Mấy nét về tư duy giữ nước truyền thống của dân tộc Việt Nam (phần IV): “Phạt Tống lộ bố văn” - Một phương thức chống xâm lược dưới thời nhà Lý

10:21 | 23/08/2012

(Bqp.vn) - Trong các tác phẩm về chủ đề đánh giặc, giữ nước của Lý Thường Kiệt (1019 - 1105), vị Phụ quốc Thái úy thời nhà Lý, bài Nam quốc sơn hà công bố năm 1077 tại phòng tuyến Nam sông Cầu được đời sau coi là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiến của dân tộc Việt Nam, xếp vào hàng các áng “thiên  cổ hùng văn” lưu lại cho con cháu muôn đời.

Nhưng một tác phẩm lịch sử cùng tác giả đã ra đời trước đó hai năm (1075), xét về giá trị lịch sử quân sự, cũng cần được phổ biến rộng rãi cho các thế hệ tiếp nối, đó là bài Phạt Tông lộ bố văn (tuyên cáo đánh Tống,công bố trên vải), được sáng tác trong một hoàn cảnh rất đặc biệt và đã phát huy tác dụng to lớn trong sự nghiệp đánh giặc, giữ nước dưới thời nhà Lý.

Tháng Giêng năm Nhâm Tý (1072), vua Lý ThánhTông (1023 - 1072), vị vua đời thứ ba nhà Lý băng hà. Đó là một nhà vua văn võ song toàn, cách đó ba năm (1069) đã thân chinh cùng Thái úy Lý Thường Kiệt chỉ huy cuộc “phản công chiến lược” tới Chà Bàn (Vijaya), kinh đô Chiêm Thành (thuộc Bình Định ngày nay), bắt Chế Củ (Rudravarman IU) là vua Chiêm đã nhận thuyền, ngựa và binh khí của Tống Thần Tông, năm 1068 đem quân đánh Đại Việt ở phía nam, đặt nước ta vào thế “lưỡng đầu thụ địch” (hai đầu gặp địch). Thái tử Càn Đức mới 6 tuổi, phải nối ngôi với miếu hiệu Lý Nhân Tông (1066 - 1127), tôn Thần phi Ỷ Lan (1044 - 1117) làm “Linh nhân Hoàng thái phi”, kiêm Giám quốc nhiếp chính triều đình, khi bà Thượng Dương còn giữ cương vị Hoàng thái hậu.

Nhà Tống chưa từ bỏ mưu đồ xâm chiếm Đại Việt, coi đó là một thời cơ tốt để ra quân tiến đánh. Dù phía bắc vẫn bị quân Liêu, Hạ uy hiếp, Tể tướng Vương An Thạch sau khi giúp Chiêm Thành đánh Đại Việt không thành, đề xuất phương châm “tiền Nam, hậu Bắc” (trước đánh chiếm phương Nam, sau (có thêm lực lượng) đánh lên phương Bắc. Liên tục trong ngót ba năm, nhà Tống vơ vét của cải trong dân, huy động quân lương, dồn xuống vùng biến giới phía nam, củng cố các châu Ung (Nam Ninh, Quảng Tây) châu Khâm, châu Liêm (Quảng Đông) thành các căn cứ xuất phát tiến công. Riêng thành Ung Châu đã tập trung 6 vạn quân do tướng Tô Giám chỉ huy...

Hiểu rõ dã tâm của nhà Tống, Lý Thường Kiệt đề xuất chủ trương “tiến phát chế nhân” (tiến công trước để chống kẻ xâm lược): “Ngồi yên đợi giặc sao bằng đem quân đánh trước để chặn mũi nhọn của chúng”. Cuối tháng 10 năm Ất Mão (1075), ông huy động hơn 10 vạn quân chia làm hai cánh: cánh quân bộ, phối hợp với quân các tù trưởng vùng biên giới Việt - Trung, khoảng 6 vạn, do phó tướng Tông Đản, xuất thân là tù trưởng người Tày, chỉ huy tiến sang đất Quảng Tây, đánh tan các đồn trại giặc trên đường chuẩn bị tiến quân, vây chặt thành Ung Châu. Cánh quân thủy do Lý Thường Kiệt trực tiếp thống lĩnh, tiến theo đường biển, đổ bộ lên Quảng Đông, đánh chiếm Khâm, Liêm rồi tiến sang phối hợp công phá thành Ung.

Sau 42 ngày đêm đánh phá quyết liệt, đến đầu tháng 3 năm Bính Thìn (1076), toàn bộ các căn cứ hành quân của quân Tống ở cả ba châu đều bị đập tan. Các kho binh lương bị tiêu hủy. Quân ta làm chủ chiến trường, tịch thu vũ khí, quân nhu, chia lương thực cho dân... Đến tháng Tư năm đó mới thu quân về nước, triển khai lực lượng phòng thủ, sẵn sàng đợi giặc.

Phía trước, trên mọi nẻo đường đều có quân các lộ và dân binh chiếm giữ, do danh tướng Tông Đản chỉ huy. Phía sau là phòng tuyến nam sông Cầu (tức lũy Như Nguyệt) được xây đắp nối liền từ dãy Tam Đảo tới núi Yên Tử, Liên hoàn với các công trình phòng thủ vùng biển Đông Bắc, do Lý Thường Kiệt đích thân thống lĩnh.

