Web Content Viewer
ActionsQuá trình hình thành và phát triển
(Bqp.vn) - Hải quân nhân dân (HQND) Việt Nam có truyền thống rất vẻ vang, lập công lớn trong chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của Không quân và Hải quân Mỹ, nhất là thành tích chống phong toả đường biển và các nhiệm vụ được giao trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Quá trình xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành gắn với từng giai đoạn phát triển.
Hải quân nhân dân Việt Nam hôm nay.
Giai đoạn (1955 - 1964): HQND Việt nam ra đời, gần 10 năm vừa xây dựng, vừa hoạt động trong điều kiện hoà bình.
HQND Việt Nam ra đời (7/5/1955)
Chiến dịch Đông xuân năm 1953 - 1954 mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi, hoà bình được lập lại trên toàn cõi Đông Dương, nhưng đất nước ta còn tạm thời bị chia cắt làm hai miền: miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, đi lên CNXH; miền Nam tiếp tục tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giải phóng dân tộc. Để bảo vệ chủ quyền, quản lý chặt chẽ một dải bờ biển miền Bắc dài trên 800 km từ Móng Cái đến vĩ tuyến 17. Ngày 07/5/1955, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 284/NĐ-A thành lập Cục Phòng thủ bờ biển (tiền thân của HQND Việt Nam).
Vừa xây dựng, vừa hoạt động trong điều kiện hoà bình (1955 - 1964)
Quá trình xây dựng lực lượng tàu chiến đấu, căn cứ, cơ sở vật chất kỹ thuật
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, một trong những yêu cầu đòi hỏi có tính cấp thiết là phải nhanh chóng kiện toàn tổ chức biên chế, xây dựng cơ sở hạ tầng, bổ sung lực lượng để nâng cao khả năng bảo vệ, quản lý chủ quyền vùng biển được phân công. Nổi bật trong giai đoạn này là sự ra đời của lực lượng tàu phóng lôi (phiên hiệu Đoàn 135) và lực lượng tàu săn ngầm, có lượng giãn nước lớn và vận tốc cao thực sự lực lượng xung kích, mũi nhọn tiến công trên biển của hải quân; đặc biệt ngày 24/01/1959, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 320/NĐ thành lập Cục Hải quân thay Cục Phòng thủ bờ biển.
Các hoạt động bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.
Cục Hải quân vừa thành lập, vừa phối hợp với các quân chủng, binh chủng bạn và nhân dân ven biển bảo vệ trật tự an ninh trên biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Bảo vệ quyền lợi quốc gia và nhân dân làm ăn trên biển, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu hoạt động gián điệp và xâm lược của địch, từng bước hình thành một Quân chủng, dần đảm đương vai trò làm nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ vùng biển miền Bắc XHCN. Ngày 03/01/1964, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 01/QP thành lập Bộ Tư lệnh Hải quân (Thiếu tướng Tạ Xuân Thu được chỉ định làm Tư lệnh kiêm Chính uỷ).
Lập nên chiến thắng trận đầu ngày 02 và 05/8/1964.
Trước nguy cơ thất bại của Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Tổng thống Mỹ Giônxơn đã quyết định đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam và chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam. Để thực hiện kế hoạch đó, đêm ngày 31/7/1964, rạng sáng 01/8/1964, tàu khu trục Ma Đốc của Mỹ đã tiến sâu vào vùng biển Việt Nam và gây ra nhiều tội ác đối với nhân dân ta. Với ý chí quyết đánh, giám đánh và quyết tâm trừng trị kẻ xâm phạm. Ngày 2/8/1964, biên đội tàu phóng lôi: 333, 336, 339 xuất kích bất chấp sự chống trả của đối phương, cán bộ, chiến sỹ 3 tàu của HQND Việt Nam đã anh dũng kiên cường đánh trả buộc tàu Ma đốc phải tháo chạy ra khỏi hải phận vùng biển miền Bắc; lợi dụng sự kiện này, đêm ngày 04/8/1964, chính quyền Mỹ dựng lên vụ “Vịnh Bắc Bộ” vu cáo cho HQND Việt Nam cố ý tiến công tàu chiến Mỹ ở vùng biển quốc tế, để lấy cớ ngày 05/8/1964 dùng lực lượng không quân tập kích ác liệt vào lực lượng Hải quân Việt Nam từ Sông Gianh, Cửa Hội, Lạch Trường đến Bãi Cháy, nhằm tiêu hao lượng tàu chiến đấu, quân cảng, kho tàng, nhiên liệu của HQND Việt Nam.
Trong trận đầu thử lửa, HQND Việt Nam đã hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội phòng không quốc gia, công an vũ trang, dân quân tự vệ các địa phương đập tan cuộc tập kích bằng Không quân của Mỹ, đã bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống Trung uý giặc lái Anvơrét (là phi công đầu tiên bị bắt ở miền Bắc).
Chiến thắng ngày 02 và 05/8/1964 là thắng lợi có ý nghĩa về chính trị, có tiếng vang lớn trên thế giới của quân và dân Việt Nam. Ngày 2 và 5/8/1964, mãi mãi trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của HQND Việt Nam và của quân, dân miền Bắc.
Giai đoạn (1964 - 1975): HQND Việt Nam tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc
HQND Việt Nam cùng quân dân cả nước đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng Không quân và Hải quân của đế quốc Mỹ, bảo vệ miền Bắc XHCN.
Trước nguy cơ thất bại của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ đã liều lĩnh đưa quân Mỹ vào miền Nam, tiến hành cuộc “chiến tranh cục bộ” bằng chính lực lượng viễn chinh và chư hầu, hòng cứu vãn nguy cơ sụp đổ của nguỵ quân, nguỵ quyền Sài Gòn. Đồng thời với âm mưu uy hiếp tinh thần nhân dân và phá huỷ tiềm lực kinh tế, quốc phòng miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miến Bắc đối với miền Nam, Mỹ tiến hành mở rộng cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân. Cùng với cả nước, HQND Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn, ác liệt chiến đấu anh dũng, bắn rơi 118 máy bay, bắn chìm và bị thương 45 tàu thuyền của địch, góp phần đánh thắng chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.
HQND Việt Nam làm nòng cốt đánh bại chiến dịch phong tỏa thuỷ lôi trên sông, biển miền Bắc
Cùng với việc sử dụng không quân và hải quân tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần tthứ nhất, ngày 26/02/1967, đế quốc Mỹ sử dụng nhiều máy bay xuất phát từ tàu sân bay của Biên đội 77, Hạm đội 7 thực hiện chiến dịch phong toả thuỷ lôi, bom từ trường vào hầu hết hệ thống giao thông thuỷ - bộ ven biển miền Bắc. Với quyết tâm “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, Hải quân Việt Nam phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt; lực lượng đầu tiên, trực tiếp và chủ yếu trong tháo gỡ, rà phá, làm mất hiệu lực 2.400 quả thuỷ lôi, mở tuyến thông luồng bảo đảm cho tàu thuyền hoạt động, sản xuất, tiếp nhận, vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam trên hầu hết các cửa sông, cửa biển và hải cảng; đánh bại một phương thức tác chiến chiến lược rất thâm độc của địch.
HQND Việt Nam mở đường Hồ Chí Minh trên biển, vận chuyển chi viện cho cách mạng miền Nam.
Để chi viện cho cách mạng miền Nam, cùng với Đoàn 559 mở đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn. Đoàn 759 (tiền thân của Đoàn 125) được thành lập ngày 23/10/1961 để mở Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Một trong số những con tàu Không số trong hải trình chi viện cho chiến trường miền Nam (Ảnh: Tư liệu)
Trong suốt 14 năm vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam, HQND Việt Nam đã chấp nhận mọi hy sinh, gian khổ, mưu trí vượt qua các tuyến bao vây, phong toả, đối phó với từng thủ đoạn của địch; sáng tạo nhiều phương thức hoạt động độc đáo, táo bạo; hình thành nhiều tuyến, mở hàng chục bến bãi thuộc hầu hết các tỉnh ven biển miền Nam, đến tận cùng của đất nước và sát cửa ngõ Sài Gòn; vận chuyển kịp thời và đúng thời cơ hàng ngàn tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men, hàng chục ngàn lượt người đến những chiến trường khó khăn nhất, nơi mà con đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn chưa vươn tới được, góp phần chi viện đắc lực cho cách mạng miền Nam.
