Toàn quân đẩy mạnh phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do COVID-19

15:40 | 04/03/2020

(Bqp.vn) - “Chống dịch như chống giặc” - với tinh thần đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp hiệu quả trong phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) gây ra, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng, đánh giá cao.

Thượng tướng Trần Đơn phát biểu tại Diễn tập phòng, chống dịch COVID-19 sáng 4/3/2020 do Bộ Quốc phòng tổ chức. (ảnh: Bqp.vn)

Dịch viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 gây ra đã và đang diễn ra hết sức phức tạp. Đến ngày 01/3/2020, dịch bệnh đã lan rộng ra 31/31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc và 64 quốc gia, vùng lãnh thổ và hiện nay đang diễn biến rất phức tạp ở Hàn Quốc, I-ran, I-ta-li-a. Đây là dịch bệnh mới, nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh, hiện chưa có vắc-xin, thuốc điều trị đặc hiệu. Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu về dịch COVID-19 và là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp, gây quan ngại trên toàn thế giới. Nhận thức rõ tính cấp bách, tác hại của dịch bệnh và trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, toàn quân đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đạt nhiều kết quả tích cực.

Nổi bật là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch được cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm, tiến hành chặt chẽ. Thực hiện các chỉ thị, công điện của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về phòng, chống dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bộ Quốc phòng đã ban hành nhiều văn bản, công điện hướng dẫn toàn quân triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ” [1], tích cực chuẩn bị nhân lực, vật lực để đối phó với nạn dịch nguy hiểm này. Trong đó, đã xây dựng các quy trình chuẩn về phòng, chống dịch; biện pháp cách ly, theo dõi người trở về từ vùng có dịch; khám, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly điều trị cho người nghi ngờ mắc dịch, người bị mắc dịch; công tác khám, phúc tra sức khỏe chiến sỹ mới trong điều kiện có dịch; biên soạn 100 câu hỏi và trả lời các kiến thức liên quan đến phòng, chống dịch... Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền sâu rộng cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng, người lao động và nhân dân hiểu biết về dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; với tinh thần là tránh tư tưởng chủ quan, song không hoang mang, giao động trước những diễn biến phức tạp của dịch. Triển khai thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng hướng dẫn của Ban Chỉ đạo, cơ quan chuyên môn; chấp hành nghiêm quy định phát ngôn, đưa thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 360/KH-BQP, ngày 02/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về tiếp nhận công dân Việt Nam từ Trung Quốc và các quốc gia có dịch về Việt Nam, nhằm hạn chế và ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các quân khu, Bộ Tư lệnh Biên phòng và các đơn vị, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương, tăng cường tuần tra kiểm soát, chốt chặn trên toàn tuyến biên giới, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, lối mở; kiểm soát chặt chẽ tại cửa khẩu; không để công dân nước ngoài đang bị sốt, nghi ngờ mắc bệnh nhập cảnh; đưa các công dân Việt Nam về các địa điểm cách ly để theo dõi. Tổ chức thành lập, kiện toàn 07 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm, 14 tổ chuyên khoa tăng cường của các bệnh viện quân y, 05 đội và 154 tổ phòng, chống dịch, 120 tổ cơ động phòng, chống dịch, 20 đội cơ động phòng, chống dịch của các bệnh viện; chuẩn bị hơn 40.000 giường sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Đồng thời, huy động hàng ngàn cán bộ, nhân viên, chiến sĩ làm công tác phục vụ và sẵn sàng làm nhiệm vụ, chuẩn bị doanh trại, cơ sở vật chất, sẵn sàng tiếp nhận, cách ly công dân Việt Nam từ Trung Quốc và các quốc gia khác có dịch trở về nước theo quy trình theo dõi 14 ngày. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời điều chỉnh, tổ chức Lễ giao nhận chiến sỹ mới phù hợp trong tình hình có dịch; triển khai các biện pháp bảo đảm y tế phục vụ Hội nghị ADMM; tổ chức dập dịch tại tỉnh Vĩnh Phúc; đồng thời, dừng các cuộc họp không cần thiết, gặp mặt đầu năm và các hoạt động có đông người tham gia...

Bằng các biện pháp tích cực, đồng bộ, công tác phòng, chống dịch COVID-19 của toàn quân đạt hiệu quả thiết thực và có những đóng góp quan trọng mang yếu tố quyết định đến thành công trong việc ngăn chặn, khống chế, không để COVID-19 lây lan trong cộng đồng [2]. Qua đó, khẳng định bản chất của quân đội cách mạng, sẵn sàng phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, tô thắm thêm truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trong lòng Nhân dân.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt khi Việt Nam đã hội nhập sâu, rộng với thế giới và là quốc gia láng giềng của Trung Quốc, có đường biên giới dài, với nhiều cửa khẩu và các đường mòn, lối mở, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm cao. Để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19, quán triệt sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp chủ yếu sau:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chủ động trong phòng, chống dịch COVID-19 cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là trên các địa bàn trọng điểm về dịch, bệnh. Đây là nội dung giải pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc ngăn ngừa, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tập trung quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Quốc phòng và Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về phòng, chống dịch COVID-19, trọng tâm là: Công điện 79-CV/TW, ngày 29/01/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị 05/CT-TTg, ngày 28/01/2020, Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 25/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19; Chỉ thị số 90/CT- BQP, ngày 31/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra... Qua đó, làm cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững quan điểm, nguyên tắc, phương châm, yêu cầu cấp thiết đặt ra trong phòng, chống dịch bệnh, cùng những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Trên cơ sở đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng quyết tâm, lòng dũng cảm, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có tình huống dịch xảy ra. Về nhận thức, toàn quân, trước hết là cấp ủy, chỉ huy các cấp phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị, “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”. Quá trình triển khai, các cơ quan, đơn vị cần tích cực đổi mới nội dung, hình thức và đa dạng phương pháp giáo dục, tuyên truyền, đảm bảo sát với thực tế, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục với duy trì nghiêm chế độ, nền nếp ứng trực phòng, chống dịch; phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng.

