Web Content Viewer
ActionsNguyên Bình - Ngày ấy, bây giờ
(Bqp.vn) - Nguyên Bình là một huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Cao Bằng, có diện tích đất tự nhiên là 839,15 km2; gồm 20 đơn vị hành chính với 18 xã và 02 thị trấn. Dân số hiện nay trên 40 nghìn người, gồm 9 dân tộc anh em cùng sinh sống vốn có truyền thống yêu nước và cách mạng.
Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào cách mạng châu Nguyên Bình sớm hình thành và phát triển. Ngày 21/10/1930, chi bộ Đảng mỏ thiếc Tĩnh Túc được thành lập, đến ngày 15/11/1935, chi bộ Đảng châu Nguyên Bình ra đời. Từ đây, phong trào cách mạng trong châu được đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất.
Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) ngày 22/12/1944. (ảnh: tư liệu)
Từ khi thực dân Pháp thiết lập bộ máy cai trị ở châu Nguyên Bình, đời sống nhân dân rất cơ cực, kinh tế không phát triển, nông nghiệp bị đình đốn. Về văn hóa chúng thực hiện chính sách “ngu dân” để dễ bề cai trị. Để chống lại những chính sách cai trị hà khắc của thực dân Pháp, Đảng bộ Nguyên Bình đã quyết định lựa chọn phương pháp tuyên truyền, giác ngộ cách mạng làm gốc, phát triển từ thấp lên cao, đồng thời đấu tranh đòi quyền lợi về kinh tế chính trị; từ đó khơi dậy tinh thần yêu nước trong nhân dân. Với truyền thống đấu tranh kiên cường chống giặc ngoại xâm, các dân tộc Nguyên Bình xây dựng cơ sở cách mạng, tự chế tạo, mua sắm vũ khí bảo vệ bản làng. Nhiều gia đình đã bán trâu, bò, thóc, ngô để mua sắm vũ khí cho tự vệ, nhà nào không có tiền mua thì tự chế tạo vũ khí thô sơ. Các lò rèn tự sửa chữa, chế tạo (súng kíp, súng hỏa mai, gươm, giáo…) được mở ở nhiều nơi.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng, tháng 12/1941, đồng chí Võ Nguyên Giáp về Cao Bằng mở thêm 3 lớp huấn luyện tại hang Kéo Quảng (xã Minh Tâm ngày nay), Kim Mã, Tam Lộng (xã Tam Kim ngày nay). Sau đó, chuyển sang tổ chức lớp huấn luyện ở Lũng Lừa (khu vực đồng bào Mông, Dao ở châu Nguyên Bình). Để chỉ đạo phong trào cách mạng Cao Bằng, tháng 4/1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định rời Pắc Bó đến Nguyên Bình. Người đến Gia Bằng (Minh Tâm) - nơi có phong trào Việt Minh phát triển mạnh mở lớp huấn luyện cho các đồng chí trong Tỉnh ủy và các Châu ủy lâm thời. Lớp học được mở tại hang Kéo Quảng (nay xã Minh Tâm) được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặt tên là hang Lê-nin, đào tạo cán bộ, chuẩn bị lực lượng mọi mặt cho cách mạng xây dựng bàn đạp, mở rộng hành lang Nam tiến, Tây tiến, Đông tiến sau này. Tuy lớp đào tạo cán bộ gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhưng được bà con nhân dân các xã luôn yêu thương, đùm bọc, che chở, quyên góp lương thực, thực phẩm, quần áo cho các lớp huấn luyện, góp phần cho các học viên yên tâm học tập và kết thúc khóa học theo kế hoạch đã đề ra. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc làm việc ở Nguyên Bình một thời gian tuy không dài nhưng với tác phong sâu sát, bình dị của Người đã để lại cho Đảng bộ và nhân dân Nguyên Bình những tình cảm và ấn tượng sâu sắc không bao giờ phai mờ.
Phong trào Việt Minh ngày càng phát triển, các khu căn cứ Quang Trung (đồng bào Dao), khu Thiện Thuật (đồng bào Mông, Dao) được thành lập, càng khẳng định bước phát triển trưởng thành của phong trào cách mạng Nguyên Bình. Ngày 22/12/1944, thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, nay thuộc xã Tam Kim, ban đầu gồm 34 chiến sĩ, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy (trong đó có 8 chiến sĩ con em các dân tộc huyện Nguyên Bình). Việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với lịch sử Quân đội ta. Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân của lãnh tụ Hồ Chí Minh tuy ngắn nhưng rất súc tích bao gồm các vấn đề chủ yếu về đường lối quân sự của Đảng: Vấn đề kháng chiến toàn dân, động viên và vũ trang toàn dân, nguyên tắc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, phương châm xây dựng ba thứ quân, phương thức hoạt động kết hợp quân sự với chính trị của lực lượng vũ trang, nguyên tắc tác chiến và chiến thuật du kích của lực lượng vũ trang.
