Web Content Viewer
ActionsTiếp tục phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới
(Bqp.vn) - Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là cầu nối giữa việc ban hành pháp luật và đưa pháp luật vào cuộc sống, là khâu đầu tiên của hoạt động thực thi pháp luật, giúp cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân xác định đúng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của pháp luật để chấp hành đúng. Muốn làm được điều đó, công tác tuyên truyền, PBGDPL càng phải được quan tâm hơn nữa, vì có hiểu biết pháp luật thì mới có ý thức đúng đắn về pháp luật và chấp hành nghiêm pháp luật.
Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027” và tập huấn báo cáo viên pháp luật trong Quân đội năm 2022 do Bộ Quốc phòng tổ chức sáng 5/8/2022 - ảnh: Nguyên Hải
Quân đội nhân dân Việt Nam (sau đây viết gọn là Quân đội) có chức năng, nhiệm vụ SSCĐ, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; thực hiện công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lao động sản xuất, kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội, tham gia phòng thủ dân sự, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Quân đội có 3 chức năng chủ yếu là “Đội quân chiến đấu”, “Đội quân công tác”, “Đội quân lao động sản xuất” và được thể hiện rất rõ trong tư tưởng Hồ Chí Minh, các văn kiện, tài liệu của Đảng, trong Hiến pháp 2013 và trong hệ thống pháp luật. Quân đội ta là một tổ chức quân sự của Nhân dân, từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu và đã chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Quân đội ta có mối quan hệ mật thiết với Nhân dân. Mối quan hệ đó được ví “Quân với Dân như cá với nước”. Mối quan hệ mật thiết với Nhân dân là truyền thống cực kỳ quý báu, là nền tảng, cội nguồn sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn, nhắc nhở, Nhân dân là nền tảng, là gốc rễ của Quân đội, cán bộ, chiến sĩ Quân đội phải thường xuyên giữ mối quan hệ Quân - Dân, Quân đội muốn vững mạnh thì phải biết dựa vào cái gốc, cái nền tảng ấy. Người cũng từng chỉ rõ: “Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Người còn căn dặn cán bộ, chiến sĩ Quân đội: “Dân như nước, quân như cá. Phải làm sao cho dân hết sức giúp đỡ mình thì mới đánh thắng giặc”,... “Quân đội phải hiếu với dân”.
Các đơn vị Quân đội đóng quân rộng khắp trên các địa bàn của cả nước, trong đó, có các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển và một số lực lượng khác đóng quân và làm nhiệm vụ trực tiếp trên các địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong hoạt động, công tác luôn gắn bó mật thiết với Nhân dân, được Nhân dân tin yêu. Các đơn vị Quân đội được trang bị cơ sở vật chất, phương tiện để thực hiện các nhiệm vụ; đội ngũ cán bộ được đào tạo chính quy qua các trường trong và ngoài Quân đội, có phẩm chất đạo đức và năng lực công tác tốt cùng với bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội và phẩm chất của “Bộ đội Cụ Hồ”. Đây là điều kiện thuận lợi, tiên quyết để Quân đội tham gia PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở.
Thực tế, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, điều hành của Chính phủ, Quân đội luôn là lực lượng tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong chấp hành pháp luật nhà nước; tích cực tham gia tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Vai trò của Quân đội đã được thể hiện rõ nét trong công tác tuyên truyền, PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Trong 10 năm qua, đã có 13 đề án về PBGDPL được lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện trong Quân đội đạt hiệu quả, nhiều đề án đạt hiệu quả cao, như: Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo”; Đề án “Tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; pháp luật Việt Nam về chống tra tấn trong Quân đội, giai đoạn 2017 - 2021”; Đề án “Tuyên truyền PBGDPL về phòng, chống tham nhũng cho các tầng lớp nhân dân và công chức, viên chức giai đoạn 2018 - 2021”; Đề án “Tuyên truyền, PBGDPL về dân quân tự vệ”; Đề án “Tăng cường công tác PBGDPL nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2010 - 2015” đến năm 2020; Đề án “Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023”; Đề án “Tuyên truyền phổ biến Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết giai đoạn 2021 - 2025; Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027”… Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo tổ chức trên 900 lượt đơn