Phải tới cuối năm Bính Thìn (1076) sang đầu năm Đinh Tỵ (1077), nhà Tống mới tập trung nổi 10 vạn bộ binh, có 1 vạn ngựa, 1 đạo thủy binh cùng 20 vạn dân phu, tổng cộng trên 30 vạn, dưới quyền chỉ huy của Thiên  thảo sứ Quách Quỳ, có Triệu Tiết làm Phó sứ, chia làm hai cánh thủy, bộ tiến vào Đại Việt. Cánh quân thủy bị chặn đứng ở cửa biển Đông Bắc. Cánh quân bộ nhiều lần đột phá phòng tuyến sông Cầu không thành, lại bị quân ta đánh cho thiệt hại nặng trong lần ta phản công sang bờ Bắc (tháng Hai năm Bính Thìn). Quách Quỳ phải rút về núi Tam Tầng (Bắc Ninh) cố thủ. Triệu Tiết bỏ trận địa về hội tụ với chủ tướng. Quân Tống đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn.

Nắm thời cơ đó, Lý Thường Kiệt đề xuất giảng hòa, Quách Quỳ như người chết đuối vớ được cọc, vội vàng chấp nhận và rút quân vào tháng Ba năm Đinh Tỵ (1077). Trên đất Đại Việt, cuộc kháng chiến chống Tống dưới thời nhà Lý chỉ diễn ra khoảng trên hai tháng. Nhưng xét về tổng thể và về thực chất thì nó đã được mở đầu từ tháng Mười năm Ất Mão (1075) và kết thúc vào tháng Ba năm Đinh Tỵ (1077). Trong cuộc kháng chiến oanh liệt này, nổi lên hai “chiến dịch”:

Chiến dịch “phá chuẩn bị tiến công xâm lược” diễn ra từ tháng Mười năm Ất Mão tới tháng Tư năm Bính Thìn, trong đó có 42 ngày đêm Liên tục công phá các đồn trại giặc ở ba châu Ung, Khâm, Liêm, làm chủ chiến trường, ổn định nhân tâm trước khi thu quân về nước. Tính thời gian, “chiến dịch” diễn ra trên 5 tháng quân Đại Việt đã cùng nhân dân vùng biến giới Đại Việt và cùng nhân dân vùng biến giới Trung Việt đón Tết Ất Mão trên đất Quảng Đông, Quảng Tây.

Chiến dịch “phòng thủ đánh thắng quân xâm lược” diễn ra từ tháng Giếng đến tháng Ba năm Đinh Tỵ (1077), nổi lên có hai trận, Quách Quỳ đã vượt qua sông lại bị ta phản kích đánh hất trở lại và trận phản công lớn tháng Hai của Lý Thường Kiệt, buộc Quách Quỳ phải lui về cố thủ. Tính thời gian, chiến dịch này diễn ra trên hai tháng, chỉ bằng nửa thời gian chiến dịch “phá chuẩn bị tiến công xâm lược”.

Xét về giá trị chiến lược thì chiến dịch “phá chuẩn bị tiến công xâm lược của quân Tống” vừa có giá trị mở đầu thắng lợi cho toàn bộ cuộc kháng chiến chống Tống dưới thời nhà Lý vừa có giá trị làm đảo ngược thế trận đôi bên. Thất bại trong chiến tranh xâm lược của quân Tông có thể nhìn thấy trước vì chúng ra quân trong thế đã bị đại bại từ căn cứ hành quân, lại mất yếu tố bất ngờ, đánh vào nơi đối phương đã chủ động đề phòng với khí thế của người chiến thắng. Cuộc tiến công đánh Đại Việt của quân Tống đáng lý phải xảy ra chậm nhất vào đầu năm Bính Thìn (1076) thì đã bị trì hoãn đúng một năm vì phải chuẩn bị lại. Do đó, đại quân của Thiên  thảo sứ Quách Quỳ không tài nào vượt qua nổi phòng tuyến Nam sông Cầu, một thứ chiến tuyến dựa chắc vào hình sông thế núi, gắn mưu lược của người tổng chỉ huy với khí phách của quân dân Đại Việt.

Cuộc kháng chiến thời nhà Lý đã kết thúc mưu đồ xâm lược Đại Việt của vua quan nhà Tống, tránh cho nước ta khỏi họa ngoại xâm suốt 180 năm (cho đến năm 1258 nhà Trần mới phải kháng chiến chống Nguyên - Mông).

Trong “chiến dịch phá tiến công xâm lược” mở đầu và quyết định thắng lợi ấy, ''Phạt Tống lộ bố văn” là chứng tích của một phương thức tiến công sắc sảo của nước nhỏ chống lại mưu đồ thôn tính của nước lớn. Đó là phương thức lấy tiến công chính trị chỉ đạo tiến công quân sự, công bố công khai mục tiêu, đối tượng của tiến công quân sự, hướng dẫn hành động của tiến công quân sự, và do được chấp hành nghiêm chỉnh, đã có tác dụng quyết định thắng lợi của tiến công quân sự.