Ngay sau ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân chấp hành chỉ thị “phải đánh thắng trận đầu”, bằng mưu trí, dũng cảm đã tiêu diệt gọn hai đồn: Phai Khắt (25/12) và Nà Ngần (26/12). Hai trận đánh giành thắng lợi mở đầu cho truyền thống “đã ra quân là đánh thắng” của Quân đội ta.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là chi bộ châu Nguyên Bình, phong trào cách mạng ngày càng phát triển và lớn mạnh. Căn cứ địa cách mạng không ngừng được mở rộng, tạo điều kiện cho nhân dân các dân tộc Nguyên Bình cùng cả nước tiến hành Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 thắng lợi, giành chính quyền về tay nhân dân. Tiếp đó, nhân dân và lực lượng vũ trang Nguyên Bình cùng toàn tỉnh và cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp. Chiến dịch Biên giới năm 1950 kết thúc, Cao Bằng được giải phóng ngày 3/10/1950. Tiếp đó, Nguyên Bình cùng Cao Bằng và cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Tỉnh Cao Bằng nói chung, huyện Nguyên Bình nói riêng đã trở thành hậu phương lớn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trong những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam tiến tới thống nhất đất nước, đồng bào các dân tộc huyện Nguyên Bình cùng với nhân dân trong tỉnh đã phát huy truyền thống cách mạng tự lực, tự cường, sáng tạo, thi đua lao động sản xuất. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền các cấp, đồng bào các dân tộc huyện Nguyên Bình đã tập trung đẩy mạnh khai hoang, phục hóa, xây dựng các công trình thủy lợi, xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nhiều tuyến đường giao thông được khởi công xây dựng, góp phần thúc đẩy nền kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Bên cạnh đó, đồng bào các dân tộc đã góp phần bảo vệ hậu phương miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam góp phần vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Hòa bình chưa bao lâu, chiến tranh biên giới Tây Nam và sau đó là chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc diễn ra, một lần nữa con em của đồng bào các dân tộc Nguyên Bình lại lên đường chiến đấu, trong đó nhiều người con ưu tú đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Sau gần 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, trực tiếp là cấp ủy, chính quyền huyện, đồng bào các dân tộc Nguyên Bình đã đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; năng động, sáng tạo, triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, làm cho bộ mặt nông thôn miền núi không ngừng thay đổi; kết cấu hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, các vùng sản xuất tập trung như trúc sào, dong giềng, chè chất lượng cao … được hình thành, góp phần thúc đẩy công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chế biến nông lâm sản phát triển.
Trên lĩnh vực văn hóa xã hội, y tế, giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác xóa đói giảm nghèo được đẩy mạnh, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt góp phần củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Trong những năm 90 của thế kỷ XX, thị trấn Nguyên Bình, Tĩnh Túc và một số xã vùng đồng bằng, các xóm gần quốc lộ 34 có điện lưới quốc gia. Năm 1994, Trung ương đầu tư nâng cấp mở rộng 18 km đường từ thị trấn Nguyên Bình đến khu di tích lịch sử rừng Trần Hưng Đạo (xã Tam Kim), xây dựng Nhà bia lưu niệm Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và đón bằng công nhận khu di tích lịch sử rừng Trần Hưng Đạo và Đài thu phát sóng Truyền hình Trung ương và Truyền hình Cao Bằng. Từ đây, cuộc sống của đồng bào các dân tộc Nguyên Bình có bước đổi thay, nhân dân ngày càng phấn khởi và tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Đến nay, 100% xã, thị trấn đã có đường giao thông đến trụ sở làm việc gần 89% các xóm có đường giao thông nông thôn đến trung tâm xóm. Toàn huyện có trên 69% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn qua các năm đạt và vượt dự toán giao, năm 2013 đạt 107,2 % kế hoạch, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 93 % so với kế hoạch; tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt 18.562 tấn. Duy trì kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tiểu học, xoá mù chữ đạt 100% ở các xã, thị trấn. Toàn huyện có 5 trường đạt chuẩn quốc gia, 4 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 133,3%. Thu nhập bình quân đạt 10,770 triệu đồng/người/năm. Công tác xây dựng Đảng thường xuyên được quan tâm, chăm lo cả về số lượng và chất lượng. Hệ thống tổ chức Đảng luôn được củng cố, kiện toàn kịp thời. Toàn huyện có 40 chi bộ, đảng bộ trực thuộc với 2.893 đảng viên, 100% xóm có chi bộ, chất lượng đảng viên không ngừng được nâng cao.