vị làm điểm về PBGDPL bằng hình thức sân khấu hóa trong Ngày Pháp luật để rút kinh nghiệm và chỉ đạo nhân rộng trong toàn quân; trên 600 buổi hội thảo, tọa đàm về Luật Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ, Luật Lực lượng Dự bị động viên, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Biên phòng Việt Nam và các nghị định, thông tư liên quan đến quân sự, quốc phòng; biên tập, phát hành 178.859 bộ (04 đĩa) các tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật; 400.000 cuốn tài liệu PBGDPL; 40.000 cuốn sách “Văn bản PBGDPL và nghiệp vụ PBGDPL”; 85.500 cuốn tài liệu “Kỹ năng PBGDPL cho Nhân dân”; 770.000 tờ gấp pháp luật; 220 đầu sách pháp luật cấp cho các cơ quan, đơn vị; tập huấn cho hơn 10.000 lượt báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; phát hành 170 bản tin pháp luật; tổ chức 13 lần “Ngày hội Thanh niên Quân đội với văn hóa giao thông”, 28 buổi cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên diễu hành nâng cao ý thức tham gia giao thông và phòng, chống các tệ nạn xã hội…
Ngoài ra, hằng năm, các cơ quan, đơn vị trong Quân đội tổ chức học tập từ 6 - 12 chuyên đề về pháp luật bắt buộc cho các đối tượng; tổ chức tuyên truyền, quán triệt thường xuyên các nghị định, thông tư, chỉ thị của cấp trên và quy định của đơn vị; tổ chức hội nghị đối thoại dân chủ về thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, quy định của đơn vị (1 tháng 1 lần). Bên cạnh những nội dung tổ chức PBGDPL theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã chú trọng thực hiện đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả, đa dạng hóa hình thức PBGDPL phù hợp với tình hình đơn vị, đặc điểm tâm lý cán bộ, chiến sĩ, như: Kết hợp với sinh hoạt tư tưởng, học tập chính trị, quân sự; ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động PBGDPL (tuyên truyền, phổ biến qua mạng Internet, mạng Misten trong Quân đội, cổng thông tin điện tử, giới thiệu bằng trình chiếu kết hợp hình ảnh, phim tư liệu); sân khấu hóa, lồng ghép với biểu diễn văn hóa văn nghệ; mô hình “Câu lạc bộ pháp luật”, “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân” được triển khai ở nhiều đơn vị; phong trào “Mỗi tuần một điều luật”, “Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật” đã phát huy tác dụng thiết thực ở nhiều đơn vị trong toàn quân. Tủ sách pháp luật được thành lập ở cấp tiểu đoàn, đại đội độc lập và tương đương trở lên, phát huy tốt hiệu quả, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác PBGDPL. Các cơ quan báo chí trong Quân đội làm tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL. Tạp chí Quốc phòng toàn dân, Báo Quân đội nhân dân, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội, Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng, Cổng Thông tin điện tử Ngành Pháp chế Bộ Quốc phòng, Bản tin Pháp luật của Hội đồng Phối hợp PBGDPL Bộ Quốc phòng, các báo, tạp chí, tờ tin, cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của các học viện, nhà trường, quân khu, quân chủng, binh chủng, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển Việt Nam... duy trì thường xuyên chuyên mục, chuyên trang, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật và kịp thời phản ánh hoạt động PBGDPL.
Toàn quân đã gắn công tác PBGDPL với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các cuộc vận động, các phong trào, như: Cuộc vận động quản lý, khai thác vũ khí, trang bị tốt, bền, an toàn tiết kiệm và an toàn giao thông, Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc...; lồng ghép vào các buổi sinh hoạt bộ đội, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, qua đó có tác dụng tích cực đến ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Đã phát huy tốt vai trò của các tổ chức quần chúng như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Công đoàn, Hội đồng quân nhân trong công tác tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ đạt hiệu quả thiết thực, nhất là thực hiện Ngày Pháp luật nước Cộng hoà XHCN Việt Nam. Tổ chức hàng ngàn cuộc thi, diễn đàn, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về pháp luật; tổ chức thi báo cáo viên pháp luật giỏi ở các cấp; tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động; diễu hành, cấp phát tờ rơi; củng cố, tăng cường hệ thống pa-nô, khẩu hiệu; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh nội bộ, phổ biến trực tiếp, phổ biến trên trang/cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị.
Đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, nổi bật là mô hình “Ngày Pháp luật” trong Quân đội tiếp tục được tổ chức thực hiện định kỳ mỗi tháng một lần, bằng các hình thức đa dạng, phong phú. Nội dung “Ngày Pháp luật” tập trung tuyên truyền khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và điều lệnh, điều lệ, quy định của Bộ Quốc phòng trong quản lý nhà nước, đời sống xã hội và xây dựng Quân đội; giáo dục quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng, người lao động hợp đồng trong Quân đội và Nhân dân ý thức tôn trọng, chấp hành và bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; tuyên truyền, phổ biến các quy định trong Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, quy định của Bộ Quốc phòng và cơ quan, đơn vị thiết thực với đời sống của quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng, người lao động hợp đồng trong Quân đội và Nhân dân, gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Đặc biệt, trong 2 tháng, bắt đầu từ 01/10 đến 30/11 hằng năm, cơ quan chức năng chỉ đạo đơn vị cơ sở tăng cường tổ chức các hoạt động trọng tâm bằng các hình thức sinh động như: Hội thảo, tọa đàm, đối thoại, thi tìm hiểu pháp luật, sân khấu hóa; diễu hành tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động; triển lãm sách báo, nói chuyện chuyên đề pháp luật; học tập pháp luật thông qua việc nghiên cứu tài liệu, sách pháp luật; tiến hành các hoạt động tư vấn, trợ giúp, hỗ trợ pháp lý; hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật. Cũng trong dịp này, các cơ quan báo chí trong toàn quân mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, tăng cường các hình thức bình luận, đối thoại chính sách pháp luật, kỷ luật gắn với những vấn đề cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quan tâm, tiêu biểu là Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam có chuyên mục “Thư viện Quốc phòng”, Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng có “Trang Pháp luật quân sự, quốc phòng”, Báo Quân đội nhân dân có chuyên mục “Hỏi đáp pháp luật”, “Ý kiến chiến sĩ”; Chương trình phát thanh Quân đội hàng tuần có chuyên mục “Nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội”; Cổng Thông tin điện tử Ngành Pháp chế quân đội có mục PBGDPL; các báo Quân khu, Quân chủng, Bộ đội Biên phòng... định kỳ có chuyên mục PBGDPL.
Mô hình “Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật, mỗi tuần một điều luật”, là hình thức tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao kiến thức về pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội, được xem như cách tuyên truyền “mưa dầm thấm sâu”, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, kỷ luật của đơn vị, tình hình chấp hành kỷ luật của bộ đội. Mô hình này được triển khai thực hiện ở cấp cơ sở, các tổ chức Đoàn thanh niên.
Mô hình “Tổ tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý quân nhân”. Theo đó, mỗi đơn vị cấp trung đoàn lựa chọn những đồng chí cán bộ am hiểu về pháp luật, có kiến thức tổng hợp về tình yêu, hôn nhân, cuộc sống gia đình và kiến thức xã hội, có phương pháp, kỹ năng nói, kỹ năng thuyết phục, thuyết trình trước mọi người để thành lập tổ tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý cho quân nhân. Đến nay, toàn quân có hơn 4.500 tổ tư vấn tâm lý, pháp lý cho quân nhân, đã tư vấn, giúp đỡ được hơn 10.000 cán bộ, chiến sĩ. Các tổ tư vấn pháp luật đã được triển khai và hoạt động có hiệu quả, nhất là ở các đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, những đơn vị đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
Mô hình “Tuổi trẻ với pháp luật” là mô hình được triển khai rộng rãi ở nhiều đơn vị trong toàn quân. Hình thức sinh hoạt nhẹ nhàng, sinh động, phù hợp với tâm lý thanh niên, với mục tiêu là thu hút, tập hợp đông đảo thanh niên và thông qua các hình thức sinh hoạt của thanh niên, đưa nội dung giáo dục về pháp luật, tác hại của các hành vi phạm tội, nguyên nhân, cách phòng ngừa và cảm hóa, giáo dục đối tượng vi phạm kỷ luật Quân đội, quy định của đơn vị. Hiện toàn quân có hơn 5.000 tổ chức Đoàn các cấp thực hiện thường xuyên và có hiệu quả.
