Giới thiệu > Chi tiết tin bài

Một số kết quả ghép tạng ở Việt nam

09:38 | 29/09/2012

(Bqp.vn) - Trường hợp ghép tạng đầu tiên của Việt Nam đã được thực hiện thành công vào năm 1992 tại Bệnh viện 103, Học viện Quân y. Tính đến tháng 3/2012, đã có gần 600 trường hợp ghép thận được tiến hành tại 12 cơ sở y tế trong cả nước, 20 trường hợp ghép gan được triển khai ở 4 trung tâm và 4 trường hợp ghép tim tại 3 bệnh viện. Những kết quả ghép tạng ở nước ta là rất đáng khích lệ, giúp điều trị các bệnh lý tạng giai đoạn cuối, thúc đẩy phát triển nhiều chuyên ngành y học khác.


Đồng chí Nguyễn Hữu Oanh, Nguyên phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, Phó chủ tịch Hội đồng xét duyệt kỷ lục Vịêt Nam trao Bằng chứng nhận và Cúp kỷ lục Việt Nam về ghép tạng cho Bệnh viện 103.

Trong những năm gần đây, công tác ghép tạng đã có những bước tiến đáng kể. Thực hiện tốt công tác tuyển chọn cặp ghép, hoàn thiện về kỹ thuật mổ và nhất là theo dõi, điều trị tốt sau ghép là những yếu tố quan trọng quyết định đến chức năng tạng ghép và sức khỏe bệnh nhân sau ghép. Tăng cường các nguồn cho tạng, đẩy mạnh công tác truyền thông và nâng cao năng lực của các cơ sở ghép tạng giúp gia tăng số lượng ghép tạng ở Việt Nam, góp phần nâng cao chăm sóc sức khỏe nhân dân.

1. Những kết quả chung

Ghép tạng là một trong mười thành tựu khoa học lớn nhất của thế kỷ XX. Đến nay, ghép tạng đã trở thành một biện pháp điều trị rộng rãi và có hiệu quả đối với các bệnh lý tạng giai đoạn cuối. Thành công của ghép tạng mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, đặc biệt nhất là chất lượng cuộc sống. Hiện nay, trên thế giới, mỗi năm có khoảng 50.000 trường hợp ghép tạng được tiến hành với tỷ lệ sống thêm sau ghép trên 1 năm và 5 năm là từ 80 - 90%.

Tháng 6 năm 1992, trường hợp ghép thận đầu tiên của Việt Nam đã được thực hiện tại Bệnh viện 103. Tháng 01/2004, ca ghép gan đầu tiên của Việt Nam đã được tiến hành tại Học viện Quân y. Trong tháng 6/2010, trường hợp ghép tim đầu tiên của Việt Nam đã được thực hiện thành công tại Bệnh viện 103. Tính đến tháng 3/2012, tại Việt Nam đã có gần 600 trường hợp ghép thận được tiến hành tại 12 bệnh viện (gồm Bệnh viện 103, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Nhân dân Gia định, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi đồng II, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Kiên Giang và Bệnh viện 198), trong đó có 21 ca ghép thận lấy từ người cho chết não và gần 150 ca lấy thận ghép bằng phẫu thuật nội soi.

Đã có 20 trường hợp ghép gan được thực hiện tại 4 trung tâm của cả nước, gồm 17 ca ghép gan từ người cho sống và 3 ca ghép gan lấy từ bệnh nhân chết não. Đã có 4 ca ghép tim lấy từ người cho chết não được thực hiện tại 3 bệnh viện. Vấn đề ghép tụy đang bước đầu được triển khai nghiên cứu tại Bệnh viện 103 (Học viện Quân y). Các kết quả nói trên là những tiến bộ rất đáng kể của công tác ghép tạng ở nước ta.

Việc tăng cường các nguồn cho tạng, đẩy mạnh công tác truyền thông và nâng cao năng lực của các cơ sở ghép tạng giúp gia tăng nhanh số lượng ghép tạng ở Việt Nam, góp phần nâng cao chăm sóc sức khỏe nhân dân. Năm 2005 Cụm công trình Ghép tạng đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ. Năm 2011 Bệnh viện 103 đã được nhận Kỷ lục Việt Nam là Bệnh viện ghép thận, ghép gan và ghép tim đầu tiên tại Việt Nam.


Bằng chứng nhận và Cúp kỷ lục Việt Nam về ghép tạng.