Huấn luyện lực lượng Đặc công Hải quân tiến công địch trên chiến trường sông, biển miền Nam.
Với nhiệm vụ tiến công địch trên chiến trường sông biển miền Nam, đánh phá các căn cứ hậu cần, kho tàng, hải cảng, triệt phá các đường giao thông thủy bộ quan trọng, tạo thế bao vây quân Mỹ, ngụy trở thành một lực lượng chiến lược của lực lượng vũ trang ở miền Nam, Hải quân Việt Nam được đảm nhận nhiệm vụ huấn luyện cán bộ, chiến sỹ đặc công nước chi viện cho các chiến trường và trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Cửa Việt - Đông Hà. Hải quân Việt Nam đã huấn luyện đào tạo, bổ sung cho các chiến trường miền Nam được hơn 5.000 cán bộ, chiến sỹ đặc công. Trong 7 năm, chiến đấu trên chiến trường Cửa Việt - Đông Hà. Đặc công Hải quân đã đánh 300 trận; đánh chìm, đánh hỏng 336 tàu xuồng chiến đấu, phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Góp phần cùng các lực lượng trên khắp chiến trường miền Nam đánh chìm, đánh hỏng 7.473 tàu thuyền, đánh sập hàng trăm cầu cống, vật chất phục vụ chiến tranh, cùng quân dân miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
HQND Việt Nam tham gia cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975
Trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975, Hải quân Việt Nam đã huy động đến mức cao nhất lực lượng tàu thuyền chiến đấu và vận tải để đưa gần 4.000 cán bộ, chiến sỹ đi chiến đấu và phục vụ chiến đấu, chở pháo, xe tăng, vũ khí các loại từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Dùng tàu chiến thả thủy lôi ở cửa biển Thuận An - Bán đảo Sơn Trà để chặn địch tháo chạy ra biển, góp phần tạo điều kiện để các đơn vị bộ binh giải phóng các thành phố, các tỉnh ven biển, tiếp quản căn cứ Quy Nhơn, Nha Trang, Cam Ranh; đồng thời dùng lực lượng tàu của Đoàn 125 chở đoàn Đặc công 126 và phối hợp với một bộ phận của lực lượng Quân khu 5 chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa, góp phần vào thắng lợi vĩ đại và trọn vẹn của dân tộc.
Cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc thắng lợi vẻ vang, non sông đất nước ta liền một dải. Cách mạng Việt Nam chuyển sang thời kỳ mới. Quân chủng Hải quân cùng quân dân cả nước bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, HQND Việt vừa thực hiện điều chỉnh tổ chức, bố trí, sắp xếp lại lực lượng, chuyển từ nhiệm vụ huấn luyện và chiến đấu sang nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; vừa phải tham gia quản lý, ổn định vùng mới giải phóng, giải quyết nhiều vấn đề sau chiến tranh và làm kinh tế. Trước yêu cầu xây dựng từng bước chính quy, hiện đại, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc, ngày 26/10, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 141/QĐ-QP tổ chức 5 vùng duyên hải: Vùng 1, Vùng 2, Vùng 3, Vùng 4, Vùng 5 trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân, mỗi Vùng có nhiệm vụ phụ trách từng khu vực duyên hải được phân công.
Giai đoạn (1976 - 2012): HQND Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế và tập trung xây dựng Quân chủng
HQND Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia (1979 - 1989) và giúp đỡ Lào.
Chỉ sau 3 ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, bọn Pôn pốt-Iêng-xa-ry đã xua quân tiến công Đảo Phú Quốc, Thổ Chu và tàn sát, bắt đi hàng trăm dân thường Việt Nam. Năm 1978, cuộc xung đột biên giới trở thành cuộc chiến tranh thực sự.
Trên hướng biển Tây Nam, HQND Việt Nam đã cùng các quân, binh chủng tiến hành các cuộc chiến đấu trên hướng chiến lược quan trọng của chiến dịch, cùng các lực lượng tiêu diệt 1.241 tên địch, bắt sống và gọi hàng 1.680 tên, giải phóng 12.300 dân, đánh chìm 27 tàu chiến, góp phần giải phóng Thủ đô Phnôm Pênh, thành phố Cô Công, các vùng biển Campuchia, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Sau ngày 7/01/1979, một lực lượng cán bộ, chiến sỹ HQND Việt Nam đã ở lại để bảo vệ công cuộc hồi sinh của nhân dân Campuchia cho đến năm 1989 mới rút quân về nước; đồng thời, từ năm 1976 - 1988, giúp bạn Lào tổ chức xây dựng lực lượng, đào tạo huấn luyện hàng trăm cán bộ, chiến sỹ và thợ kỹ thuật, giúp bạn đóng mới một số tàu vận tải, đảm bảo kỹ thuật và viện trợ 14 tàu PBR, 33 tấn phụ tùng, sửa chữa 97 tàu, trang bị hàng chục máy công cụ, khôi phục Xưởng Chinaimô, góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt - Lào.
Củng cố và phát triển lực lượng, xây dựng HQND Việt Nam theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng ta về xây dựng quân đội trong giai đoạn mới, đó là: “Phải xây dựng quân đội chính quy, ngày càng hiện đại, có chất lượng tổng hợp ngày càng cao, có tổ chức hợp lý, cân đối, gọn và mạnh, có kỷ luật chặt chẽ, có trình độ sẵn sàng chiến đấu và sức chiến đấu cao...” Đảng ủy Quân chủng đã chỉ đạo tiến hành các đợt sinh hoạt chính trị, quán triệt các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là các quan điểm, chủ trương của Đảng về quốc phòng, an ninh, về xây dựng quân đội theo tinh thần đổi mới; đồng thời thực hiện chủ trương chấn chỉnh, tinh giản về tổ chức biên chế, nâng cao sức mạnh chiến đấu. Đảng ủy Quân chủng cũng xác định: “Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển và quần đảo Trường Sa là nhiệm vụ quan trọng nhất, khẩn trương nhất và cũng là vinh dự của Quân chủng” và tập trung xây dựng Quân chủng vững mạnh toàn diện theo phương hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, sẵn sàng chiến đấu cao. Đặc biệt xuất phát từ tình hình nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc hiện nay và tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ IX về việc xây dựng một bộ phận Quân đội tiến lên hiện đại, trong đó có Quân chủng Hải quân, tức là “Xây dựnâmHỉ quân nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại”. Trên tinh thần đó, Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Quân chủng xác định cần tập trung vào các lực lượng: Lực lượng quan sát phát hiện mục tiêu; lực lượng thông tin liên lạc; lực lượng tàu ngầm; lực lượng tàu mặt nước; lực lượng Không quân Hải quân; lực lượng tên lửa pháo bờ. Nổi bật trong giai đoạn này là việc thành lập các đơn vị mới của Quân chủng (Vùng 2 Hải quân, Đoàn 681, Đoàn 685 và Đoàn 189 tàu ngầm hiện đại); nâng cấp các Vùng Hải quân lên thành Bộ Tư lệnh Vùng. Đồng chí Nguyễn Văn Hiến - Tư lệnh Quân chủng đã được bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, được thăng quân hàm Đô đốc; đồng thời mua sắm trang bị các phương tiện, các loại vũ khí hiện đại, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu làm nòng cốt cho chiến tranh nhân dân trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình ổn định của đất nước và khu vực, luôn xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và nhân dân cả nước.