Bản tuyên cáo đánh Tống nguyên văn chữ Hán vẻn vẹn chỉ có 144 chữ, chia ra hai vế, bốn đoạn. Vế đầu có 79 chữ, chia làm hai đoạn, vừa vào đề, vừa luận tội kẻ thù. Vế sau có 65 chữ, chia làm hai đoạn, vừa công bố mục tiêu ra quân, vừa “trấn an” dân chúng. Các chữ đều viết rõ trên vải (lộ bô), trương ra những nơi có nhiều người qua lại, đã nhanh chóng được nhân dân vùng biến tiếp thu, truyền tụng đến tai cả binh lính đối phương.

Mở đầu bằng đạo lý thánh hiền: “Trời sinh ra dân chúng, vua có đức thì yêu. Đạo làm chủ dân cốt ở nuôi dân”. Kế đó, chỉ đích danh đối tượng lên án: “Nay vua Tống ngu hèn, không theo phép Thánh hiền, nghe kế tham tà của An Thạch, bày ra phép “thanh miêu”, “trợ dịch”' khiến trăm họ hao kiệt, để thỏa mưu nuôi béo thân mình”. Tiếp đó là lời luận tội: “Số là muôn dân đều dựa vào trời, bỗng rơi vào cảnh độc ác của kẻ ma quái. Người trên cố nhiên  phải thướng xót. Việc trước thôi không nói lại”.

Hai đoạn trong vế đầu chỉ rõ đối tượng công kích là vua Tống Thần Tông và Tể tướng Vương An Thạch, kể rõ tội thẳng tay bóc lột dân nghèo, làm trái đạo thánh hiền.

Hai đoạn trong vế cuối nói rõ lý do ra quân và quan điểm an dân, kêu gọi mọi người trấn tĩnh: “Bản chức vâng mệnh quốc vương, chỉ đường Bắc tiến, muốn dẹp yên làn sóng yêu nghiệt, chỉ có ý phân biệt quốc thổ, không phân biệt chúng dân. Phải quét sạch cái bẩn thỉu hôi tanh để ca vẻ đẹp trời Nghiêu, hưởng ngày lành thánh Thuấn. Nay ta ra quân cốt cứu muôn dân. Viết hịch truyền đến mọi người nghe biết. Hãy tự đắn đo, đừng hoang mang sợ hãi!”. Trong phần hai của bản hịch, ngoài việc nói rõ mục đích ra quân, đã đề xuất một quan điểm vừa tiến bộ vừa sắc sảo.Đó là quan điểm “chỉ phân biệt quốc thổ, không phân biệt chúng dân”. Nhà Tống muốn xâm chiếm Đại Việt, đã thường xuyên mua chuộc các tù trưởng miền núi nước ta, dụ dỗ họ theo về nước Tống, lại muốn đem quân đánh chiếm. ĐạiViệt phải ra quân phá cuộc xâm chiếm đó. Nhưng nhân dân hai vùng biến giới vốncó quan hệ họ hàng thân tộc, giao lưu gắn bó, không phân biệt địa bàn cư trú,triều đình nhà Lý không phân biệt đối xử với nhân dân hai bên biên giới, luôn tôn trọng tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Lời nói đi đôi với việc làm, quân nhà Lý đi đến đâu đều được nhân dân địa phương đồng tình, hành động tịch thu lương thực dự trữ trong trại giặc (chuẩn bị đánh Đại Việt) đem chia cho dân được hưởng ứng nhiệt liệt; mục tiêu “tiến công để tự vệ” đạt được trọn vẹn, đại binh trên 10 vạn quân thủy, bộ lui về nước an toàn, kịp thời triển khai phòng thủ.

Trong chiến dịch “phá chuẩn bị tiến công xâm lược Đại Việt của quân Tống” trong cuộc kháng chiến thời nhà Lý, “Lộ bố văn” đã thực sự góp phần quan trọng vào thắng lợi. Nó mở đầu và đặt nền móng cho một phương thức tiến công trọng yếu trong chiến tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam chống chiến tranh xâm lược của nước lớn. Đó là lấy tiến công chính trị mở đầu và tạo thế vững chắc cho tiến công quân sự, quyết định thành quả của tiến công quân sự, đặt nhân dân vùng biên giới Trung Quốc vào vị trí những người được “cứu vớt” chống lại họa vơ vét của một triều đình gây chiến và xâm lược, vô hiệu hóa các phản ứng của đối phương trước việc nhà Lý đem quân vượt biên giới đánh phá các thành trì quân Tống. “Phạt Tống lộ bố văn” một phương thức tự vệ rất táo bạo, chủ động, ít thấy trong lịch sử Việt Nam, nhưng lại hoàn toàn đúng đắn trong bối cảnh lịch sử thời đó xứng đáng được lưu truyền rộng rãi như một văn kiện chính thống mang nhiều ý nghĩa trong lịch sử quân sự Việt Nam.

File đính kèm:

(Bách khoa Tri thức Quốc phòng toàn dân)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.