Ngành Kiểm tra Đảng tiếp tục phát huy truyền thống “Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, trung thực, liêm khiết, kỷ cương và tận tụy”

12:49 | 12/10/2018

(Bqp.vn) - Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, cùng với việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra, coi đây là một trong những chức năng lãnh đạo quan trọng của Đảng. Điều lệ vắn tắt của Đảng tháng 10/1930 ghi rõ: “Trách nhiệm của đảng viên và các đảng bộ là giữ theo kỷ luật của Đảng một cách rất nghiêm khắc”.

Cách đây tròn 70 năm, ngày 16/10/1948, tại Chiến khu Việt Bắc, Ban Thường vụ Trung ương Đảng (khóa I) ra Quyết nghị số 29 -QN/TW thành lập Ban Kiểm tra Trung ương, Quyết nghị nêu rõ: “...Trung ương quyết định thành lập Ban Kiểm tra đi xuống các khu xét xem chủ trương của Đảng có được thi hành và có sát đúng không, đồng thời xem xét sự thi hành kỷ luật trong Đảng để thu thập kinh nghiệm giúp Trung ương bổ khuyết chính sách của Đảng...”. Ban Kiểm tra Trung ương đầu tiên do đồng chí Trần Đăng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng làm Trưởng ban; nơi làm việc tại xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Từ khi ra đời đến nay, ngành Kiểm tra đã nhiều lần được bổ sung, điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, phát triển về tổ chức và đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng.

Ngày 06/3/1956, Bộ Chính trị khóa II ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về việc tăng cường lãnh đạo công tác kiểm tra và kiện toàn tổ chức ban kiểm tra các cấp. Từ đó, ban kiểm tra các khu ủy, tỉnh ủy, thành ủy được thành lập. Đến cuối nhiệm kỳ Đại hội II, ban kiểm tra đã được thành lập từ Trung ương đến cấp khu và cấp tỉnh, thành phố.

Điều lệ Đảng được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ III (9/1960) quy định: “Ban Chấp hành Trung ương, các ban chấp hành khu tự trị, tỉnh, thành phố trực thuộc, huyện, quận, thị, thành phố và khu phố (thuộc thành phố trực thuộc) cử ra ủy ban kiểm tra của cấp mình gồm một số ủy viên trong Ban Chấp hành. Ngoài ra, có thể cử một số ủy viên ngoài Ban Chấp hành”. Cũng từ Đại hội Đảng lần thứ III, ban kiểm tra các cấp được đổi tên thành Ủy ban kiểm tra và do cấp ủy cùng cấp bầu ra.

Tại miền Nam, ngày 14/8/1969, Trung ương Cục miền Nam ra Nghị quyết số 13/NQ thành lập ban kiểm tra các cấp. Ban Kiểm tra Trung ương Cục do đồng chí Phan Văn Đáng, Phó Bí thư Trung ương Cục làm Trưởng ban; nơi làm việc tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Tại Khu V, tháng 3/1970, Hội nghị lần thứ 10 Khu ủy Khu V ra quyết nghị thành lập Ban Kiểm tra Khu ủy do đồng chí Trần Kiên, Ủy viên Thường vụ Khu ủy làm Trưởng ban; nơi làm việc tại xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Sau khi đất nước thống nhất, Ban Kiểm tra Trung ương Cục miền Nam và Ban Kiểm tra Khu ủy Khu V hợp nhất vào Ủy ban kiểm tra Trung ương, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ sau Đại hội Đảng lần thứ V (3/1982), Ủy ban kiểm tra được thành lập thành hệ thống thống nhất từ Trung ương đến cơ sở.

Cùng với sự phát triển về tổ chức, qua mỗi nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, nhiệm vụ của Ủy ban kiểm tra được bổ sung, sửa đổi và quy định trong Điều lệ Đảng. Từ nhiệm vụ phục vụ cấp ủy kiểm tra việc thực hiện đường lối kháng chiến kiến quốc; xem xét tư cách, kiểm tra những vụ việc đảng viên làm trái Điều lệ Đảng, vi phạm kỷ luật, đạo đức cách mạng, nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng; giải quyết tố cáo, khiếu nại; kiểm tra tài chính đảng, thi hành kỷ luật, đến kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng; kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Nhiệm vụ giám sát được bổ sung kể từ Đại hội Đảng lần thứ X.