Từ Ban Nghiên cứu Thuỷ quân đến Quân chủng Hải quân
Ngày 08/3/1949, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam ban hành Nghị định số 604/QĐ, thành lập Ban Nghiên cứu Thủy quân thuộc Bộ Tổng Tham mưu. Ban Nghiên cứu Thủy quân có 3 ban chuyên môn là hàng hải, thông tin hàng hải, điện cơ máy nổ và các bộ phận hành chính, quân sự, hậu cần, có nhiệm vụ: Nghiên cứu phương án xây dựng và chiến đấu của lực lượng thủy quân, phù hợp với thực tiễn hiện nay và trong tương lai; Tập hợp đội ngũ cán bộ, công nhân viên hải quân cũ, tạo điều kiện xây dựng cơ sở ban đầu; Tuyển mộ, huấn luyện đào tạo một đội ngũ thủ quân cách mạng, trẻ, có trình độ khoa học kỹ thuật hàng hải. Ngày 10/8/1950, Đội Thuỷ binh 71 được thành lập dưới sự chỉ đạo của Ban Nghiên cứu Thuỷ quân. Tuy nhiên trước yêu cầu góp phần duy trì chiến tranh du kích ở vùng Đông Bắc và châu thổ duyên hải Bắc Bộ, đầu năm 1951, Bộ Quốc phòng quyết định giải thể Ban Nghiên cứu Thuỷ quân và Đội Thuỷ binh 71.
Bộ đội Hải quân góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ ở miền Bắc Việt Nam (Ảnh: Tư liệu)
Ngay sau khi hiệp định Giơnevơ được ký kết, thực hiện nghị quyết của Tổng Quân ủy về xây dựng lực lượng phòng thủ bờ biển, ngày 07/5/1955, Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh ban hành Nghị định số 284/NĐ-A thành lập Cục Phòng thủ bờ biển và ngày 7/5/1955 được coi là ngày thành lập Quân chủng Hải quân. Thực hiện chủ trương của Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh, ngày 24/8/1955, lễ thành lập hai thủy đội Sông Lô và Bạch Đằng được tổ chức tại Trường Huấn luyện bờ biển, đánh dấu bước phát triển ban đầu của lực lượng chiến đấu trên sông biển của Hải quân nhân dân Việt Nam. Đây cũng là những đơn vị tàu chiến đấu chính quy đầu tiên của Hải quân Việt Nam.
Quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng và căn cứ vào kế hoạch quân sự 5 năm (1955 - 1960), ngày 24/01/1959, Bộ Quốc phòng ban hành Nghị định số 320/NĐ thành lập Cục Hải quân trên cơ sở Cục Phòng thủ bờ biển trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu. Nhiệm vụ chính của Cục Hải quân là giúp Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh nghiên cứu, thực hiện kế hoạch xây dựng lực lượng hải quân, chỉ huy lực lượng hải quân, quản lý quân cảng, phối hợp với các binh chủng và lực lượng vũ trang địa phương chiến đấu trong thời chiến. Ngày 21/01/1959 đánh dấu bước phát triển quan trọng của hải quân, từ nhiệm vụ nghiên cứu chuyển sang chỉ đạo, chỉ huy mọi hoạt động của các lực lượng hải quân.
Trước yêu cầu của tình hình mới, ngày 03/01/1964, Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 01/QĐ đổi tên Cục Hải quân thành Bộ Tư lệnh Hải quân với nhiệm vụ: lãnh đạo, chỉ huy xây dựng Quân chủng Hải quân, tự đảm nhận nhiệm vụ hoạt động chiến đấu trên không phận, hải phận, bờ biển miền Bắc. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trong lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam về quy mô tổ chức và sức mạnh chiến đấu trên con đường xây dựng một quân chủng mới - Quân chủng Hải quân, một quân chủng chiến đấu bằng lực lượng binh chủng hợp thành và phương tiện kỹ thuật hiện đại, lực lượng nòng cốt của chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông nước, biển và hải đảo của Tổ quốc.
Ngày 02/8/1964, chỉ với 3 tàu phóng ngư lôi, lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam đã mưu trí, anh dũng đánh đuổi tàu Mađốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam; ngày 05/8/1964, Hải quân nhân dân Việt Nam cùng với lực lượng phòng không ba thứ quân và nhân dân miền Bắc đánh bại kế hoạch tiến công “Mũi tên xuyên” của Không quân Mỹ, mở đầu trang sử chiến đấu trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam.
Ngoài nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu trên chiến trường miền Bắc, Hải quân nhân dân Việt Nam còn thực hiện xuất sắc một nhiệm vụ khác đặc biệt quan trọng góp phần rất lớn vào công cuộc kháng chiến của quân dân miền Nam là trực tiếp xây dựng Đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên Biển Đông. Đây là sự độc đáo và sáng tạo của cuộc chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Lữ đoàn 125 mà tiền thân là Đoàn 759 được thành lập ngày 23/10/1961 đã thực hiện hàng trăm chuyến tàu vận chuyển 6.105 tấn vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngoài ra, lực lượng Đặc công nước của Quân chủng Hải quân, bằng cách đánh sáng tạo, mưu trí và dũng cảm đã lập nên nhiều chiến công vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, điển hình là các cuộc tiến công vào cảng Cửa Việt, Đông Hà, góp phần vào thắng lợi chung của quân và dân ta ở miền Nam.
Trong chiến dịch phong tỏa đường biển của đế quốc Mỹ (1972), Bộ Tổng Tham mưu giao nhiệm vụ cho Quân chủng Hải quân tổ chức lực lượng rà phá, tháo gỡ bom, mìn, thủy lôi địch thả ở các cảng, cửa sông và vùng ven biển, cùng với Bộ Tư lệnh Công binh, Viện Kỹ thuật quân sự nghiên cứu các kỹ thuật rà phá thủy lôi, mở thông luồng lạch, mở các đường và luồng lạch mới, lập bến mới, góp phần tiếp nhận hàng viện trợ từ nước ngoài qua đường biển, góp phần đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ lên một giai đoạn mới.
Trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975, chấp hành chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu, Quân chủng Hải quân đã làm tốt công tác chuẩn bị, huy động số lượng tàu thuyền vận tải, tàu chiến đấu, quân số ở mức cao nhất bảo đảm làm tốt công tác phục vụ chiến đấu, chi viện kịp thời cho chiến trường. Quân chủng Hải quân đã huy động, phát huy mọi khả năng sẵn có, kịp thời giải phóng các đảo và tổ chức lực lượng phòng thủ giữ vững chắc, đáp ứng yêu cầu chiến dịch, thực hiện tốt ý đồ chiến lược đề ra, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc và giúp đỡ Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, Hải quân Việt Nam đã làm tốt nhiệm vụ là lực lượng trực tiếp chiến đấu, cùng với các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam và Lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đánh thắng hải quân địch, góp phần giải phóng đất nước Campuchia, làm tròn nhiệm vụ quốc tế vẻ vang. Quân chủng Hải quân đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm về chuẩn bị, thực hiện cơ động vận động tác chiến trên biển, tác chiến đổ bộ lên đất liền, lên đảo, tác chiến độc lập và tác chiến hiệp đồng quân binh chủng.
Hiện nay, Hải quân nhân dân Việt Nam được tăng cường trang bị vũ khí hiện đại, nâng cao sức mạnh chiến đấu để có đủ khả năng hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quản lý và kiểm soát chặt chẽ các vùng biển, hải đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông; giữ gìn an ninh, chống lại mọi hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia của Việt Nam trên biển; bảo vệ các hoạt động bình thường của Việt Nam trên các vùng biển đảo, theo quy định của luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam; bảo đảm an toàn hàng hải và tham gia tìm kiếm cứu nạn theo pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, sẵn sàng hiệp đồng chiến đấu với các lực lượng khác nhằm đánh bại mọi cuộc tiến công xâm lược trên hướng biển.