Từ những kết quả đạt được cho thấy, công tác PBGDPL trong Quân đội những năm qua đã được quán triệt, triển khai toàn diện, đồng bộ ở các cấp, nội dung phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc thù của các cơ quan, đơn vị; hình thức đa dạng, phong phú, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả; xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai và huy động được các cấp, các ngành, các tổ chức quần chúng và cán bộ, chiến sĩ tham gia vào công tác PBGDPL. Nền nếp, chế độ công tác PBGDPL được thực hiện khoa học, thống nhất từ Bộ Quốc phòng đến đơn vị cơ sở. Đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ PBGDPL, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, giáo viên giảng dạy pháp luật, đội ngũ phóng viên, biên tập viên pháp luật không ngừng được củng cố, tăng cường về số lượng, nâng cao về chất lượng hoạt động đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ công tác PBGDPL. Các nguồn lực bảo đảm cho công tác PBGDPL, đặc biệt là việc thực hiện xã hội hóa được thực hiện ngày càng tốt hơn. Kết quả của công tác PBGDPL trong Quân đội đã góp phần ổn định tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ, ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội không ngừng được nâng cao. Tình hình chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội đã có chuyển biến, tiến bộ căn bản; số vụ việc, số người vi phạm năm sau giảm hơn năm trước, góp phần từng bước nâng cao sức mạnh của Quân đội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thời gian tới, trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước; việc phát huy vai trò lực lượng Quân đội triển khai thực hiện có hiệu quả Luật PBGDPL trong thời gian tới là rất cần thiết. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nội dung, giải pháp, trong đó tập trung vào những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PBGDPL, xác định công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các tổ chức và mọi cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; trong đó, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên chịu trách nhiệm chính về kết quả công tác PBGDPL của cơ quan, đơn vị mình; lấy kết quả, tình hình chấp hành pháp luật, kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn đóng quân làm thước đo đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL ở cơ quan, đơn vị.
Hai là, tiếp tục quán triệt, nắm chắc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, quy định của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác PBGDPL; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027” và các kế hoạch, chương trình, đề án, chỉ thị, hướng dẫn về PBGDPL. Nâng cao chất lượng, hiệu quả, đổi mới về nội dung và hình thức PBGDPL làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ. Thực hiện tốt chủ trương Quân đội là lực lượng tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong chấp hành pháp luật Nhà nước, chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Ba là, Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp chủ động, bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, phát huy vai trò và thực hiện đầy đủ, có chất lượng các nhiệm vụ, quyền hạn được giao; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức và từng thành viên của Hội đồng trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ phối hợp PBGDPL.
Bốn là, phát huy tốt vai trò nòng cốt của cơ quan chính trị, tư pháp, pháp luật và các cơ quan báo chí trong tổ chức tuyên truyền, PBGDPL. Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, đa dạng hóa hình thức, phương pháp, áp dụng các hình thức PBGDPL đã phát huy hiệu quả cao, kết hợp với các hình thức mới phù hợp với đặc điểm tình hình, nhiệm vụ được giao, tăng cường các hình thức “Sân khấu hóa”, xây dựng video, clip, phóng sự,... để tuyên truyền, PBGDPL; phát huy tốt vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tuyên truyền, PBGDPL, tìm hiểu pháp luật và chấp hành pháp luật; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và phương pháp, kỹ năng tuyên truyền, PBGDPL cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, nhất là cấp cơ sở.
Năm là, đẩy mạnh xã hội hóa và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL tạo sự chuyển biên cơ bản, nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL; tạo ý thức, thói quen tìm hiểu và chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ.
Sáu là, bám sát kế hoạch công tác đã đề ra để triển khai bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng, hiệu quả cao các nhiệm vụ PBGDPL; chú ý lồng ghép thực hiện PBGDPL với thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động; gắn công tác PBGDPL với rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy và môi trường văn hóa; gắn công tác PBGDPL với tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí trong giờ nghỉ, ngày nghỉ để quản lý bộ đội.
Bảy là, quan tâm đầu tư kinh phí, bổ sung phương tiện, vật chất cho công tác PBGDPL từ nguồn ngân sách Nhà nước và tích cực huy động bằng các nguồn hợp pháp khác để nâng cao chất lượng hoạt động PBGDPL.
Tám là, tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện những khâu yếu, mặt yếu, khó khăn, bất cập để tập trung chỉ đạo khắc phục kịp thời; biểu dương, khen thưởng, xử lý nghiêm minh đúng người, đúng việc, nhân rộng điển hình tiên tiến trong thực hiện công tác PBGDPL; thực hiện đúng chế độ báo cáo bảo đảm trung thực, khách quan, không giấu giếm hạn chế, khuyết điểm, vi phạm.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào - Biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết Việt Nam - Lào
- Tuyển sinh bổ sung năm 2024 vào 3 trường Sĩ quan: Thông tin, Tăng thiết giáp, Phòng hóa
- Tạo sức lan tỏa rộng rãi về sự gắn bó keo sơn giữa quân và dân hai nước Việt Nam - Lào
- Tuyển sinh bổ sung vào các trường Quân đội năm 2024
- Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa