Web Content Viewer
ActionsMãi mãi là biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào
(Bqp.vn) - Để thống nhất chỉ đạo cũng như đáp ứng yêu cầu đoàn kết, liên minh chiến đấu bền chặt giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào, ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định “Các lực lượng Quân đội Việt Nam hoạt động ở Lào tổ chức theo hệ thống riêng của Quân đội Việt Nam và mang danh nghĩa là Quân tình nguyện” [1]. Từ đây, lần đầu tiên, liên minh quân sự giữa hai nước Việt - Lào mang danh nghĩa Liên quân Lào - Việt được thành lập và ngày 30/10/1949 cũng trở thành ngày truyền thống của Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Cách mạng Lào.
Liên quân Lào - Việt trong kháng chiến chống Pháp, năm 1950 - ảnh tư liệu.
Trong suốt 40 năm thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả trên đất bạn Lào, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, chung sức đồng lòng, sát cánh cùng cùng lực lượng Cách mạng Lào vừa chiến đấu, vừa xây dựng, chống kẻ thù chung, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của hai Đảng, hai nhà nước, hai Quân đội và nhân dân hai nước; mãi mãi là biểu tượng sáng ngời về tình đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong sáng, thủy chung hiếm có trong lịch sử quan hệ quốc tế.
Góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng Lào
Sự ra đời của Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp đỡ cách mạng Lào là mốc lịch sử có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam; đánh dấu bước trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả; đồng thời khẳng định đường lối chiến lược đúng đắn của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào. Từ những đơn vị, tổ đội hoạt động phân tán, Quân tình nguyện Việt Nam phát triển thành các đơn vị độc lập quy mô đại đội, tiểu đoàn. Hoạt động của Quân tình nguyện đã giúp Bạn phát triển lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ kháng chiến, phối hợp chiến đấu tiêu hao tiêu diệt địch trong nhiều chiến dịch, như: Thượng Lào (1953), Trung - Hạ Lào và Đông Bắc Cam-pu-chia (1953 - 1954)… Những thắng lợi của Liên quân Việt Nam - Lào đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Lào và thắng lợi vẻ vang của nhân dân ba nước Đông Dương.
Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương được ký kết (1954). Tuy nhiên, sau khi thực dân Pháp rút khỏi Đông Dương, đế quốc Mỹ đã từng bước can thiệp và thực hiện chính sách thực dân mới ở Lào, Việt Nam, Cam-pu-chia. Nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương đứng trước thử thách mới. Theo yêu cầu của Đảng, Chính phủ kháng chiến Lào và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giúp Bạn là mình tự giúp mình”, Đảng, Chính phủ và Bộ Quốc phòng Việt Nam tiếp tục giúp Cách mạng Lào tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
Chuyên gia quân sự Việt Nam với các chiến sĩ Lào - ảnh tư liệu.
Để đáp ứng yêu cầu tình hình mới, từ năm 1954 - 1958, phương thức hợp tác giúp cách mạng Lào có sự thay đổi. Ta và Bạn chủ trương chuyển từ chế độ quân tình nguyện sang chế độ cố vấn quân sự. Đoàn cố vấn quân sự 100 đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ giúp Bạn củng cố thực lực cách mạng, phát triển lực lượng vũ trang, nâng cao khả năng tác chiến. Từ năm 1959, đế quốc Mỹ triển khai chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở Lào. Theo đề nghị của Bạn, Việt Nam lần lượt cử các đoàn chuyên gia quân sự và các đoàn quân tình nguyện sang phối hợp với quân và dân Lào chiến đấu, xây dựng căn cứ cách mạng, phát triển lực lượng vũ trang. Sự giúp đỡ của Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã giúp Lào giành được thắng lợi to lớn trong các chiến dịch: Nậm Thà (1962), 128 và 74A (1964), Nậm Bạc (1968), Mường Sủi (1969), Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (1969 - 1970), Đường 9 - Nam Lào (1971),... lần lượt đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh đặc biệt tăng cường” của đế quốc Mỹ và tay sai. Ngày 21/2/1973, Hiệp định Viêng Chăn về lập lại hòa bình và thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào được ký kết, tạo điều kiện và thời cơ thuận lợi để quân và dân Lào tiến hành thắng lợi cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng, thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, ngày 2/12/1975.