Nguyên Bình mùa lúa chín. (ảnh: baocaobang.vn)
Qua 80 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, từ chi bộ Đảng đầu tiên (1935) đến nay đã trở thành một Đảng bộ vững mạnh, lãnh đạo nhân dân các dân tộc Nguyên Bình đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng và nhân dân ta. Từ những thành tựu đầy tự hào trên chặng đường xây dựng và phát triển quê hương, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Nguyên Bình đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều tập thể, cá nhân được trao tặng những danh hiệu và phần thưởng cao quý: 4 xã và 1 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có một xã được phong tặng 2 lần, 1 xã và 2 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới; 2 cá nhân được tặng Huân chương Hồ Chí Minh; 216 cá nhân được tặng Huy chương chống Pháp các hạng; 1.116 cá nhân được tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ các hạng. Trong năm 2013 có 1 cá nhân được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 151 tập thể và 644 cá nhân được khen thưởng các cấp.
70 năm qua, kể từ thời điểm lịch sử ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời, quê hương Nguyên Bình có nhiều đổi thay, hệ thống hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng; cuộc sống của nhân dân ngày càng no ấm; khu du lịch sinh thái Phia Oắc - Phia Đén được quy hoạch. Các điểm di tích lịch sử như khu di tích lịch sử rừng Trần Hưng đạo (Tam Kim), hang Kéo Quảng (Minh Tâm)… được đầu tư xây dựng. Huyện Nguyên Bình luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, nhà nước, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Quốc phòng đã động viên giúp đỡ cả vật chất và tinh thần để Nguyên Bình có được như ngày hôm nay. Nhân dân các dân tộc Nguyên Bình vô cùng biết ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Để phấn đấu trở thành một huyện giàu về kinh tế, ổn định về chính trị, vững mạnh về quốc phòng - an ninh, trong những năm tới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Nguyên Bình tiếp tục triển khai, thực hiện các giải pháp trọng tâm như sau:
Một là, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát huy mạnh mẽ tiềm năng thế mạnh của các vùng miền, các thành phần kinh tế; tạo bước chuyển biến rõ nét về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao tốc độ và chất lượng tăng trưởng, giữ ổn định các vùng nguyên liệu như: Trúc sào, chè chất lượng cao, dong giềng, cây dược liệu… theo quy hoạch, quản lý tốt các khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo gắn với xây dựng và phát triển khu du lịch sinh thái Phia Oắc - Phia Đén. Tiến hành rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ và từng bước hiện đại, thực hiện tốt cơ chế thu hút đầu từ các chương trình dự án, gắn với phát huy nội lực tham gia hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Hai là, đẩy mạnh xã hội hóa, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, văn hóa, y tế, thể dục - thể thao. Thực hiện tốt các chương trình, dự án, các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm. Tổ chức thực hiện tốt chính sách hỗ trợ sản xuất, nhà ở, nước sạch, đào tạo nghề; chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững; huy động đa dạng các nguồn lực, coi trọng việc tạo môi trường thuận lợi, trợ giúp về điều kiện sản xuất, nâng cao kiến thức để người nghèo, hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.
Ba là, củng cố quốc phòng, an ninh vững chắc, nâng cao chất lượng hoạt động của các ngành nội chính, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Bốn là, tăng cường công tác xây dựng Đảng, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng bộ và sự đồng thuận trong nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng để mỗi tổ chức cơ sở Đảng thực sự là hạt nhân chính trị, giữ vai trò lãnh đạo, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh ở cơ sở.
Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng, giữ gìn và bảo tồn các khu di tích lịch sử xứng đáng là nơi căn cứ địa của cách mạng.
Trải qua các chặng đường đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc huyện Nguyên Bình đã nỗ lực phấn đấu, góp phần cùng Cao Bằng và cả nước giành được nhiều thắng lợi to lớn, đất nước độc lập, thống nhất. Kế thừa và phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Nguyên Bình tiếp tục phấn đấu xây dựng quê hương thành một huyện giàu về kinh tế, ổn định về chính trị, vững mạnh về quốc phòng an ninh, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Thể lệ Cuộc thi tìm hiểu truyền thống “80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”
- Thể lệ Cuộc thi tìm hiểu 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam
- Công bố mẫu Biểu trưng Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam
- Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng
- Đấu tranh quốc phòng