Hiện đại hóa hệ thống trang thiết bị kỹ thuật mật mã - Bước chuyển mang tính quyết định của ngành Cơ yếu Quân đội

11:48 | 19/08/2024

(Bqp.vn) - Cục Cơ yếu (Bộ Tổng Tham mưu) là cơ quan tham mưu với Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, giúp Thủ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác cơ yếu trong Quân đội; thực hiện hoạt động cơ yếu trong Quân đội, góp phần bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn, chính xác, kịp thời thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Nhà nước và Quân đội trong mọi tình huống.

Trong giai đoạn hiện nay, Quân đội nhân dân Việt Nam đang từng bước được hiện đại hóa, một số ngành được xác định tiến thẳng lên hiện đại, quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ. Ngoài các hệ thống thông tin, vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự được trang bị giai đoạn trước đây, Quân đội còn được trang bị nhiều hệ thống thông tin, công nghệ thông tin (CNTT), vũ khí, khí tài thế hệ mới, hiện đại, tích hợp chỉ huy điều khiển thông minh. Nhu cầu bảo mật thông tin ngày càng tăng về số lượng cũng như độ phức tạp khi triển khai, điều này đặt Cục Cơ yếu đứng trước thách thức phải hiện đại hóa hệ thống trang thiết bị kỹ thuật mật mã (KTMM). Cục Cơ yếu đã xây dựng và báo cáo Bộ Tổng Tham mưu trình Bộ Quốc phòng phê duyệt Đề án “Hiện đại hóa ngành Cơ yếu Quân đội”. Đề án hiện đang được tổ chức triển khai và xác định sẽ là một bước chuyển mang tính quyết định đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ của ngành Cơ yếu Quân đội ở thời điểm hiện tại và tương lại.

Là một trong các chuyên ngành kỹ thuật của Quân đội, việc thực hiện nhiệm vụ của ngành Cơ yếu Quân đội tuân thủ theo quy định về công tác kỹ thuật của Bộ Quốc phòng và các quy định đặc thù của ngành Cơ yếu. Cục Cơ yếu đã triển khai toàn diện các mặt công tác bao gồm: Tham mưu kế hoạch, đề xuất về xây dựng và phát triển ngành, tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn tuyệt đối trang bị KTMM; công tác huấn luyện, đào tạo nhân viên cơ yếu, quản lý xây dựng lực lượng ngành; nghiên cứu kỹ thuật và bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật; công tác chứng thực số.

Giai đoạn hiện nay, có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của ngành Cơ yếu Quân đội. Các yếu tố này có tác động qua lại, vừa có những thuận lợi, đồng thời cũng có những khó khăn đối với ngành Cơ yếu Quân đội, trong đó bao gồm một số yếu tố quan trọng, chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, sự gia tăng của các nhiệm vụ bảo mật cơ yếu trong xu hướng tinh, gọn, nhẹ về tổ chức và lực lượng cơ yếu. Thông tin cần bảo mật không chỉ là các thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của chỉ huy các cấp mà còn là thông tin điều hành, điều khiển, lưu trữ và trao đổi trong các hệ thống vũ khí, khí tài quân sự, các thông tin này có sự gia tăng về số lượng, loại hình, hạ tầng xử lý, phạm vi chuyển tải… Thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của chỉ huy các cấp trong Quân đội được chuyển tải qua hệ thống mạng liên lạc cơ yếu truyền thống hàng năm không giảm, thậm chí còn tăng ở một số thời điểm, một số đơn vị. Do đó, hệ thống mạng liên lạc cơ yếu vẫn phải được củng cố, duy trì vững chắc, thường xuyên để đáp ứng nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất. Các hệ thống thông tin, CNTT, vũ khí, khí tài quân sự cần bảo mật cơ yếu liên tục được triển khai mới hoặc mở rộng phạm vi triển khai. Mỗi hệ thống này có đặc thù riêng không thể có một giải pháp bảo mật chung nhất. Đặc biệt, với các hệ thống hiện đại, chuyên dụng cao thì việc nghiên cứu, triển khai tích hợp giải pháp bảo mật đòi hỏi đầu tư rất nhiều về thời gian và nhân lực, vật lực. Trong những năm gần đây, số lượng và phạm vi triển khai của các trang thiết bị KTMM liên tục tăng nhanh và không ngừng mở rộng, điều này tác động rất lớn đến công tác quản lý và bảo đảm kỹ thuật cho các hệ thống.