2. Chuẩn bị toàn diện, chu đáo về lực lượng, phương tiện, phương án phòng, chống, ứng phó kịp thời, có hiệu quả với mọi tình huống dịch COVID-19. Tình hình dịch bệnh có xu hướng ngày càng phức tạp, khó dự báo, diễn biến thất thường, đột biến cao. Vì vậy, để ứng phó, xử lý kịp thời, có hiệu quả, cần chủ động làm tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt, với quan điểm “chủ động phòng, chống, trong đó phải lấy phòng là chính”. Theo đó, toàn quân tiếp tục củng cố, kiện toàn lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh; coi trọng xây dựng lực lượng kiêm nhiệm tại chỗ, bảo đảm đủ sức ứng phó với mọi tình huống sự cố do dịch, bệnh gây ra. Trên cơ sở kết quả đạt được và yêu cầu thực tiễn đặt ra, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, nhất là Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, các Quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người ra, vào tại các cửa khẩu, nơi đường mòn, lối mở; cách ly triệt để các công dân trở về từ vùng dịch, tổ chức mọi mặt bảo đảm để chăm sóc nhân dân trong thời gian cách ly; kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động buôn bán, vận chuyển, thu mua động vật hoang dã. Các cơ sở điều trị, bệnh viện và các phân đội quân y cơ động tổ chức rà soát, củng cố lực lượng, phương tiện, thuốc men, vật tư y tế, tổ chức huấn luyện bổ sung, sẵn sàng triển khai đáp ứng yêu cầu phòng, chống theo từng cấp độ dịch. Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần, Học viện Quân y và các bệnh viện Quân đội đẩy nhanh việc nghiên cứu về mầm bệnh, các biện pháp điều trị và phòng bệnh COVID-19. Đồng thời, có phương án tạo nguồn, bảo đảm khi nguồn cung về vật tư, trang bị, hóa chất phòng, chống dịch trên thị trường khan hiếm.

Các cơ quan, đơn vị coi trọng củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp; chủ động xây dựng, rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án sát tình hình nhiệm vụ, bảo đảm có tính khả thi cao. Tổ chức phối hợp, hiệp đồng nắm chắc diễn biến dịch bệnh, duy trì nghiêm chế độ ứng trực ở các cấp, sẵn sàng cơ động, triển khai lực lượng, phương tiện, kiên quyết không để bị động, bất ngờ. Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, bồi dưỡng về kinh nghiệm tổ chức, điều hành, kỹ năng, quy trình xử lý dịch bệnh cho các lực lượng. Trong đó, chú trọng lồng ghép tổ chức luyện tập, diễn tập khu vực phòng thủ với phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, thiết thực rèn luyện, nâng cao trình độ chỉ đạo, điều hành, chỉ huy của cấp ủy, chính quyền, năng lực phối hợp, hiệp đồng, trình độ sử dụng phương tiện, trang bị và rèn luyện bản lĩnh, ý chí cho các lực lượng.

3. Phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, lực lượng, địa phương và hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch bệnh. Dịch bệnh là vấn đề toàn cầu và phòng, chống dịch bệnh rất phức tạp; vì thế, cần có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, lực lượng, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Hiện nay, nước ta đang bước vào mùa dịch bệnh phát triển mạnh, nên các cơ quan, đơn vị cần chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nơi đóng quân tổ chức rà soát, nắm chắc tình hình địa bàn; làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng phương án huy động nguồn lực, cơ chế trao đổi thông tin, quy chế phối hợp trong phòng, chống, khắc phục dịch bệnh; có kế hoạch chuẩn bị chu đáo về mọi mặt theo phương châm “4 tại chỗ”, vừa phòng, chống tốt dịch COVID-19 ở người, kết hợp với phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi, cúm H5N6 ở gia súc, gia cầm... Cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng tăng cường phối hợp với các Bộ, Ban, ngành, địa phương nghiên cứu hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế hoạt động trong lĩnh vực ứng phó thiên tai, dịch bệnh; trọng tâm là tham mưu, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách triển khai thực hiện các giải pháp thực hiện Nghị định 71/2002/NĐ-CP, ngày 23/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh tình trạng khẩn cấp trong trường hợp có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Trong đó, chú trọng hợp tác về đào tạo, huấn luyện, diễn tập, chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm về quản lý, phòng ngừa, xử lý dịch bệnh.

Cùng với các nội dung, giải pháp trên, các cơ quan, đơn vị cần quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách cho cán bộ, chiến sĩ; tăng cường công tác vệ sinh phòng dịch, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân, hành động dũng cảm trong phòng, chống dịch bệnh. Qua đó, tạo động lực, sức mạnh, tiếp tục thực hiện tốt “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”, xứng đáng với truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, sự tin cậy, yêu mến của Nhân dân.

[1] - “4 tại chỗ”: dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ.

[2] - Đến ngày 24/02/2020, tại Việt Nam có 16/16 trường hợp xác định dương tính với COVID-19 khỏi bệnh, được xuất viện (trong đó có 02 người Trung Quốc, 01 người quốc tịch Mỹ). Toàn quân không có trường hợp nào bị nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

File đính kèm:

Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (nguồn: Tạp chí QPTD)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: Số 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.