Những đơn vị tiền thân của Hải quân nhân dân Việt Nam
Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội tự vệ công nông, mầm mống đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng hình thành. Tiếp đó, các đội quân tiền thân của quân đội ta (Đội du kích Bắc Sơn, Quân du kích Nam Kỳ, các đội Cứu quốc quân, Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Đội du kích Ba Tơ…) lần lượt hình thành, phát triển nhanh chóng trong cao trào chống Nhật, cứu nước, được thống nhất thành Việt Nam giải phóng quân, cùng toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, đánh đổ hoàn toàn ách thống trị của phát xít Nhật và tay sai, giành chính quyền cách mạng của cả nước. Cách mạng tháng Tám vừa giành được thắng lợi, nhân dân ta lại đứng trước khó khăn chồng chất và những thử thách ngặt nghèo, nhất là nguy cơ thực dân Pháp xâm lược nước ta một lần nữa và hành động các thế lực thù địch đang lăm le bóp chết cách mạng Việt Nam. Trước khó khăn của cách mạng, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi trọng việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có lực lượng hải quân. Trên cơ sở những đơn vị du kích và tự vệ chiến đấu phát triển rộng khắp, Đảng ta tuyển chọn những chiến sĩ có giác ngộ, có tinh thần chiến đấu bổ sung vào các đơn vị vũ trang tập trung.
Tàu hải quân thực hành phóng ngư lôi trên biển.
Một số tổ chức hải quân do các địa phương thành lập
Để bảo vệ chủ quyền vùng biển của nước ta, các tổ chức dân quân ở các làng xóm, thôn xã ven biển được khẩn trương xây dựng. Nhiều chi đội Vệ quốc quân được điều về chốt giữ trên những địa bàn xung yếu. Một số tổ chức hải quân do các địa phương thành lập cũng ra đời. Tại Hải Phòng, Bộ Tư lệnh khu Duyên Hải tổ chức Ủy ban Hải quân Việt Nam, quân số gần 200 người. Tiêu biểu là Đại đội Ký Con thành lập năm 1945 với phương tiện hoạt động gồm một tàu nhỏ và 3 ca nô với cách đánh du kích, đã lập nên nhiều chiến công. Tàu được đặt tên là Bạch Đằng cùng các tàu và ca nô của Ủy ban Hải quân Việt Nam có nhiệm vụ hoạt động ở cửa biển Hải Phòng và vùng ven biển Đông Bắc.
Ở Đà Nẵng, có tổ chức thủy quân miền Nam Trung Bộ, lực lượng gồm khoảng 400 người. Ngoài ra, một số địa phương khác như Cửa Lò, Nha Trang, Sài Gòn… các lực lượng vũ trang trên biển cũng được thành lập. Những đơn vị này, có nơi gọi là “Thủy quân”, có nơi gọi “Hải quân”. Mặc dù, tên gọi khác nhau, nhưng các tổ chức vũ trang đó đều đặt dưới sự lãnh đạo của các đảng bộ địa phương và sự chỉ huy trực tiếp của bộ tư lệnh các khu. Trong năm đầu của chính quyền nhân dân, các tổ chức thủy quân vừa tiến hành xây dựng lực lượng, chuẩn bị cơ sở vật chất, vừa cùng các lực lượng vũ trang nhân dân ta đẩy mạnh các hoạt động chiến đấu, kiên quyết bảo vệ chủ quyền vùng sông biển của Tổ quốc.
Thực hiện âm mưu trở lại xâm lược nước ta, bọn thực dân Pháp cho bọn tàn quân từ Trung Quốc lén lút chiếm một số hòn đảo và dùng tàu khiêu khích ta ở vùng biển Đông Bắc. Đầu tháng 9/1945, thực dân Pháp cho chiếc tàu Crayssac đến vùng biển Hòn Gai (Quảng Ninh) tiến hành các hoạt động khiêu khích và móc nối với bọn phản động trong đất liền. Quyết tâm bảo vệ lãnh hải của Tổ quốc, đại đội Ký Con được lệnh dùng hai tàu Bạch Đằng, Giao Chỉ và một ca nô cùng một trung đội tiến ra vây bắt tàu địch. Các thuyền đánh cá của nhân dân đang hoạt động trên biển cũng lao đến hỗ trợ. Bọn giặc có nhiều vũ khí trang bị nhưng trước áp lực của quân dân ta, chúng hoang mang, lúng túng buộc phải đầu hàng. Ta bắt hơn 10 tên, cả chỉ huy và thủy thủ Pháp, giải thoát một số thủy thủ người Việt. Số thủy thủ này tình nguyện theo quân cách mạng, được biên chế vào đơn vị tàu của ta. Đại đội Ký Con thu tàu Crayssac, 1 khẩu pháo 37 mm, 2 trọng liên, 2 đại liên, 1 badôca, 2 cácbin, một số súng trường và trang bị kỹ thuật. Ngày 8/9/1945, đồng chí Nguyễn Bình, Khu trưởng Chiến khu 3 đến thăm, biểu dương cán bộ, chiến sĩ đại đội Ký Con và ra lệnh gỡ chữ Crayssac và gắn chữ Ký Con bằng đồng vào mũi tàu. Từ đây, tàu Ký Con được biên chế trong lực lượng vũ trang Chiến khu 3.
Ngày 11/9/1945, địch huy động tàu Audacieuse đến vùng biển Hòn Gai trinh sát tìm kiếm tàu Crayssac. Ta dùng ngay tàu Ký Con (tàu Crayssac) vừa chiếm được đánh đuổi và chiếm tàu Ôđátxiơ, bắt 8 sĩ quan và thủy thủ Pháp đầu hàng, thu 1 đại liên, 1 badôca, cùng một số vũ khí trang bị khác. Ngày 12 tháng 9, ta giao tàu Audacieuse cho một đơn vị vận tải thuộc Chiến khu 3 và tổ chức tàu Ký Con cùng một số ca nô thành một thủy đội làm nhiệm vụ tuần tiễu vùng ven biển từ Hòn Gai đến Hải Phòng.
Phát huy thắng lợi, Bộ Tư lệnh khu Duyên Hải quyết định đánh vào hai đảo Cô Tô và Vạn Hoa, nơi quân Pháp từ Bắc Hải (Trung Quốc) về chiếm đóng trái phép sau khi quân Nhật đầu hàng Đồng minh, nhằm phá tan căn cứ của chúng. Đêm ngày 10/11/1945, ta tiến đánh Vạn Hoa và đêm ngày 13/11, đánh đảo Cô Tô. Cô Tô là một đảo lớn dài 12 km, rộng 2,5 km nằm ở vùng biển Đông Bắc. Tàn quân thủy binh Pháp có 3 tàu và 1 trung đội chiếm đóng trái phép đảo Cô Tô. Đêm ngày 13/11, khoảng 50 cán bộ, chiến sĩ đại đội Ký Con chia làm hai bộ phận đổ bộ lên đảo.
Để tăng cường khả năng phòng thủ ở phía cửa biển Hải Phòng, ta tiến hành khôi phục lại trận địa pháo binh trên đảo Cát Bà, do Pháp xây dựng từ năm 1939. Trận địa này có 3 khẩu pháo 138 mm, trong đó kính ngắm, kim hỏa và bộ máy cò đã bị địch tháo gỡ, phá hủy. Anh em đã tự chế tạo bằng phương pháp thủ công, khôi phục lại các chi tiết máy móc và sau này nhiều lần sử dụng chiến đấu trừng trị các tàu của giặc Pháp xâm phạm vùng biển của ta; có tàu bị đánh đuổi, có tàu trúng đạn bị thương như các tàu Công Tum, Tờriôngphăng, Êmin Béctanh… Các tàu và ca nô của Ủy ban Hải quân Việt Nam thuộc Bộ Tư lệnh Duyên Hải còn thường xuyên đi tuần tiễu, trấn áp bọn phản động phá hoại, bắt giữ nhiều thuyền của bọn cướp biển, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ vững chắc vùng biển, hải đảo của Tổ quốc.
