Web Content Viewer
ActionsHội nghị Ban Soạn thảo Luật Phòng không nhân dân
(Bqp.vn) - Sáng 13/6, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị Ban Soạn thảo Luật Phòng không nhân dân (Ban Soạn thảo). Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Soạn thảo chủ trì hội nghị.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương chủ trì hội nghị.
Các đại biểu dự hội nghị.
Dự hội nghị có Thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Soạn thảo; Trung tướng Nguyễn Văn Hiền, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Phó Trưởng Ban Soạn thảo; đại biểu Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và đại biểu một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả triển khai công tác nghiên cứu, soạn thảo Luật Phòng không nhân dân (PKND); thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo quy chế, kế hoạch soạn thảo, kế hoạch khảo sát và dự thảo Đề cương sơ bộ Luật PKND; công bố quyết định thành lập Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập; đồng thời phân công phụ trách các nội dung nghiên cứu soạn thảo luật bảo đảm chặt chẽ, khoa học, toàn diện, đúng lộ trình, thời gian quy định.
Tại hội nghị, Cơ quan Thường trực Ban Soạn thảo đã báo cáo kết quả triển khai xây dựng hồ sơ dự án Luật PKND. Theo đó, trên cơ sở Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật PKND đã được Quốc hội thông qua (ngày 02/6/2023), Quân chủng Phòng không - Không quân - Cơ quan Thường trực Ban Soạn thảo đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành bổ sung, chỉnh sửa và xây dựng dự thảo Đề cương sơ bộ Luật PKND. Dự thảo Đề cương sơ bộ Luật PKND được xây dựng với những nội dung tập trung thể chế 05 chính sách (đã được đánh giá tác động và được Chính phủ, Quốc hội nhất trí thông qua), gồm: Xây dựng lực lượng PKND; Huy động, hoạt động lực lượng PKND; Quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ; Quy định các biện pháp bảo đảm an toàn phòng không; Nguồn lực, chính sách bảo đảm đối với công tác PKND. Đề cương sơ bộ Luật PKND gồm 08 chương, 46 điều (tăng 4 điều so với Đề cương chi tiết được Chính phủ, Quốc hội thông qua trong Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật PKND).
Tại hội nghị, các đại biểu đã cho ý kiến về sự cần thiết ban hành luật; mục đích, quan điểm xây dựng luật; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của luật; tổ chức, xây dựng, huy động lực lượng PKND; huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng, diễn tập PKND; quản lý nhà nước đối với PKND; chế độ, chính sách đối với lực lượng PKND; đồng thời phân tích, đề xuất, làm sâu sắc thêm một số nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung…
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh, việc xây dựng Luật PKND phải quán triệt đúng chủ trương, quan điểm của Đảng, Hiến pháp, pháp luật Nhà nước, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật; đồng thời hướng tới mục tiêu phát huy sức mạnh tổng hợp từ Trung ương đến địa phương và toàn dân trong quản lý, bảo vệ vùng trời của Tổ quốc, xây dựng thế trận PKND rộng khắp, toàn dân, toàn diện, không để bị động, bất ngờ, làm chủ trong mọi tình huống, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Biểu dương Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, Tổ Nghiên cứu đã chủ động làm tốt công tác chuẩn bị, nghiên cứu soạn thảo các văn bản bảo đảm chặt chẽ, đúng tiến độ, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương yêu cầu Cơ quan Thường trực Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tại hội nghị để tiếp tục chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện đề cương dự thảo Luật và các văn bản liên quan.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Hội thảo Thông tư quy định và hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng về dân quân tự vệ
- Hội nghị về công tác xây dựng pháp luật quân sự, quốc phòng và tình hình thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
- Ban Chỉ đạo 1389 Bộ Quốc phòng kiểm tra một số đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- Ban Chỉ đạo 1389 Bộ Quốc phòng kiểm tra một số đơn vị trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- Vùng 2 Hải quân tuyên truyền biển, đảo cho cán bộ chủ chốt trên địa bàn tỉnh Bình Thuận