Suốt 70 năm qua, ngành Kiểm tra đã không ngừng phấn đấu, trưởng thành, luôn bám sát nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng trong từng thời kỳ cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, lập nhiều thành tích, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, đoàn kết, thống nhất trong Đảng; cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chiến đấu giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dù phải hoạt động trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, bị địch truy quét, khủng bố gắt gao, nhưng ban kiểm tra đã xử lý nhiều vụ việc quan trọng, phức tạp như vụ án tham ô, lãng phí ở Cục Quân nhu (Bộ Quốc phòng); vụ “Hóa chất miền Nam” giải oan cho nhà trí thức Việt kiều ở Pháp theo Bác Hồ về nước (1946); vụ tình nghi gián điệp H22 ở Việt Bắc do thực dân Pháp dựng lên nhằm đánh vào nội bộ ta, giải oan cho hàng trăm cán bộ, chiến sĩ (1948)… Chúng ta nhớ mãi những trăn trở, day dứt của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyết định y án tử hình Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu do phạm tội bớt xén cơm áo của bộ đội, Bác nói: “Với loài sâu mọt đục khoét nhân dân, nếu phải giết đi một con mà cứu được cả rừng cây, thì việc đó là cần thiết, hơn nữa là nhân đạo”, “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm”. Lời nói đó của Bác là bài học sâu sắc cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra hôm nay.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ở miền Bắc, Ban Kiểm tra Trung ương và ban kiểm tra các cấp đã tập trung kiểm tra các trường hợp vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, bè phái, mất đoàn kết, đầu hàng, đầu thú; chỉnh đốn tổ chức trong cán bộ tập kết; giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đối với những trường hợp bị xử lý trong cải cách ruộng đất… Ban Kiểm tra Khu ủy Khu V và Ban Kiểm tra Trung ương Cục miền Nam mặc dù phải sống, chiến đấu và làm việc trong hoàn cảnh vô cùng gian khổ, ác liệt, song, đội ngũ cán bộ kiểm tra luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, trung thành tuyệt đối với Đảng, dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phục vụ có hiệu quả yêu cầu công tác xây dựng Đảng và nhiệm vụ chính trị của cách mạng. Đã kiểm tra, đề nghị xử lý kỷ luật nhiều tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, những trường hợp kẻ gian chui vào hàng ngũ của Đảng; giải quyết khiếu nại, minh oan cho những trường hợp bị xử lý kỷ luật oan, sai…

Bước vào đầu thời kỳ đổi mới, Ủy ban kiểm tra các cấp đã tập trung kiểm tra, kết luận và xử lý nghiêm minh nhiều vụ việc vi phạm, tiêu cực, tham nhũng nổi cộm, liên quan đến những cán bộ lãnh đạo có sai phạm trong vụ án buôn bán ma tuý ở Mường Tè (Lai Châu), vụ Lã Thị Kim Oanh, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, PMU 18, Vinaline, Vinashin; vụ việc vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ ở Thái Bình, Long An, Bình Thuận…

Những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Ủy ban kiểm tra Trung ương và Ủy ban kiểm tra các cấp đã có nhiều đổi mới, nỗ lực cố gắng hoàn thành khối lượng công việc lớn, chất lượng, hiệu quả từng bước được nâng cao, trong đó có nhiều vụ việc khó, phức tạp, dư luận quan tâm đã được xem xét, kết luận rõ sai phạm và xử lý nghiêm minh, kịp thời, như các vụ việc ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Ngân hàng BIDV, thành phố Ðà Nẵng, thành phố Trà Vinh, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (Bộ Công an), Quân chủng Phòng không - Không quân; dự án Formosa, vụ Trịnh Xuân Thanh…

Qua kiểm tra, Ủy ban kiểm tra Trung ương và Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiên quyết xử lý và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy đảng xử lý nghiêm minh nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, trong đó có cả những đồng chí giữ cương vị cao của Đảng, Nhà nước, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu, sĩ quan cấp cao trong lực lượng vũ trang, với tinh thần làm nghiêm từ trên xuống dưới, không có vùng cấm, bảo đảm công minh, chính xác, kịp thời, thấu tình, đạt lý, được đối tượng kiểm tra “tâm phục, khẩu phục”.

Những kết quả trên đã tạo dấu ấn quan trọng trong chặng đường phát triển 70 năm của ngành Kiểm tra, góp phần đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; minh chứng cho quyết tâm chính trị của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; từng bước củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Kết quả kiểm tra, giám sát đã giúp các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả hơn nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ; giúp cán bộ, đảng viên giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, phát hiện những vấn đề bất cập, sơ hở trong các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Từ ngày đầu thành lập, Ban Kiểm tra Trung ương chỉ có 3 thành viên chuyên trách và một số ít cán bộ giúp việc, đến nay ngành Kiểm tra của Đảng đã có hàng vạn cán bộ chuyên trách và kiêm chức ở các cấp. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào, lúc chiến tranh hay khi đã hòa bình, kể cả những thời điểm thử thách gay go, ác liệt nhất, đội ngũ cán bộ kiểm tra luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Biết bao đồng chí đã cống hiến, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng, làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của ngành Kiểm tra, có nhiều đồng chí nay không còn nữa hoặc đã nghỉ hưu, nhưng tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cách mạng, ý chí, nghị lực, lòng trung thành của các đồng chí luôn là nguồn động viên, khích lệ các thế hệ cán bộ làm công tác kiểm tra hôm nay. Với những thành tích đã đạt được, nhiều tập thể và cá nhân ngành Kiểm tra đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý; Ngành Kiểm tra và Cơ quan Ủy ban kiểm tra Trung ương đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng. Chiến công, sự hy sinh, nỗ lực phấn đấu không ngừng của các thế thế hệ cán bộ kiểm tra đã xây đắp nên truyền thống vẻ vang của ngành Kiểm tra: “Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, trung thực, liêm khiết, kỷ cương và tận tụy”.