Trong khi toàn Đảng, toàn dân từ Bắc chí Nam, từ Trung ương đến các địa phương đang khẩn trương xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang cách mạng đánh tàn quân Pháp xâm nhập, trấn áp bọn phản động tay sai của Mỹ - Tưởng phá hoại ở miền Bắc, bảo vệ chính quyền cách mạng, thì đêm ngày 22 rạng ngày 23/9/1945, quân Pháp được sự đồng lõa của quân Anh bất ngờ nổ súng đánh chiếm một số công sở của ta ở thành phố Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt nam một lần nữa. Từ ngày 23/11/1945 đến tháng 02/1946, sau khi đánh vùng nông thôn Nam Bộ, quân Pháp đánh rộng ra các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Lợi dụng các sông rạch, thủy quân Pháp hành quân đánh chiếm những vị trí quan trọng ở khắp các tỉnh Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ. Mặc dù có ưu thế về phương tiện và hỏa lực, thủy quân Pháp vẫn liên tiếp bị quân dân miền Nam chặn đánh, gây cho chúng nhiều thiệt hại.
Đêm ngày 15/10/1945, ta đốt cháy tàu Alác ở cảng Sài Gòn. Ngày 26/10, quân dân Nha Trang bắn hỏng một tàu khi chúng vào gần bờ biển thành phố. Tại Gò Công, ngày 28/10, địch cho tàu Risơliơ chở quân đánh chiếm thị xã, bị ta đánh trả mãnh liệt và chịu một số thiệt hại. Ngày 20/01/1946, quân Pháp đổ bộ lên Hà Tiên bị bộ đội ta tiêu diệt gần chục tên, trong đó có tên chỉ huy bị trúng đạn ngã gục xuống sông. Những hoạt động chiến đấu của quân dân ta trên sông biển cùng với cuộc chiến đấu kiên cường trên đất liền những tháng cuối năm 1945 đã gây cho thực dân Pháp một số thiệt hại, tạo điều kiện cho quân dân cả nước chuẩn bị mọi mặt để kháng chiến chống thực dân Pháp khi chúng mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược ra quy mô toàn quốc.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, ngày 22/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 71/SL về Quân đội quốc gia Việt Nam, quy định tổ chức, biên chế thống nhất từ tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn, liên đoàn, tập đoàn của bộ binh, các đơn vị chuyên môn và hỏa lực trợ chiến. Tiếp đó, ngày 19/7/1946, quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng ra Quyết định số 125/QĐ thành lập trong Quân đội quốc gia ngành Hải quân Việt Nam, đặt dưới quyền Bộ Quốc phòng về phương diện quản trị và Quân sự ủy viên hội về phương diện điều khiển.
Thực hiện quyết định của Chủ tịch nước, ngày 10/9/1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Quân sự ủy viên hội ra Nghị định số 103/NĐ thành lập Cơ quan Hải quân, do một hải đoàn trưởng điều khiển trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu. Nhiệm vụ của Hải đoàn bộ là tổ chức thủy đội tuần liễu và phỏng thủ duyên hải; tập trung các nhân viên, bộ đội thủy quân đã có trong Quân đội Việt Nam và tuyển lựa cựu thủy binh để thành lập ngay một tổ chức hải quân. Đây là văn bản đầu tiên của Nhà nước ta về tổ chức lực lượng hải quân trong Quân đội quốc gia Việt Nam. Nhưng do tình hình lúc đó, nhất là phải tập trung cho toàn quốc bước vào kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, các quyết định đó chưa có điều kiện thực hiện. Song đây là cơ sở để sau này xây dựng một tổ chức Hải quân nhân dân Việt Nam phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước.
Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Cùng với các cánh quân trên bộ, thực dân Pháp lợi dụng các dòng sông, cửa biển, đưa tàu và ca nô chở quân, đánh phá quyết liệt các thành phố, những vị trí quân sự quan trọng của ta. Quân và dân các vùng ven biển, ven sông quyết tâm cùng cả nước đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp. Ở Hải Phòng, lực lượng bảo vệ bờ biển đã chiến đấu quyết liệt chặn bước tiến của bọn xâm lược, đánh chìm, đánh hư hỏng một số tàu và ca nô giặc khi chúng đổ quân vào Đồ Sơn, sông Cấm. Tại cửa Ba Lạt, quân dân vùng Nam Định, Thái Bình đưa hàng trăm thuyền lớn chất đầy đá hộc ra đánh đắm ở cửa sông tạo thành chướng ngại vật không cho tàu giặc từ biển tiến vào. Ở Quảng Bình, ngày 27/3/1947, lực lượng Vệ quốc đoàn đánh vào ca nô chở quân của địch, diệt hơn chục tên tại cửa Nhật Lệ. Ở Thừa Thiên, ngày 08/4/1947, một xuồng của Pháp bị đánh chìm trên đoạn sông từ Phò Trạch lên Đất Đỏ. Tại Nam Bộ, bộ đội đã tự chế thủy lôi đánh chìm một sà lan lớn của địch ở Phương Diều (Bạc Liêu). Trong trận này, ta thu được ba thuyền đạn và hàng chục khẩu súng các loại.
Ngày 25/11/1947, một đoàn tàu chiến Pháp gồm 5 chiếc từ Tuyên Quang xuống đến ngã ba đầu nguồn sông Lô, đoạn xã Chi Đám, lọt vào trận địa phục kích của trung đội pháo Xuân Canh (trung đội ở pháo đài Xuân Canh - Láng, Hà Nội rút lên) và trung đội pháo lục tỉnh (pháo được lắp ghép từ nhiều bộ phận ta thu được ở sáu tỉnh, nên gọi là pháo lục tỉnh). Rút kinh nghiệm trận đánh trước đặt phá xa bắn không trúng, lần này, ta đưa pháo ra sát bờ sông, bắn ngắm trực tiếp, bắn chìm tại chỗ 2 tàu, diệt hàng trăm tên địch, bắn hỏng nặng 2 chiếc khác. Trong các trận đánh trên dòng sông Lô, ta đã đánh chìm, đánh hỏng 16 tàu và 32 ca nô địch, bẽ gãy gọng kìm đường thủy của giặc Pháp tiến lên Việt Bắc. Âm mưu “đánh nhanh, giải quyết nhanh” của thực dân Pháp bị thất bại. Cuộc kháng chiến của quân và dân ta chuyển sang giai đoạn mới.
Ở Nam Bộ, sau trận Mương Điều, nhiều địa phương đã huy động nhân dân dựng kè, đắp cản trên kênh rạch chặn tàu thuyền giặc. Vùng Cà Mau, kè, cản được xây dựng gần một trăm chiếc, có chiếc như một đập lớn, bề mặt rộng khoảng 120 m. Hệ thống vật chường ngại vững chắc này là bức tường thành ngăn cản, hạn chế các cuộc tiến công của quân Pháp vào căn cứ kháng chiến của ta. Cách đánh địch trên sông biển bằng hình thức đặc công bắt đầu xuất hiện sớm trong lực lượng vũ trang ta. Cuối năm 1948, các chiến sĩ xưởng quân giới Trung đoàn 312 đã cải tiến một quả thủy lôi không nổ của quân Pháp thành một quả thủy lôi mới nặng 80 kg đánh theo kiểu chạm nổ. Chiến sĩ Võ Văn Hợp, biệt động Sài Gòn đã dùng quả thủy lôi này đánh chìm chiếc tàu chở đạn Xeluýtblơ của Pháp trên sông Sài Gòn, thiêu hủy 400 tấn đạn. Ở Long Châu Sa, ngày 21/4/1949, đội săn tàu của tỉnh đã dùng thủy lôi tự tạo đánh chìm Gluyxin (số D27) trên sông Sở Thượng, diệt hàng trăm tên địch. Sau đó hai tháng, ngày 20/6/1949, đơn vị lại đánh chìm tàu Glyxin (số D28) ở Cái Lách.
