Web Content Viewer
ActionsXây dựng nền phòng hoá toàn dân - nhìn từ thảm hoạ chất độc da cam/điôxin do Mỹ gây ra trong chiến tranh xâm lược Việt Nam
(Bqp.vn) - Đã 50 năm kể từ ngày quân đội Mỹ bắt đầu phun rải chất độc diệt cây xuống miền Nam Việt Nam, nhưng đến nay hậu quả của chất độc hoá học, đặc biệt là chất độc điôxin gây ra còn hết sức nặng nề đối với người dân ở nhiều khu vực khác nhau. Nhìn từ thảm họa đó cho thấy, việc quán triệt quan điểm của Đảng để xây dựng nền phòng hoá toàn dân có ý nghĩa quan trọng, lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bộ đội Hoá học luyện tập tiêu tẩy độc cho môi trường.
Theo số liệu mà Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận thì trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Quân đội Mỹ đã sử dụng hàng chục nghìn tấn chất độc hoá học (CĐHH); trong đó, có hơn 9.000 tấn chất độc CS và phương tiện chứa CS, hơn 74 triệu lít chất độc diệt cây với nhiều loại khác nhau; đáng kể nhất là chất độc da cam chứa chất siêu độc điôxin. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học trên thế giới còn công bố các số liệu cao hơn thế. Số nạn nhân ở Việt Nam bị phơi nhiễm chất da cam/điôxin là khoảng 4,8 triệu người. Đây chắc chắn chưa phải là số cuối cùng, vì các “điểm nóng” tồn lưu chất độc điôxin vẫn còn nhiều và việc tiêu tẩy, làm sạch môi trường còn phải tiến hành trong nhiều năm. Khác với việc rà phá bom mìn, việc dò tìm chất độc điôxin vô cùng khó khăn, phức tạp; chưa có loại máy móc nào phát hiện ngay được điôxin tại hiện trường mà phải trên cơ sở phán đoán khu vực nghi vấn, lấy mẫu, đưa về các phòng thí nghiệm chuyên dụng với các máy phân tích có độ nhạy cao tới một phần nghìn tỷ gam mới có thể phân tích, kết luận được về nồng độ điôxin so với ngưỡng cho phép đối với môi trường. Theo tính toán, chỉ cần 80 gam chất này đủ để giết chết khoảng 8 triệu người (1); hơn nữa, đó là loại chất vô hình, khó nhận biết, truyền lan nhanh, phạm vi tác hại rộng và huỷ hoại cơ thể sống một cách âm thầm, lặng lẽ, dai dẳng và phát tác sau nhiều năm. Do đó, thực hiện các giải pháp tổng hợp để góp phần khắc phục hậu quả CĐHH, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của chất độc da cam/điôxin là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết hiện nay. Từ kinh nghiệm phòng hoá trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và công tác khắc phục hậu quả CĐHH trong nhiều năm qua, chúng tôi đề xuất một số giải pháp xây dựng nền phòng hoá toàn dân trong điều kiện mới của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như sau:
Một là, đẩy mạnh giáo dục, nâng cao kiến thức phòng hoá cho toàn dân.
Công tác giáo dục kiến thức phòng hoá phải được tiến hành thường xuyên bằng nhiều hình thức phù hợp; trong đó, chú trọng đưa kiến thức phòng hoá vào chương trình giáo dục quốc phòng - an ninh cho các đối tượng, trước hết là với đội ngũ cán bộ các cấp. Trong chương trình giáo dục, đào tạo đối với học sinh, sinh viên, ngoài chương trình chính khoá, cần lồng ghép nội dung phòng hoá trong các hoạt động ngoại khóa. Nội dung và phương pháp tuyên truyền đối với toàn dân phải phù hợp, sinh động, dễ hiểu để mọi người thấy rõ đặc điểm, tác hại, nguy cơ của CĐHH; từ đó, có ý thức phòng hoá cao, biết đề phòng, cảnh giác theo dõi, phát hiện mọi diễn biến bất thường của môi trường xung quanh (sự biến đổi về màu sắc, mùi vị của nguồn nước sinh hoạt, động vật chết, cây cối héo úa hàng loạt không rõ nguyên nhân...); biết xử lý những tình huống thông thường xảy ra trong cuộc sống hằng ngày (bị ngộ độc, gặp khí độc dưới giếng sâu, trong hang hầm, các khí cháy nổ độc hại...). Hệ thống các bảo tàng chứng tích chiến tranh phải liên kết, chia sẻ các tư liệu, hiện vật tố cáo tội ác về cuộc chiến tranh hoá học, nhằm nhắc nhở ý thức cảnh giác cho các thế hệ người dân trong và ngoài nước về thảm họa của chiến tranh hóa học.
Thực tiễn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho thấy, chất độc da cam/điôxin được sử dụng rất nhiều ở vùng rừng núi, nơi có các căn cứ hậu phương, tuyến đường vận tải chiến lược trên bộ, các khu sơ tán của cơ quan chỉ đạo kháng chiến của ta; không còn chỗ an toàn tuyệt đối, kể cả những nơi rừng núi hẻo lánh nhất... Vì vậy, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng hóa phổ thông phải thực hiện rộng khắp ở mọi vùng, miền, mọi địa phương trong cả nước. Trong một số trường hợp cụ thể (nơi đã bị nhiễm hoặc có nguy cơ cao), cùng với giáo dục nâng cao kiến thức, ý thức phòng hoá còn phải tổ chức huấn luyện để người dân biết cách thu thập tư liệu về CĐHH (lấy mẫu độc, thu thập vật chứng, quay phim, ghi hình...) để giúp lực lượng chuyên môn khắc phục hậu quả và phục vụ cho mặt trận đấu tranh ngoại giao, kịp thời vạch trần tội ác của những kẻ sử dụng CĐHH.
Hai là, huy động mọi lực lượng, mọi mặt trận tham gia ngăn chặn cuộc chiến tranh hóa học.
Với sự phát triển của khoa học - công nghệ, CĐHH dễ được che đậy ở các dạng có vẻ nhân đạo hơn; chúng không được chế tạo và cất chứa ở dạng vũ khí hoàn chỉnh có thể sử dụng được ngay, mà được bảo quản ở dạng các hợp phần riêng biệt, bảo đảm an toàn hơn, trốn tránh được sự giám sát. Do đó, mọi lực lượng, nhất là các nhà khoa học phải nhạy bén để “nhìn thấy” được những tiền chất có thể chế tạo ra chất độc nguy hiểm để vạch trần và cung cấp thông tin cho việc giám sát quốc tế. Mặt trận ngoại giao phải làm cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn bản chất cuộc chiến tranh hóa học tàn bạo mà nhân dân phải gánh chịu hậu quả.
Thực tế cho thấy, thông thường ban đầu CĐHH thường được sử dụng ở quy mô nhỏ, nhưng sẽ nhanh chóng được phát triển ở quy mô lớn hơn. Năm 1961, lúc đầu, việc “khai quang” cũng chỉ được Mỹ, ngụy tiến hành thử nghiệm ở phạm vi nhỏ, sau khi thấy hiệu quả cao của việc dùng chất diệt cây, có thể phát lộ những nơi ẩn náu của du kích quanh các căn cứ quân sự; có thể phá hoại mùa màng, triệt hạ nguồn lương thực tiếp tế cho Quân giải phóng, nên Mỹ đã quyết định đưa vào miền Nam Việt Nam một lượng lớn chất diệt cây để thực hiện chiến dịch khai quang với mật danh “Ranch Hand” kéo dài suốt 10 năm. Cùng với việc ngăn chặn từ xa, từ quy mô nhỏ, những năm tới, chúng ta cần tiếp tục đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/điôxin; tranh thủ sự ủng hộ của nhân loại tiến bộ, kể cả ở chính các quốc gia đã đưa quân đi xâm lược (đặc biệt là các cựu binh Mỹ và đồng minh đã từng tham chiến ở các chiến trường Việt Nam) để vạch trần những kẻ đã gây tội ác, buộc họ phải thừa nhận sự thật, có trách nhiệm giải quyết hậu quả; đồng thời, chúng ta cần tích cực vận động các quốc gia là thành viên của tổ chức Công ước Cấm vũ khí hóa học thực hiện tốt trách nhiệm đấu tranh, ngăn chặn thảm họa hoá học.
Ba là, chú trọng tổ chức phòng hoá trong quá trình xây dựng các khu vực phòng thủ (KVPT).
Trên cơ sở quan điểm kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh, trong các dự án trọng điểm trên địa bàn phải kết hợp các yếu tố bảo đảm an toàn, phòng chống các tác nhân độc hại cả trong thời bình và trong chiến tranh. Đối với các khu vực trọng điểm, nhạy cảm, đông dân, phải tổ chức đồng bộ các biện pháp phòng hoá, như đặt các đài, trạm quan sát hoá học chuyên môn và kiêm nhiệm, các khu vực dự kiến triển khai cấp cứu cho người, tiêu tẩy cho phương tiện, địa hình. Các công trình giao thông ngầm, hang, hầm, địa đạo sơ tán và ẩn nấp cho nhân dân phải thiết kế, lắp đặt hệ thống phòng hoá, như: thông hơi, lọc độc, nguồn dự trữ nước sạch, các công trình, thiết bị lọc, xử lý nguồn nước ô nhiễm... Lực lượng vũ trang và nhân dân trong KVPT phải được trang bị đủ khí tài phòng hoá chế sẵn hoặc ứng dụng, được huấn luyện đầy đủ kiến thức phòng thủ dân sự về phòng chống vũ khí huỷ diệt lớn, các thảm họa về hoá học, phóng xạ, sinh học theo chương trình quy định của Bộ Quốc phòng. Các cuộc diễn tập KVPT phải lồng ghép các tình huống hoá học, phóng xạ để các lực lượng và nhân dân tập xử trí.