Bộ đội tình nguyện Việt Nam chia tay các bạn Lào về nước. (Nguồn: Sách ảnh Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào/Nhà xuất bản Thông tấn)
Sau năm 1975, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vừa ra đời đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách bởi hậu quả nặng nề của chiến tranh và sự chống phá quyết liệt của các thế lực phản động trong và ngoài nước. Để tiếp tục giúp Bạn bảo vệ thành quả cách mạng, tháng 5/1976, sau hội đàm giữa Quân ủy Trung ương Việt Nam và Quân ủy Trung ương Lào, hai bên thống nhất tổ chức Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, lấy phiên hiệu là Đoàn 576. Từ cuối năm 1976, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã lần lượt cử một số đơn vị sang giúp cách mạng Lào. Hoạt động của các Chuyên gia quân sự và sự phối hợp chiến đấu hiệu quả giữa Quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Lào trong những năm 1976 - 1989 đã góp phần phá tan nhiều căn cứ phỉ; đập tan âm mưu, ý đồ chống phá, gây bạo loạn của các thế lực thù địch; đồng thời giúp Bạn phát triển lực lượng vũ trang, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, bảo vệ vững chắc chế độ dân chủ nhân dân Lào. Đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX, căn cứ vào tình hình chính trị ở Lào đã có bước phát triển ổn định, lãnh đạo hai nước Việt Nam và Lào thống nhất rút toàn bộ Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào về nước.
Thay đổi linh hoạt theo yêu cầu phát triển từng thời kỳ cách mạng, số lượng, hình thức tổ chức của Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Cách mạng Lào lúc tập trung, khi phân tán, lúc nhiều, lúc ít song chưa bao giờ gián đoạn kể cả khi lực lượng cách mạng của Bạn còn non trẻ cũng như lúc đã giành được chính quyền mà vẫn còn các thế lực phản động chống đối. Có mặt ở tất cả các vùng đất Lào cho từ những nơi hẻo lánh xa xôi, khó khăn, gian khổ nhất, Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam không chỉ là một đội quân chiến đấu mà còn là một đội quân công tác toàn năng, toàn diện, toàn tâm, toàn ý và hiệu quả. Những chiến công, thành tích và sự hy sinh của Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã để lại trong lòng nhân dân các dân tộc Lào tình cảm sâu nặng và sự trân trọng đặc biệt, đúng như bài phát biểu của Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Cay-xỏn Phôm-vi-hản tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Đảng Lao động Việt Nam (năm 1976): “Trong mọi sự thành công của cách mạng Lào đều có sự đóng góp trực tiếp của cách mạng Việt Nam. Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam có quyền tự hào vì những đóng góp xương máu vào thắng lợi của quân và dân Lào anh em trong suốt chặng đường dài mấy mươi năm chiến đấu và công tác trên đất nước Triệu Voi anh hùng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trọng đại mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân giao phó...” [2].
Đại tướng Phan Văn Giang và Đại tướng Chansamone Chanyalath tại buổi Gặp mặt Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Cách mạng Lào (30/10/1949 - 30/10/2024), tháng 10/2024.
Lịch sử đã ghi nhận sự hy sinh bền bỉ, thầm lặng của các đơn vị công tác xây dựng cơ sở, các Chuyên gia quân sự Việt Nam can trường, đồng cam cộng khổ “ba cùng” với quân và dân của Bạn để xây dựng, nhen nhóm, nâng niu, gìn giữ từng “đốm than hồng” đầu tiên cho cách mạng Lào. Để rồi từ những chấm sáng đơn lẻ leo lét ấy hình thành ngọn lửa bùng cháy suốt một dải non sông phía Tây Trường Sơn. Mỗi bước trưởng thành, mỗi thắng lợi của cách mạng Lào anh em đều thực sự là niềm vui, là thắng lợi của chính cách mạng Việt Nam. Đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân, Lực lượng vũ trang Lào, Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam không chỉ là đồng chí, là đồng đội cùng chiến hào mà hơn thế, là con em trong gia đình. Những chiến công, thành tích, sự hy sinh của Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh chung một chiến hào đã để lại trong lòng nhân dân Lào những tình cảm sâu nặng và sự trân trọng đặc biệt mà cho đến nay, sau bao năm tháng vẫn không hề phai nhạt. Theo Đại tướng Chansamone Chanyalath, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, không ai có thể đếm được bao nhiêu dòng suối, ngọn núi, con sông trên đất nước Lào mà các chiến sĩ cách mạng hai nước đã đi qua trong thời kỳ chiến đấu chống kẻ thù chung. “Đảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Lào bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam nói chung, Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam nói riêng đã cùng chung gian khổ với quân và dân Lào, hy sinh xương máu của mình để làm tròn nghĩa vụ quốc tế tại Lào trong hàng chục năm liền... Mặc dù nhiều thập niên đã trôi qua, hai nước chúng ta đã cùng nhau xây dựng xã hội chủ nghĩa hơn 40 năm qua nhưng sự ghi nhớ, biết ơn của Đảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Lào đối với những cống hiến và sự hy sinh to lớn của Quân đội và nhân dân Việt Nam anh em dành cho sự nghiệp cách mạng của Lào sẽ không bao giờ phai nhạt, mãi mãi in sâu trong trái tim của mình” - Đại tướng Chansamone Chanyalath xúc động chia sẻ.