Thứ hai, nhiệm vụ bảo mật cơ yếu không đóng kín trong hệ thống KTMM hay lực lượng cơ yếu mà có sự đan xen, kết nối ngày càng tăng với hệ thống kỹ thuật và lực lượng của các ngành, các đơn vị khác. Trong các hệ thống thông tin, CNTT, vũ khí, khí tài quân sự mới, chức năng bảo mật, an toàn thông tin của ngành Cơ yếu Quân đội gắn chặt với hoạt động nghiệp vụ của các ngành khác. Các trang thiết bị, sản phẩm mật mã không chỉ được triển khai độc lập mà trở thành một bộ phận, một thành phần trong hệ thống thông tin, CNTT hay các hệ thống vũ khí, khí tài quân sự. Đối tượng sử dụng các trang thiết bị, sản phẩm mật mã không chỉ bao gồm lực lượng cơ yếu mà còn bao gồm các lực lượng khác từ người chỉ huy đơn vị đến tận các chiến sĩ. Điều này đặt ra các thách thức trong công tác triển khai và bảo đảm kỹ thuật cho các trang thiết bị KTMM; công tác quản lý trang thiết bị KTMM; công tác huấn luyện, đào tạo, hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị KTMM cho người dùng, đặc biệt đối với người dùng không phải lực lượng cơ yếu.

Thứ ba, tiến bộ của khoa học công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực thông tin và CNTT giúp nâng cao hiệu quả công tác bảo mật cơ yếu. Trong những năm qua, việc ứng dụng CNTT đã tự động hóa nhiều khâu, nhiều bước, nâng cao hiệu quả, độ chính xác trong quy trình nghiệp vụ của nhân viên cơ yếu. Hạ tầng thông tin liên lạc hiện đại đem lại sự linh hoạt, vững chắc trong tổ chức và duy trì mạng liên lạc cơ yếu, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống. Khoa học công nghệ mới được ứng dụng giúp nâng cao năng lực, nâng cao an toàn về mặt nghiệp vụ cho các trang thiết bị, sản phẩm mật mã và cho phép phát triển các hệ thống quản lý, giám sát tập trung các trang thiết bị KTMM.

Trước yêu cầu nhiệm vụ và với các yêu tố tác động nêu trên, Cục Cơ yếu xác định việc hiện đại hóa hệ thống trang thiết bị KTMM được cụ thể hóa ở các nội dung chính sau:

Thứ nhất, hiện đại hóa công tác bảo đảm bí mật thông tin chỉ huy. Xây dựng hệ thống KTMM vững chắc dựa trên sự kết hợp chặt chẽ giữa hệ thống KTMM truyền thống với hệ thống KTMM hiện đại. Nâng cao năng lực bảo mật nội dung thông tin, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu bảo mật thông tin lãnh đạo, chỉ huy của các cấp trong Quân đội trong thời bình và thời chiến, trong mọi tình huống chiến tranh hiện đại, công nghệ cao, trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Tiếp tục duy trì hệ thống KTMM truyền thống ở tất cả các cấp trong toàn quân đủ khả năng đáp ứng yêu cầu bảo mật thông tin lãnh đạo, chỉ huy trong thời bình và thời chiến. Thực hiện ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật cải tiến hệ thống KTMM truyền thống, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và triển khai hệ thống KTMM hiện đại đồng bộ với sự phát triển của hệ thống thông tin, CNTT.

Thứ hai, triển khai bảo mật cho các hệ thống thông tin, CNTT, vũ khí, khí tài quân sự. Xây dựng, triển khai giải pháp bảo mật cơ yếu đáp ứng yêu cầu bảo đảm bí mật thông tin chỉ huy, điều hành, thông tin điều khiển trong các hệ thống thông tin, CNTT, tổ hợp vũ khí, khí tài quân sự. Tự chủ trong nghiên cứu, phát triển, đa dạng hóa sản phẩm bảo mật theo hướng hạ tầng thông tin (bảo mật kênh IP, bảo mật vô tuyến điện, bảo mật mạng di động 3G, 4G…) hay theo các loại hình dịch vụ (bảo mật truyền hình, bảo mật truyền số liệu, bảo mật dịch vụ thoại…) sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thực tế. Hiện đại, chuyên dụng hóa thiết bị bảo mật nhằm nâng cao năng lực xử lý, yêu cầu nghiệp vụ, tính tương thích với hệ thống được triển khai bảo mật. Đưa vào sử dụng Hệ thống quản lý, giám sát tập trung cho các thiết bị bảo mật trên tuyến, bảo đảm kịp thời, đồng bộ công cụ phần mềm, trang thiết bị KTMM cho các yêu cầu bảo mật, an toàn thông tin và tham gia tác chiến không gian mạng trong Quân đội.