Trong quá trình kháng chiến chống Pháp, quân và dân ta vừa bám sông, bám biển diệt địch, vừa lợi dụng sông nước để tổ chức vận tải phục vụ kháng chiến. Trên các sông suối, kênh rạch, các loại bè mảng, ghe thuyền được huy động chở quân, vận chuyển vũ khí, lương thực. Dọc tuyến vận tải ven biển, những đơn vị chuyên làm nhiệm vụ vận tải được tổ chức. Đặc biệt, đội vận tải đường biển của Liên khu 5 đã có những đóng góp to lớn cho kháng chiến.
Ban Nghiên cứu Thủy quân và Đội Thủy binh 71
Vừa chiến đấu, vừa xây dựng, Đảng ta tập trung bổ sung quân số, củng cố, chấn chỉnh tổ chức, biên chế các cơ quan và đơn vị quân đội. Theo phương hướng đó, ngày 08/3/1949, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam ra Nghị định số 604/QĐ, thành lập Ban Nghiên cứu Thủy quân thuộc Bộ Tổng Tham mưu. Tại buổi lễ công bố quyết định thành lập, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái - Tổng Tham mưu trưởng giao nhiệm vụ và căn dặn: “Nhìn về tương lai rộng mở, để xây dựng quân đội tiến lên, đất nước ta với bờ biển dài ba ngàn cây số, nhất định phải có một lực lượng hải quân hùng mạnh, xứng đáng với lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc đã từng có những lực lượng thủy quân lập nên chiến công hiển hách, lẫy lừng trên sông Bạch Đằng, Lục Đầu Giang…
Chính vì mục tiêu đó, căn cứ vào điều kiện thực tế, Bộ quyết định thành lập Ban Nghiên cứu Thủy quân để: Nghiên cứu những phương án xây dựng và chiến đấu của lực lượng thủy quân, phù hợp với thực tiễn hiện nay và trong tương lai gần; Tập hợp đội ngũ cán bộ, công nhân viện hải quân cũ, tạo điều kiện xây dựng cơ sở ban đầu; Tuyển mộ, huấn luyện đào tạo một đội ngũ thủy quân cách mạng, trẻ, có trình độ khoa học kỹ thuật hàng hải”.
Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái nêu rõ: “Ban Nghiên cứu Thủy quân bước đầu còn non bé, nhưng tiền đồ sẽ vẻ vang. Chắc một ngày không xa sẽ trưởng thành thành Quân chủng Hải quân”. Về tổ chức, Ban Nghiên cứu Thủy quân gồm có ba ban chuyên môn là hàng hải, thông tin hàng hải, điện cơ máy nổ và các bộ phận hành chính, quản trị, hậu cần. Đồng chí Nguyễn Văn Khương được cử làm Trưởng ban, đồng chí Nguyễn Việt làm Chính trị viên và đồng chí Trần Đình Vọng làm Phó Trưởng ban. Cơ quan Ban Nghiên cứu Thủy quân đóng tại phố Giàn (Đoan Hùng, Phú Thọ). Nhiệm vụ đầu tiên đặt ra cho Ban Nghiên cứu Thủy quân là huấn luyện xây dựng một đội du kích có khả năng hoạt động trên sông, rồi từ sông mới tiến ra biển khi có điều kiện. Đó cũng chính là ý nghĩa Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Bộ Tổng Tham mưu khi nghe báo cáo và đề nghị thành lập Ban Nghiên cứu Thủy quân và mở lớp thủy quân (thủy quân chứ chưa phải là hải quân).
Sau hơn mười tháng chuẩn bị, tháng 02/1950, khóa học thủy quân đầu tiên được khai giảng. Tham gia khóa học này có 180 học viên được tuyển chọn từ các đơn vị bộ binh, dân quan du kích vùng ven biển Đông Bắc, một số là học sinh các trường trung học ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Yên, tổ chức thành một tiểu đoàn huấn luyện, do đồng chí Trần Lưu Thông làm tiểu đoàn trưởng. Cán bộ đại đội, trung đội từng học ở Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, nên việc huấn luyện các học viên thủy quân có nhiều thuận lợi về rèn luyện đội ngũ, lễ tiết tác phong, công tác, sinh hoạt. Phụ trách chung cả ban và lớp học là các đồng chí Nguyễn Văn Khương, Trần Đình Vọng (từng hoạt động trong ngành hàng hải Pháp) và đồng chí Nguyễn Việt. Cả ban và lớp mang phiên hiệu chung là Đội sản xuất 71. Đội Thủy binh 71 thành lập ngày 10/8/1950 dưới sự chỉ đạo của Ban Nghiên cứu Thủy quân thuộc Bộ Tổng Tham mưu đóng quân tại làng Cò, gần phố Giàn, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ). Đoan Hùng được chọn làm căn cứ để huấn luyện và xây dựng đội. Đội ngũ giáo viên khoảng 10 người vốn là lính thủy thời Pháp, được chia thành ba tổ bộ môn, hàng hải, thông tin và điện cơ - máy nổ. Học cụ là một số mô hình các loại tàu chiến của Pháp, do giáo viên đóng bằng gỗ. Phương tiện huấn luyện cũng tự tao như cờ, đèn…
Chương trình huấn luyện gồm quân sự, chính trị, chuyên môn, trong đó tập trung huấn luyện một số nội dung kỹ thuật, chiến thuật của bộ binh chiến đấu trong môi trường sông biển như bắn súng trên tàu thuyền, trên ca nô, tập bơi, lặn, tập chèo thuyền, chèo xuồng, tập động tác đổ bộ (từ bờ lên thuyền và từ thuyền nhảy xuống tiếp cận bờ triển khai đội hình chiến đấu), tập sử dụng hải đồ, xác định vị trí tàu trên biển bằng phương pháp quan sát, đo đạc các mục tiêu địa văn và theo kinh nghiệm của nhân dân (nhìn trăng, sao, xem thủy triều, hướng gió…), học cách sử dụng các phương tiện thông tin đơn giản, như cờ, đèn…
Sau ba tháng huấn luyện, ban chỉ huy đang chuẩn bị chiêu sinh và bổ sung nội dung để mở lớp cán hộ hàng hải - lái tàu, thì nhận được chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu: chọn khoảng 100 học viên đưa sang Trung Quốc học tập nâng cao trình độ. Bộ phận khung ở lại tiếp tục chiêu sinh, mở khóa II. Đầu tháng 6/1950, gần 100 học viên của Đội thủy binh 71, dưới sự chỉ huy của một ban phụ trách mới (gồm các đồng chí Lê Ngọc Quang, Trắc Vi Nam, Nguyễn Việt) nhận nhiệm vụ sang Nào Cháu (Điều Thuận), một hòn đảo nằm ở phía đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) học tập. Nội dung học tập chủ yêu theo chương trình huấn luyện phân đội bộ binh của bạn. So với khóa học trong nước, có những điểm mới về nội dung, phương pháp huấn luyện và đặc biệt là môi trường biển - hải đảo. Một nội dung quan trọng nữa là được nghe giới thiệu về kinh nghiệm Giải phóng quân (Trung Quốc) dùng thuyền buồn gắn máy hành quân trên biển, đổ bộ giải phóng đảo Hải Nam.
Sau khi Đội 71 thủy binh lên đường sang Trung Quốc, tháng 6/1950, khóa II đào tạo thủy quân gồm khoảng 100 học viên được khai giảng. Thành phần học viên chủ yếu của khóa này là học sinh trung học mới nhập ngũ. Về lãnh đạo, bên cạnh một ban chỉ huy còn có một ban cán sự Đảng được chỉ thị gồm các đồng cíh Trần Lưu Phương, Nguyễn Khổng Hiệu, Trần Trọng Trung. Về quân sự và chuyên môn, nội dung huấn luyện cơ bản như khóa trước. Về chính trị, học viên học tập quán triệt hai tài liệu cơ bản: Chiến tranh nhân dân và Quân đội nhân dân. Đến giữa tháng 4/1951, khóa II vừa kết thúc được ít ngày, thì toàn bộ học viên của Đội thủy binh 71 hoàn thành nhiệm vụ học tập ở nước ngoài trở về nước đóng căn cứ ở làng Cò thuộc huyện Đoan Hùng (Phú Thọ).