2. Một số kết quả về ghép gan và ghép tim tại việt nam

2.1. Về ghép gan

- Từ tháng 01/2004 đến tháng 3/2012 đã có 20 trường hợp ghép gan (trong đó có 17 ca ghép gan lấy từ người cho sống và 3 ca ghép gan lấy từ bệnh nhân chết não) được thực hiện tại 4 cơ sở y tế là Học viện Quân y, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi đồng II và Bệnh viện Việt Đức.

- Lứa tuổi của người nhận gan:

+ Có 15 là trẻ em (trong đó 5 ca tuổi từ 5-16 tuổi, 10 ca từ dưới 1 tuổi - 2 tuổi);

+ Có 5 ca là người lớn

- Về chỉ định ghép gan:

+ Teo đường mật bẩm sinh: 10 ca;

+ Xơ gan: 5 ca;

+ Ung thư gan: 3 ca;

+ Suy gan cấp: 2 ca.

- Đặc điểm người cho gan từ người cho sống (17 ca):

+ Người cho là mẹ đẻ 8 ca, bố đẻ 3 ca, bà nội 3 ca, cháu trai 1 ca, chú ruột 1 ca, anh họ 1 ca.

+ Tuổi người cho từ 28 - 56, trung bình là 37,6 tuổi.

+ Mảnh gan lấy: thùy bên trái 11 ca (trong đó có 1 ca có 2 động mạch của thùy gan trái), thùy bên trái + thùy đuôi 1 ca, gan trái 1 ca, gan phải 4 ca (1 ca đường mật phân thùy sau gan phải đổ vào ống gan trái, 1 ca có bất thường động mạch gan trái và 2 ca ghép cho người lớn).

- Kết quả chung:

+ Kết quả sau mổ đối với người cho gan từ người cho sống: 100% đều ra viện khỏe mạnh;

+ Thời gian sống thêm sau ghép trên 1 năm của người nhận gan là 85%.

2.2. Về ghép tim

- Từ tháng 6/2010 đến tháng 3/2012 đã có 4 trường hợp ghép tim từ người cho chết não được thực hiện tại 3 trung tâm là Bệnh viện 103, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Việt Đức.

- Trong kỹ thuật ghép có 1 trường hợp thực hiện kỹ thuật nối 2 tâm nhĩ (biatrial) và 3 trường hợp nối 2 tĩnh mạch chủ (bicaval).

- Kết quả chung: cả 4 trường hợp ghép tim hiện nay nhìn chung đều ổn định.

- Theo ý kiến của các chuyên gia Đức: Ghép tim là một biện pháp giúp mang lại chất lượng cuộc sống tốt và kết quả lâu dài tới trên 20 năm.

3. Kết quả Ghép thận tại Bệnh viện 103

3.1. Đặc điểm chung

- Tính đến tháng 3/2012: tổng số là 100 trường hợp ghép thận, gồm 98 ca ghép thận lấy từ người cho sống và 2 ca ghép thận lấy từ tử thi.

- Người nhận thận chủ yếu là nam giới (78%), tuổi trung bình của bệnh nhân nhận thận là 34,4 tuổi (từ 17 - 65), hay gặp nhất là lứa tuổi từ 21 - 30;

- Người cho thận nhiều nhất là bố mẹ (44%) và anh chị em ruột;

- Hầu hết các bệnh nhân đều đã phải chạy thận nhân tạo (95%) và gần một nửa số BN (49%) chưa có truyền máu trước ghép.

3.2. Hòa hợp miễn dịch

- Phù hợp HLA đại đa số (77.6%) là từ 1 halotyp trở lên. Xét nghiệm tiền mẫn cảm hầu hết là âm tính hoặc dương tính <20%.

- Phù hợp cùng nhóm máu là 92%. Có 8 cặp khác nhóm máu song phù hợp theo nguyên tắc truyền máu.

3.3. Kỹ thuật mổ

- Phẫu thuật lấy thận ở người cho và rửa thận

Ngoài bệnh nhân chết não đã lấy cả 2 thận, còn lại ở 98 trường hợp lấy thận từ người cho sống: đại đa số là lấy thận trái (97%). Đường mổ sử dụng gần đây là đường ngoài phúc mạc. Có một số  trường hợp đã sử dụng lấy thận ghép bằng phẫu thuật nội soi. Có 20 trường hợp thận ghép có nhiều động mạch và tĩnh mạch thận phải xử trí tạo hình trước khi nối mạch máu. Rửa thận gần đây bằng dung dịch Ringer Lactat.

- Phẫu thuật ghép thận

Vô cảm trong mổ người nhận thận gần đây bằng tê tủy sống có đặt lưu catheter ngoài màng cứng để giảm đau sau mổ. Nối động mạch thận ghép với động mạch chậu trong của người nhận theo kiểu tận - tận là chủ yếu (84%). Gần đây nối niệu quản - bàng quang theo phương pháp Lich Gregoir. Với các trường hợp có phù hợp miễn dịch thấp, ngoài phác đồ điều trị ức chế miễn dịch thông thường đều sử dụng thêm Simulect.

3.4. Kết quả sau mổ

- Kết quả sớm sau ghép: gặp một số biến chứng ngoại khoa (như chảy máu, hẹp miệng nối mạch máu, hoại tử niệu quản, thủng ruột, xì hoặc hẹp miệng nối niệu quản - bàng quang...), biến chứng thải ghép và một số biến chứng khác. Tỷ lệ tử vong sớm sau ghép giảm rõ rệt, đặc biệt trong 5 năm gần đây tỷ lệ tử vong sớm sau ghép là 1,5%.

- Theo dõi lâu dài sau ghép cho thấy: trong 5 năm gần đây tỷ lệ sống thêm trên một năm của bệnh nhân là 97,1% và của thận ghép là 92,8%. Trường hợp lâu nhất đến nay là gần 19 năm với sức khỏe và thận ghép vẫn tốt. Đây là những kết quả rất đáng kích lệ. Nhìn chung sau ghép, các bệnh nhân đều tiếp tục làm việc, sinh hoạt và học tập bình thường. Những người cho thận phục hồi sức khỏe tốt, sinh hoạt và lao động bình thường.

4. Nghiên cứu về ghép tuỵ

Tiểu đường là bệnh lý hay gặp ở nước ta. Hiện nay, tại Bệnh viện 103 (Học viện Quân y) đang bước đầu triển khai đề tài cấp Nhà nước về Nghiên cứu một số vấn đề ghép tụy thực nghiệm để tiến tới ghép tụy trên người tại Việt Nam (2011 - 2013). Việc ghép thận - tụy kết hợp sẽ được triển khai nhằm điều trị những bệnh nhân tiểu đường tuýp I có biến chứng suy thận.

5. Nhận xét và kết luận

- Những kết quả ghép tạng ở Việt Nam là rất đáng khích lệ, giúp điều trị các bệnh lý tạng giai đoạn cuối, góp phần thúc đẩy phát triển nhiều chuyên ngành y học khác như ngoại khoa, nội khoa, miễn dịch, chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức, huyết học truyền máu...

- Trong những năm gần đây, công tác ghép tạng ở nước ta đã có những bước tiến đáng kể. Trình độ chuyên môn về ghép đã có nhiều tiến bộ, ở nhiều bệnh viện việc ghép thận đã đi vào thường quy với số lượng gia tăng nhanh, có nhiều ngày ghép 2 - 3 cặp/ngày, về kỹ thuật đã có những đổi mới, sáng tạo và hoàn thiện hơn, các kết quả sau ghép đã được cải thiện rõ rệt. Việc ghép tạng từ bệnh nhân chết não đã bước đầu triển khai và mang lại các kết quả tốt.

- Thực hiện tốt công tác tuyển chọn, hoàn thiện về kỹ thuật mổ và nhất là theo dõi, điều trị tốt sau ghép là những yếu tố quan trọng quyết định đến chức năng tạng ghép và sức khỏe bệnh nhân sau ghép.

- Tăng cường các nguồn cho tạng (đặc biệt từ nguồn cho chết não), đẩy mạnh công tác truyền thông (nhất là để cho người dân biết được các lợi ích của ghép tạng, giúp đưa Luật Hiến ghép mô tạng thực sự đi vào cuộc sống) và đầu tư, nâng cao năng lực các cơ sở ghép tạng giúp gia tăng nhanh số lượng và chất lượng ghép tạng ở Việt Nam, góp phần nâng cao chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và bộ đội.

File đính kèm:

Lê Thế Trung, Phạm Mạnh Hùng, Phạm Gia Khánh, Nguyễn Tiến Bình, Hoàng Mạnh An, Lê Trung Hải, Nguyễn Thanh Liêm,Bùi Đức Phú, Nguyễn Tiến Quyết, Trần Đông A, Trần Ngọc Sinh và CS (Bệnh viện 103)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: Số 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.