Bước sang giai đoạn phát triển mới của đất nước, Đảng ta xác định phải tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần, thái độ kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn. Tình hình đó đặt ra cho Ủy ban kiểm tra và đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi phải đề cao hơn nữa trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân. Phát huy truyền thống vẻ vang của Ngành 70 năm qua, tiếp tục quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong thời gian tới, công tác kiểm tra, giám sát cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Một là, cấp ủy, tổ chức đảng và Ủy ban kiểm tra các cấp, trước hết là người đứng đầu phải nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Công tác kiểm tra phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng. Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát; tạo điều kiện thuận lợi và là điểm tựa tinh thần vững chắc để Ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Hai là, trong kiểm tra, giám sát, phải thực hiện đúng phương châm “chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả”, không chờ đợi kết quả của công tác thanh tra, điều tra, thậm chí là cơ sở, tạo điều kiện cho công tác thanh tra, điều tra; bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, thận trọng, chặt chẽ, “thấu tình, đạt lý”; đồng thời, thường xuyên quan tâm đổi mới phù hợp với điều kiện thực tiễn. Việc xử lý kỷ luật phải có tính nhân văn; chứng cứ đến đâu, kết luận, xử lý đến đấy, không suy diễn, không áp đặt, không thành kiến, với tinh thần “trị bệnh cứu người”, trên tình yêu thương đồng chí; đồng thời, kiên quyết xử lý những tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, đến sự phát triển của đất nước; kịp thời phát hiện những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, năng động, sáng tạo trong tổ chức đảng và đảng viên. Tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn của Ủy ban kiểm tra cấp trên đối với Ủy ban kiểm tra cấp dưới; phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban kiểm tra với các ban xây dựng Đảng và các cơ quan có liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng.

Ba là, Ủy ban kiểm tra phải triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng và nhiệm vụ cấp ủy giao, trọng tâm là kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Cần lựa chọn đúng đối tượng, nội dung kiểm tra, tập trung vào những vấn đề mà Đảng đang cần, cán bộ, đảng viên và nhân dân đang quan tâm, những lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm. Khi đã xác định rõ dấu hiệu vi phạm thì triển khai kịp thời, quyết liệt, triệt để, kết luận rõ ràng, chính xác, công tâm, khách quan, xử lý kỷ luật nghiêm minh, đúng người, đúng vi phạm, không để dư luận phản ứng kéo dài, không để vi phạm lan rộng gây hậu quả nghiêm trọng. Khi cần thiết thì tiến hành kiểm tra cách cấp để tạo sự đồng lòng, quyết tâm thực hiện trong toàn Ngành, tránh tình trạng bao che, né tránh. Chú trọng công khai kết luận kiểm tra, kỷ luật trên các phương tiện thông tin đại chúng để góp phần răn đe, giáo dục và phòng ngừa sai phạm.

Bốn là, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trên, điều trước hết là phải không ngừng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra có đạo đức trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết, có dũng khí đấu tranh, công tâm, khách quan, sâu sát, thận trọng, có năng lực, trình độ, tinh thông nghiệp vụ ngang tầm với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Làm công tác kiểm tra luôn phải đối mặt, đấu tranh với những sai phạm, tiêu cực của đồng chí, đồng đội và cả những người thân, nhiều khi còn phải đấu tranh với chính bản thân mình, giữa mặt tích cực và mặt tiêu cực trong con người mình; phải hy sinh lợi ích cá nhân của mình để bảo vệ và giữ gìn kỷ luật và sự trong sạch của Đảng. Hơn ai hết, cán bộ kiểm tra phải thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.

Phát huy truyền thống vẻ vang 70 năm qua, cùng với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan, sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của cán bộ, đảng viên và nhân dân, ngành Kiểm tra Đảng nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của Đảng và Nhân dân.

File đính kèm:

Tiến sỹ Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (nguồn: TTXVN)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.