Tháng 4/1951, thực hiện quyết định của Bộ, Đội thủy binh 71 giải thể, phần lớn học viên khóa I và một số học viên khóa II được chuyển ra các vùng Hòn Gai, Hải Ninh, Quảng Yên, tham gia đẩy mạnh chiến tranh du kích ở các địa bàn ven biển. Một bộ phận học viên chuyển về Đại đoàn công - pháo 351 và các đại đoàn bộ binh đang trong quá trình xây dựng. Bộ phận lực lượng còn lại về nhận công tác ở các liên khu, Bộ Tổng tư lệnh, hoặc đi học ở Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn.
Cục Phòng thủ bờ biển
Đầu tháng 8/1954, trên đường từ căn cứ kháng chiến ở Việt Bắc tiến về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Bộ Quốc phòng điều động 7 đồng chí trước đây ở Ban Nghiên cứu Thủy quân và Đội thủy binh 71 (còn gọi là Trường Huấn luyện thủy binh) đang công tác ở một số đơn vị trên các chiến trường về Cục Tác chiến và tháng 01/1955 điều bổ sung 4 đồng chí nữa. Đồng chí Nguyễn Bá Phát, nguyên Tham nưu trưởng Liên khu 5 được Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh giao lưu trực tiếp phụ trách bộ phận nghiên cứu lực lượng bảo vệ vùng biển. Số cán bộ điều động về Cục Tác chiến được tổ chức thành ba bộ phận. Bộ phận thứ nhất được phân công thăm dò cơ sở đóng thuyền, ca nô, tham khảo hình dáng, kích thước và quy cách thiết kế các loại phương tiện hoạt động trên sông biển. Sau khi phát hiện cơ sở đóng thuyền, ca nô ở Tiên Yên và Quảng Yên, một số đồng chí được cử đi đặt đóng và nghiên cứu để sau này tổ chức lực lượng tự sản xuất phương tiện tàu, thuyền. Bộ phận thứ hai được giao nhiệm vụ nghiên cứu địa hình và tình hình mọi mặt trên vùng ven biển miền Bắc từ Móng Cái đến Cửa Tùng (trừ khu vực Hải Phòng, Cát Bà, lúc này quân đội Pháp còn đang đóng quân theo quy chế khu 300 ngày của Hiệp định Giơnevơ). Vừa nghiên cứu thực địa kết hợp với hải đồ của hải quân Pháp để lại, bộ phận này bước đầu xác định kế hoạch bố trí lực lượng để trước mắt theo dõi được tình hình vùng biển và xử lý kịp thời những tình huống do bọn phản động cưỡng ép đồng bào ta di cư, bọn gián điệp và biệt kích phá hoại gây ra. Sau đó, cùng với các liên khu nghiên cứu những địa điểm để đặt đài quan sát, xây dựng các trận địa pháo, phối hợp mọi lực lượng cùng bảo vệ bờ biển. Bộ phận thứ ba đảm nhiệm làm đề án về tổ chức, kế hoạch xây dựng lực lượng phòng thủ bờ biển.
Căn cứ vào tình hình thực tế của đất nước ta và tham khảo kinh nghiệm của các nước bạn, bộ phận nghiên cứu đã từng bước xây dựng hoàn cỉhnh đề án về xây dựng bộ đội phòng thủ bờ biển; dự thảo tổ chức biên chế cơ quan, trường, xưởng và các đơn vị phòng thủ bờ biển; chọn lựa, điều động các cán bộ có khả năng nghiệp vụ về hàng hải, cơ điện; dự kiến tìm và thu hồi máy móc dụng cụ ở các tàu địch bị quân ta đánh chìm trong kháng chiến; lập kế hoạch đóng thuyền, ca nô, thuê thuyền, tuyển thêm công nhân để thành lập xưởng; cử người dịch và biên soạn tài liệu chuẩn bị cho việc mở trường huấn luyện bộ đội làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biền, hải đảo miền Bắc.
Trong hai ngày 13 - 14/ 4/1955, Tổng Quân ủy họp thông qua ba đề án xây dựng lực lượng phòng thủ bờ biển gồm: Đề án tổ chức biên chế cơ quan, trường huấn luyện thủy quân, xưởng đóng mới, sửa chữa ca nô và kế hoạch chọn lựa, điều động cán bộ, chiến sĩ từng là thủy quân Sông Lô, đang hoạt động trên các chiến trường sông biển của cả nước về xây dựng thủy quân. Đề án xây dựng lực lượng phòng thủ bờ biển gồm các đài, trạm quan sát, các khu tuần phòng và các trận địa pháo bờ biển. Đề án xây dựng lực lượng tàu thuyền hoạt động ở ven biển gồm: tập trung phương tiện thủy của các đơn vị, địa phương; tìm và trục vớt các tàu địch bị ta đánh chìm để khôi phục sửa chữa, chuẩn bị đóng mới một số ca nô vỏ gỗ gắn máy.
Trước mắt, hội nghị Tổng Quân ủy quyết định một số vấn đề cấp thiết về xây dựng, thực hiện từ tháng 5 đến tháng 9/1955 là xây dựng một lực lượng gọi là bộ đội phòng thủ bờ biển, có nhiệm vụ quan sát, theo dõi thuyền bè, tàu thủy, phi cơ… đi lại trên biển, trên không; kiểm soát, chỉ dẫn luồng lạch cho tàu thuyền qua lại, tiêu diệt những toán địch nhỏ lẻ (thổ phỉ, biệt kích), nếu địch mạnh thì tiêu hao, làm chậm bước tiến của chúng hoặc bao vây chờ viện binh đến tiêu diệt.
Căn cứ vào nhiệm vụ, đặc điểm bờ biển, vị trí vai trò quan trọng của từng đoạn và khả năng phương tiện đảm bảo của ta, Tổng Quân ủy chủ trương thành lập những đơn vị hỗn hợp: bộ đội cảnh vệ, bộ đội phòng thủ, gồm có bộ binh, thủy đội, pháo binh, đài quan sát. Những đơn vị này đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của các liên khu. Ngoài lực lượng phòng thủ cơ sở, sẽ tổ chức Cục Phòng thủ bờ bể, cơ quan giúp Bộ chỉ đạo các đơn vị và trực tiếp đào tạo cán bộ, thủy thủ và sản xuất, mua sắm phương tiện hoạt động trên biển. Số lượng phương tiện và lực lượng hoạt động cần thiết do Cục trực tiếp quản lý, gồm 20 ca nô, 36 thuyền buồm và 6 tiểu đoàn thực binh… Trên cơ sở đó, sau này đang từng bước xây dựng phát triển lực lượng hải quân mạnh, làm nòng cốt đảm nhận nhiệm vụ hoạt động trong phạm vi rộng lớn hơn, bảo vệ vững chắc bờ biển, vùng biển và hải đảo của Tổ quốc.
Đề án xây dựng lực lượng phòng thủ bờ biển được Tổng Quân ủy thông qua là cơ sở quan trọng trong xác định phương hướng để tiến hành các hoạt động, tiến tới sự ra đời một lực lượng mới, một quân chủng chiến đấu bằng lực lượng binh chủng hợp thành và phương tiện kỹ thuật hiện đại, lực lượng nòng cốt của chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thực hiện nghị quyết của Tổng Quân ủy về xây dựng lực lượng phòng thủ bờ biển, ngày 07/5/1955, Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh ra Nghị định số 284/NĐ-A thành lập Cục Phòng thủ bờ bể trực thuộc Bộ. Nhiệm vụ của Cục là giúp Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo bộ đội phòng thủ bờ biển; đào tạo cán bộ, nhân viên, thủy thủ; sản xuất các dụng cụ, phương tiện về thủy quân; xây dựng các thủy đội phòng thủ bờ biển rồi chuyển giao cho các liên khu (sau này là quân khu). Đồng chí Nguyễn Bá Phát được cử làm phụ trách Cục Phòng thủ bờ biển.