Các cơ sở liên quan đến hoá chất, phóng xạ, hạt nhân trên địa bàn phải có phương án bảo đảm an toàn ngay từ khi thiết kế, thi công; phải xây dựng và luyện tập các phương án để khi có dấu hiệu chiến tranh, các cơ sở này có thể khẩn trương chuyển sang chế độ hoạt động thời chiến, không để xảy ra sự cố, thảm hoạ hoá học, hạt nhân trong KVPT khi bị địch tập kích hoả lực. Các doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, trung tâm y tế của các địa phương cần rà soát, xây dựng các phương án sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện, mặt bằng kho, trạm vào nhiệm vụ phòng hoá. Các cơ quan khoa học, cơ sở y tế phải bám sát thực tiễn, cập nhật thông tin liên quan, kịp thời nghiên cứu, kết luận về chất độc mà địch sử dụng, nhất là các chất mới; xác định cơ chế gây tác hại để sản xuất các loại thuốc tiêu độc, cấp cứu phục hồi sức khoẻ cho người, gia súc, phổ biến cách phòng chống cho bộ đội và nhân dân.
Trong các KVPT, cần nghiên cứu biện pháp “đề kháng” dài ngày trong môi trường nhiễm chất độc và bị bao vây, chia cắt; tích cực thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác hại của chất độc, như: quan sát, phát hiện, thông tin, thông báo, báo động kịp thời dấu hiệu và hành động địch sử dụng CĐHH, che chắn địa hình, sơ tán, ẩn nấp, phổ biến kinh nghiệm phòng, chống... Sau mỗi đợt tập kích, mỗi phi vụ phun rải chất độc của địch, cần khẩn trương thực hiện các biện pháp khoanh vùng ô nhiễm, tẩy độc sơ bộ, tạo những “vùng sạch” để tổ chức các hoạt động bám trụ chiến đấu và sản xuất lâu dài, thực hiện “làng giữ làng, xã giữ xã”; đồng thời, thực hiện các biện pháp phá thế chia cắt của địch, tạo hành lang vận chuyển tiếp tế lương thực, thực phẩm và vật chất thiết yếu từ “vùng sạch” đến hỗ trợ cho vùng bị tổn thất do CĐHH gây ra.
Bốn là, xây dựng Bộ đội Hoá học, dân quân tự vệ phòng hoá đồng bộ, cân đối, đủ sức thực hiện vai trò nòng cốt trong công tác phòng hoá toàn dân.
Cấp chiến lược, chiến dịch cần tổ chức lực lượng đủ mạnh với hệ thống cơ quan tham mưu chỉ đạo, phân đội phòng hoá chuyên môn, các cơ sở bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật hoá học, cơ sở đào tạo cán bộ và nhân viên kỹ thuật hoá học, cơ sở nghiên cứu... Một bài học kinh nghiệm sâu sắc trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là: do chúng ta chưa có các phương tiện trinh sát, phân tích hiện đại, ở nhiều nơi, Bộ đội Hoá học được chuyển sang đơn vị bộ binh chiến đấu, nên không còn tổ chức nòng cốt về phòng hóa để nghiên cứu, phổ biến kiến thức phòng, chống các chất có độc tính cao. Vì thế, bộ đội và nhân dân nhiều nơi phải “dầm mình” trong chất độc hoá học/điôxin do Quân đội Mỹ phun rải mà chưa biết được hậu quả và mức độ độc hại của nó.
Hiện nay, Bộ đội Hoá học được xây dựng ngày càng chính quy, hiện đại; dân quân tự vệ phòng hoá được xây dựng “vững mạnh, rộng khắp”, là điều kiện thuận lợi để phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của các lực lượng này trong công tác phòng hoá. Trên mỗi khu vực, vùng, miền, cùng với hệ thống đài quan sát hóa học chuyên môn và kiêm nhiệm, cần có các cơ sở phân tích hiện đại, có đủ khả năng phát hiện nhanh, chính xác loại chất độc, đánh giá, kết luận được mức độ và phạm vi ô nhiễm. Cùng với chăm lo xây dựng nguồn nhân lực phòng hoá chất lượng cao, cần đầu tư, hiện đại hoá các trang bị hoá học có đủ khả năng phát hiện, đề phòng, xử lý, tiêu tẩy các tác nhân độc hại mới nhất để trang bị cho lực lượng nòng cốt. Nền công nghiệp trong nước, mà nòng cốt là công nghiệp quốc phòng, cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ sản xuất các phương tiện phòng hoá phổ thông từ nguyên liệu trong nước, với sản lượng hợp lý và phân bố dự trữ cân đối trên các hướng chiến lược, các khu vực, từng bước đáp ứng nhu cầu phòng thủ dân sự về phòng chống vũ khí huỷ diệt lớn và thảm họa CĐHH, phóng xạ, sinh học, góp phần xây dựng nền phòng hoá toàn dân vững mạnh.
(1). Điôxin nỗi đau nhân loại, lương tri và hành động, Nxb QĐND, H. 2005.