Thứ ba, cung cấp dịch vụ chứng thực số. Xây dựng hệ thống chứng thực số là một thành phần cốt yếu trong hạ tầng phục vụ công tác chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử. Cục Cơ yếu đã xây dựng hệ thống Chứng thực số có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu cung cấp, quản lý chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ cho tổ chức, cá nhân trong toàn quân. Dự kiến đến năm 2025, hoàn thiện hệ thống Chứng thực số hiện đại có khả năng cung cấp các dịch vụ về Chứng thực chữ ký số thường xuyên 24/7; giám sát đầy đủ trạng thái hoạt động của các dịch vụ ký số trong toàn hệ thống; đảm bảo các yêu cầu về an ninh an toàn mạng, an ninh vật lý, tính sẵn sàng cao. Cung cấp, đảm bảo và triển khai kịp thời công cụ, giải pháp ký số trong công tác chỉ đạo, điều hành và hoạt động nghiệp vụ của các cơ quan, đơn vị phục vụ chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử trong toàn quân.

Thứ tư, thực hiện tốt công tác bảo đảm và huấn luyện kỹ thuật. Củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực của hệ thống cơ quan kỹ thuật cơ yếu trên cả ba cấp chiến lược, chiến dịch và chiến thuật trong công tác bảo đảm kỹ thuật cho trang bị kỹ thuật cơ yếu. Hoàn chỉnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư các trang thiết bị kỹ thuật, công cụ chuyên dụng, hiện đại đảm bảo nhiệm vụ vừa sản xuất vừa sửa chữa trang thiết bị KTMM. Xây dựng hệ thống kho KTMM chiến lược với lượng trang thiết bị KTMM dự phòng phù hợp tại các khu vực sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý, vận hành và bảo đảm kỹ thuật các trang thiết bị KTMM. Triển khai sử dụng hệ thống chỉ huy, quản lý điều hành và bảo đảm kỹ thuật trực tuyến cho hệ thống trang thiết bị KTMM trên tuyến. Thực hiện phân cấp công tác bảo đảm kỹ thuật cho cơ yếu các đơn vị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật cơ yếu có đủ trình độ, khả năng bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị KTMM, bảo đảm kỹ thuật cho các hệ thống trên tuyến. Triển khai đồng bộ các trung tâm huấn luyện cấp chiến lược, chiến dịch nhằm tăng tính chủ động trong công tác huấn luyện nghiệp vụ cơ yếu, nội dung huấn luyện phù hợp, sát với thực tế của từng cấp, từng đơn vị và nâng cao chất lượng công tác bảo đảm bảo đảm kỹ thuật.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển KTMM. Xây dựng lực lượng và cơ sở hạ tầng cho công tác nghiên cứu có đủ năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các chủng loại sản phẩm KTMM với tính năng hiện đại, đặc biệt là các sản phẩm bảo mật cho các hệ thống thông tin, CNTT, vũ khí, khí tài quân sự mới. Làm chủ giải pháp bảo mật cho các hệ thống thông tin, vũ khí, khí tài mới như hệ thống tự động hóa chỉ huy (C4IRS), thiết bị bay không người lái UAV, thiết bị xuồng không người lái USV… Làm chủ hoàn toàn công nghệ phần cứng, phần mềm, chủ động trong sản xuất các thiết bị KTMM. Đột phá trong việc ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, lượng tử… trong nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm KTMM hiện đại, có hàm lượng công nghệ cao.

Trong giai đoạn tới, ngành Cơ yếu Quân đội xác định tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của trên, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết số 56-NQQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, và kết luận của Quân ủy Trung ương về xây dựng ngành Cơ yếu Việt Nam cách mạng, chính quy, tiến thẳng lên hiện đại. Cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết đó bằng việc thực hiện thành công Đề án “Hiện đại hóa ngành Cơ yếu Quân đội”, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu giao, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.

File đính kèm:

Duy Nhất

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: Số 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.