Tiếp tục vun đắp, củng cố mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào
Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế tại Lào trở về nước, thể theo nguyện vọng mong muốn có một tổ chức tiếp nối truyền thống, có uy tín, mang đặc thù của các cựu chiến binh, cựu Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào; được sự ủng hộ, gợi ý của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Chu Huy Mân và các bậc lãnh đạo Quân đội tiền bối, năm 1987, Ban Liên lạc toàn quốc cựu Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Cách mạng Lào ra đời. Những ngày đầu thành lập, với khoảng 200 thành viên chủ yếu tập trung ở Thủ đô Hà Nội, đến nay, Ban Liên lạc toàn quốc Cựu Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Cách mạng Lào đã có hàng chục nghìn thành viên trên hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước. Hệ thống ban liên lạc cơ sở đã hình thành đến cấp tỉnh, cấp huyện, một số nơi đến cấp xã với 30 đầu mối tỉnh, thành phố và 24 đầu mối đơn vị truyền thống… Ban Liên lạc các cấp đã chứng minh được hiệu quả kết nối thành viên, tổ chức hoạt động theo đúng các quy định của Đảng, Nhà nước về việc các tổ chức quần chúng tự nguyện.
Trung tướng Nguyễn Đức Sơn phát biểu tại buổi Gặp mặt Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Cách mạng Lào (30/10/1949 - 30/10/2024), tháng 10/2024.
Theo Trung tướng Nguyễn Đức Sơn, Phó Trưởng ban Liên lạc toàn quốc cựu Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Cách mạng Lào, thời gian qua, Ban Liên lạc đã có nhiều đề xuất với Chính phủ, Bộ Quốc phòng hai nước và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam triển khai nhiều chương trình hoạt động ý nghĩa. Trong đó, thường xuyên triển khai các hoạt động giáo dục truyền thống, đền ơn, đáp nghĩa, tri ân đối với đồng bào, đồng chí trên đất bạn Lào, vùng biên giới hai nước đã cưu mang, giúp đỡ Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, góp phần hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của hai Đảng, hai Nhà nước. Đồng thời, tăng cường các hoạt động kết nối, tương trợ, giúp đỡ nhau giữa các thành viên; tích cực sống nêu gương, giáo dục, tuyên truyền cho thế hệ trẻ hai nước về mối đoàn kết đặc biệt của hai dân tộc, đóng góp công sức, tiếp tục cùng hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước bảo vệ và giữ gìn mãi mãi di sản vô giá của tình đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam.
Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu tại buổi Gặp mặt Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Cách mạng Lào (30/10/1949 - 30/10/2024), tháng 10/2024.
Phát biểu tại buổi Gặp mặt Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Cách mạng Lào (30/10/1949 - 30/10/2024), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nhấn mạnh, là một thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam làm nhiệm vụ chiến đấu, công tác trên đất Bạn Lào, cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu cao tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung, son sắt, hoàn thành đặc biệt xuất sắc các nhiệm vụ được giao, cùng với lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Lào lập nên những chiến công hiển hách, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của hai Đảng, hai Nhà nước, hai Quân đội và nhân dân hai nước, góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, liên minh chiến đấu có một không hai trong lịch sử.
Đánh giá cao vai trò của Ban Liên lạc toàn quốc cựu Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Cách mạng Lào, Đại tướng Phan Văn Giang mong muốn, với tư cách là những nhân chứng sống trong quan hệ Việt Nam - Lào, các cựu Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tiếp tục giữ vững và phát huy hơn nữa phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”; tăng cường kết nối, giao lưu, kết nghĩa, giáo dục truyền thống, đền ơn, đáp nghĩa, tri ân, thiện nguyện vì cộng đồng và các hoạt động phù hợp với khả năng, điều kiện thực tiễn; xứng đáng là người truyền lửa cho thế hệ trẻ học tập, noi theo.
Đại tướng Phan Văn Giang và Đại tướng Chansamone Chanyalath chụp ảnh chung với các đại biểu buổi Gặp mặt Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Cách mạng Lào (30/10/1949 - 30/10/2024), tháng 10/2024.
Đại tướng Phan Văn Giang tin tưởng, với truyền thống vẻ vang của Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, với ý chí, nhiệt tình và trách nhiệm, Ban Liên lạc toàn quốc cựu Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Cách mạng Lào sẽ tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, củng cố, vun đắp, bảo vệ và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững, như lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Việt - Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long” và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt Nam sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”.
[1] - Đảng Nhân dân Cách mạng Lào - Đảng Cộng sản Việt Nam, Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930 - 2007), Biên niên sự kiện (1930 - 1975), Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 1, tr.208.
[2] - Bộ Quốc phòng: Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - Ban liên lạc Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào: Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào - Biểu tượng của tình đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Việt - Lào, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010, tr. 29.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng Việt Nam tri ân các cựu chiến binh, chuyên gia Trung Quốc tham gia giúp cách mạng Việt Nam
- Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam
- Tập huấn sĩ quan liên lạc, phiên dịch phục vụ Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024
- Tàu CSB 8005 lên đường thăm và làm việc tại Ấn Độ
- Đại tướng Phan Văn Giang kiểm tra công tác chuẩn bị Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024