Về xây dựng lực lượng, chuẩn bị cơ sở sản xuất dụng cụ và phương tiện về thủy quân, trước đó, ngày 26/4/1955, Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh đã ra Quyết định số 1125/QP-TTL thành lập Trường Huấn luyện bờ biển mang phiên hiệu C45 và Xưởng sửa chữa tàu (phiên hiệu C46) trực thuộc Cục Phòng thủ bờ bể. Nhiệm vụ của Trường Huấn luyện bờ biển là huấn luyện, đào tạo cán bộ thủy binh cho các thủy đội và đài quan sát; cùng Bộ nghiên cứu về kế hoạch huấn luyện và hoạt động của hải quân. Xưởng 46 có nhiệm vụ đóng ca nô, sửa chữa tàu, thuyền cho các đơn vị hoạt động trên sông biển. Việc ra đời Cục Phòng thủ bờ biển, cùng hai đơn vị trực thuộc là Trường Huấn luyện bờ biển và Xưởng 46, đã mở đầu thời kỳ xây dựng và phát triển các thành phần cơ bản và nòng cốt đầu tiên của lực lượng hải quân ta.
Hải quân nhân dân Việt Nam - “Chiến đấu anh dũng; mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển; quyết chiến, quyết thắng”
Trải qua 57 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đã xây đắp lên truyền thống “Chiến đấu anh dũng; mưu trí sáng tạo; làm chủ vùng biển; quyết chiến, quyết thắng”.
Lễ Chào cờ trước khi lên đường làm nhiệm vụ (Ảnh: QĐND)
Chiến đấu anh dũng
Đó là truyền thống tiêu biểu cho chức năng của Hải quân nhân dân, là chiến đấu trên mặt trận vũ trang vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì CNXH, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, là nét nổi bật phẩm chất cao quý, ý chí, khí phách của bộ đội Hải quân trong chiến đấu, hoạt động và sản xuất.
Nội dung truyền thống đó thể hiện trong Hải quân là tinh thần khắc phục vượt qua mọi khó khăn gian khổ, ác liệt; tinh thần chiến đấu gan dạ, dũng cảm, kiên cường, bền bỉ, dẻo dai, tích cực, chủ động, liên tục tiêu diệt địch, là tinh thần dám đánh, quyết đánh và quyết thắng, không sợ hy sinh, sẵn sàng xả thân chiến đấu hy sinh, giành thắng lợi, cùng toàn dân, toàn quân đánh bại bất cứ kẻ thù nào, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trước những âm mưu thủ đoạn xảo quyệt của kẻ thù, kiên định vững vàng, đề cao cảnh giác, bình tĩnh trong xử lý, quyết đoán táo bạo, kiên quyết kịp thời đánh trả kẻ thù giành thắng lợi.
Mưu trí sáng tạo
Đây là truyền thống tiêu biểu cho trí tuệ, thái độ, phong cách của cán bộ, chiến sĩ Hải quân trong thực tiễn xây dựng và chiến đấu.
Đó là biểu hiện tính cách mạng khoa học trong đấu tranh chống những kẻ thù xâm lược lớn mạnh; chống lại thiên nhiên ác liệt; sự kết hợp giữa ý chí quật cường và sự khôn ngoan đối phó thắng lợi trước mọi thử thách và tình huống phức tạp, sự thông minh sáng tạo trong việc phát huy mọi lực lượng, phương tiện vũ khí có trong tay, lợi dụng các quy luật, điều kiện, đặc điểm địa hình, thời tiết, sáng tạo ra cách đánh, có hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện chiến đấu chiến trường của ta, nắm vững các quy luật, chủ trương đối sách, sáng tạo, mưu trí, linh hoạt, kiên quyết trong xử lý các tình huống trên biển, biến khả năng có hạn thành sức mạnh to lớn để chiến thắng.
Trong lao động sản xuất, đó là tinh thần dám nghĩ, dám làm, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, làm chủ vũ khí trang bị, nhất là vũ khí trang bị kỹ thuật tàu thuyền hiện đại, nhằm tạo ra năng suất chất lượng và hiệu quả cao, khắc phục khó khăn, giải quyết thành công những vấn đề vượt xa trình độ, khả năng, điều kiện của đơn vị.
Trong chiến đấu, khi đương đầu với địch, mưu trí, linh hoạt, biết lợi dụng sơ hở, mâu thuẫn, khoét sâu các mặt yếu của chúng, chủ động tiến công, tạo ra các nhân tố, bất ngờ giành thắng lợi.
Làm chủ vùng biển
Là biểu hiện của tinh thần yêu nước XHCN, yêu biển, đảo, ý chí bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, làm chủ vùng biển, đảo, thềm lục địa một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc.
Nội dung của truyền thống bảo vệ vùng biển là lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, với Nhà nước XHCN, với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vùng biển, là lòng yêu biển, yêu đảo, yêu mến gắn bó với Quân chủng, với ngành nghề, với đơn vị, là biểu hiện ở tinh thần đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ nhiệm vụ gì, sẵn sàng chiến đấu hy sinh xả thân vì độc lập tự do, vì CNXH, bảo vệ vững chắc vùng biển, hải đảo, thềm lục địa, bảo vệ tài nguyên, an ninh chính trị trên biển, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hải quân nhân dân đã anh dũng chiến đấu trên chiến trường sông biển thể hiện ý chí làm chủ, giành quyền làm chủ vùng biển của Tổ quốc. Ngày nay, Hải quân nhân dân vẫn bám tàu, bám biển, trụ vững nơi đảo xa, đó cũng là thể hiện ý chí làm chủ vùng biển.
Làm chủ vùng biển còn thể hiện ở lòng say mê học tập nâng cao trình độ, nắm vững và sử dụng, bảo quản các phương tiện trang bị kỹ thuật có trong tay phù hợp với cách đánh của chiến trường để đánh thắng địch, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đó là ý thức tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn trong xây dựng chiến đấu, sản xuất, phát huy mọi tiềm năng tài nguyên của đất nước và tính năng động của các cấp, các ngành để xây dựng bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo và thềm lục địa của Tổ quốc.
Quyết chiến, quyết thắng
Truyền thống quyết chiến quyết thắng là kết quả của sự giác ngộ về mục tiêu chiến đấu của quân đội, là sự kế tục truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất của dân tộc, tinh thần triệt để cách mạng và tư tưởng cách mạng tiến công của giai cấp công nhân.
Biểu hiện trước hết là quyết tâm chiến đấu rất cao, hoàn thành mọi nhiệm vụ vượt qua mọi khó khăn, đánh thắng mọi kẻ thù trong bất cứ tình huống nào. Trong phòng ngự, kiên cường, dũng cảm giữ vững trận địa, giữ vững đảo. Trong tiến công, dũng mãnh, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông, lấy lực lượng nhỏ tiêu diệt mục tiêu lớn, trước những thử thách, ác liệt, nguy hiểm không dao động lùi bước, giữ vững quyết tâm, đoàn kết chiến đấu. Trong tình hình hiện nay tinh thần quyết chiến, quyết thắng thể hiện ở quyết tâm, kiên quyết, kiên trì, ở phương pháp mềm dẻo, uyển chuyển, đúng đối sách để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Truyền thống quyết chiến, quyết thắng còn biểu hiện ở tinh thần say sưa nghiên cứu, sáng tạo trong học tập, trong rèn luyện, không ngừng nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, khoa học quân sự, năng lực tổ chức chỉ huy, quản lý bộ đội, cơ sở vật chất kỹ thuật, đi sâu tìm tòi không chịu bó tay trước mọi khó khăn, trở ngại vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật quân sự nói chung và kỹ thuật quân sự Hải quân nói riêng.