 người, được lựa chọn trong các đơn vị quân đội, hàng năm được bổ sung từ những đinh tráng khỏe mạnh nhất trong cả nước. Quân Cấm vệ gồm có hai bộ phận chính, quân Tùy long làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ nơi vua ở và làm việc, quân Tứ sương làm nhiệm vụ canh gác bên ngoài các vòng thành ở kinh đô Hoa Lư.
Đứng đầu lực lượng quân Cấm vệ là một viên tướng có chức danh Điện tiền chỉ huy sứ, giúp việc cho Điện tiền chỉ huy sứ có Phó Điện tiền chỉ huy sứ, đồng thời trực tiếp chỉ huy bộ phận quân Tứ sương.
Các binh sỹ trong lực lượng Cấm quân đều phải thích trên trán ba chữ “Thiên tử quân” để phân biệt với các lực lượng khác trong quân đội.
Quân Vương hầu (còn gọi là quân Vương phủ), đây là những đội quân riêng của những người được nhà vua phong tước vương. Lực lượng này được hình thành từ khoảng năm 981 - 995, khi Lê Hoàn (Lê Đại Hành) phong tước cho một số thái tử, con nuôi của vua và được cử trấn trị ở các địa phương.
Quân Vương hầu là lực lượng nòng cốt ở các đạo (đơn vị hành chính được tổ chức dưới thời nhà Đinh vẫn được duy trì dưới thời Tiền Lê). Lực lượng này tuy là quân riêng của các vương hầu, song về nguyên tắc vấn thuộc quyền điều khiển của nhà vua.
Khi có việc chinh chiến, triều đình sẽ hạ chiếu gọi thanh niên đinh tráng bổ sung cho quân đội.
Quân đội Tiền Lê được xây dựng theo phương hướng “thủy - bộ hóa”. Cơ động chủ yếu bằng thuyền. Tác chiến chủ yếu dựa trên sông, biển và trên bộ.
Trang bị Quân đội nhà Tiền Lê so với Quân đội dưới thời nhà Đinh nhìn chung chưa có sự cải tiến và đổi mới gì lớn, “vũ khí lạnh” vẫn chủ yếu như giáo mác, gươm đao, cung nỏ, mộc gỗ, lao tre…
Dưới thời Tiền Lê do nhà nước chú trọng xây dựng và phát triển mạng lưới giao thông thủy bộ, đặc biệt là nhà nước phong kiến Tiền Lê đã cho đào nhiều sông ngòi nối liền các sông từ phía bắc đến Thanh Hóa - Nghệ An, nên quân đội có thể cơ động khá nhanh. Đây được coi là mô hình xây dựng kinh tế kết hợp củng cố quốc phòng đầu tiên trong lịch sử dân tộc.
Quân đội Tiền Lê đã đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt lần thứ nhất năm 981 của nhà Tống (Trung Quốc), do Lê Hoàn trực tiếp chỉ huy.