Web Content Viewer
ActionsThủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến
(Bqp.vn) - Sáng 31/8, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) tổ chức Hội nghị chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công (DVC) trực tuyến. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết nối điểm cầu trung tâm tại thành phố Đà Nẵng với các điểm cầu Bộ, ngành, địa phương trong toàn quốc. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về CĐS chủ trì hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về CĐS; lãnh đạo các Bộ, ngành, thành viên Ủy ban quốc gia về CĐS.
Thượng tướng Võ Minh Lương dự hội nghị tại điểm cầu Bộ Quốc phòng.
Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và đại biểu lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng dự hội nghị tại điểm cầu Bộ Quốc phòng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi, chia sẻ những cách làm hay, những yêu cầu thực tiễn, vướng mắc, khó khăn trong công tác cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, giải pháp hàng đầu là phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ có liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp trên môi trường điện tử; kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ cơ sở dữ liệu; khẩn trương công bố các nhóm thủ tục hành chính liên thông để có cơ sở triển khai thực hiện...
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bộ Quốc phòng.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đã trải qua 2 giai đoạn phát triển về dịch vụ công trực tuyến tính từ năm 2011 đến nay. Trong đó, giai đoạn 1 là giai đoạn khởi động khi số lượng dịch vụ công trực tuyến mức cao được triển khai rất ít trên phạm vi cả nước; giai đoạn 2 là giai đoạn phát triển theo chiều rộng, khi có bước phát triển đột phá về số lượng dịch vụ công trực tuyến. Trong giai đoạn 2, mặc dù đã mang lại nhiều kết quả nhưng không đồng đều giữa các Bộ, ngành, địa phương. Một số địa phương đạt tỷ lệ rất cao lên tới 69%; nhưng vẫn còn nhiều địa phương chỉ đạt tỷ lệ dưới 5%; trung bình khối các địa phương mới chỉ đạt 17,9%; khối các Bộ, ngành Trung ương đạt 63%.
Quang cảnh hội nghị tại các điểm cầu - ảnh chụp qua màn hình.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, bước vào giai đoạn 3 - giai đoạn phát triển theo chiều sâu, cần tập trung vào phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình tới mọi người dân, doanh nghiệp. Mục tiêu đặt ra là tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 70%. Cụ thể, năm 2024, với các Bộ, ngành thì tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 70%; đối với các địa phương, đạt tối thiểu 30%. Năm 2025, đối với các bộ, ngành, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 85%; đối với các địa phương, đạt tối thiểu 70%. Để đạt mục tiêu này, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng bộ khung triển khai DVC trực tuyến nhằm hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện theo 4 nội dung chính gồm: Tối ưu hóa quy trình cung cấp DVC trực tuyến; Phát triển công cụ, nền tảng, ứng dụng số cung cấp DVC trực tuyến; Phát triển nguồn nhân lực số và các yếu tố đáp ứng yêu cầu trong triển khai DVC trực tuyến. Trong đó chú trọng việc tái cấu trúc quy trình, thành phần hồ sơ trong thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; phát triển hạ tầng số; xây dựng kho dữ liệu số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; thực hiện đo lường, giám sát trực tuyến.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai DVC trực tuyến; đồng thời khẳng định vai trò của DVC trực tuyến trong lộ trình CĐS quốc gia. Nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các Bộ, ngành, địa phương triển khai ngay kế hoạch phát triển DVC trực tuyến theo chiều sâu với nhiệm vụ phổ cập DVC trực tuyến theo hướng toàn trình ngay trong năm 2024 và đến năm 2025. Trên cơ sở đó tiếp tục thực hiện rà soát và lựa chọn các thủ tục hành chính đủ điều kiện đảm bảo cung cấp DVC trực tuyến toàn trình và một phần theo đúng quy định. Khẩn trương rà soát lại các thủ tục hành chính, DVC trực tuyến, ưu tiên nhóm dịch vụ công thiết yếu, có nhiều người sử dụng để thực hiện đơn giản hóa, tái cấu trúc lại quy trình thực hiện; đẩy mạnh triển khai việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng, góp phần tăng tỷ lệ người dân sử dụng DVC trực tuyến. Đồng thời thực hiện tốt bộ Khung DVC trực tuyến mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng cũng như nghiên cứu áp dụng 6 bài học kinh nghiệm mà Bộ đã tổng kết đúc rút. Quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thời gian tới để thúc đẩy CĐS, nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng DVC trực tuyến, góp phần thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Lấy ý kiến dự thảo Quyết định sửa đổi Quyết định 15/2019/QĐ-TTg về thủ tục biên phòng điện tử tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý
- Hội nghị rút kinh nghiệm công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số cơ quan Tổng cục Chính trị
- Công bố Danh mục thủ tục hành chính đủ điều kiện toàn trình trên môi trường điện tử thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng
- Bộ Quốc phòng - Điểm sáng trong triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến
- Thượng tướng Lê Huy Vịnh kiểm tra công tác chuyển đổi số và đào tạo công nghệ thông tin tại Học viện Phòng không - Không quân