Web Content Viewer
ActionsQuá trình hình thành và phát triển
(Bqp.vn) - Binh chủng Đặc công là binh chủng chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội Nhân dân Việt Nam, được tổ chức, trang bị và huấn luyện đặc biệt, có phương pháp tác chiến linh hoạt, táo bạo, bất ngờ, thường dùng để đánh các mục tiêu hiểm yếu nằm sâu trong đội hình chiến đấu, bố trí chiến dịch và hậu phương của địch.
Bộ đội Đặc công luyện tập tiếp cận mục tiêu.
Trên chiến trường Nam Bộ, Pháp tăng cường xây dựng hệ thống đồn bốt xung quanh các thị xã, thành phố và trên các đường giao thông quan trọng, nhằm bao vây, chia cắt, ngăn chặn lực lượng vũ trang Việt Minh. Qua nhiều lần thử nghiệm thắng lợi, đặc biệt là trận đánh tiêu diệt đồn cầu Bà Kiên đêm ngày 18 rạng sáng ngày 19/3/1948, đã mở ra một khả năng mới đánh địch trong vị trí cố thủ vững chắc.
Tháng 11/1949, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tổ chức hội nghị chuyên đề về đánh tháp canh với sự tham gia của các cán bộ, chiến sỹ đã từng tham gia đánh tháp canh và đưa ra cách đánh tháp canh mới. Với loại vũ khí phá tường FT, đêm 21 rạng sáng ngày 23/3/1950, trên chiến trường Biên Hòa, 50 tổ chiến đấu đồng loạt sử dụng FT đánh vào 50 tháp canh, gây hoang mang lớn cho địch. Từ trận đánh này, Tỉnh đội Biên Hòa và Phòng Tham mưu Quân khu 7 tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm và đặt tên cho cách đánh này là công đồn đặc biệt, gọi tắt là đặc công.
Sau khi cách đánh đặc công xuất hiện, Nam Bộ đã chú trọng nghiên cứu phát triển, không ngừng hoàn thiện cách đánh lợi hại, độc đáo này, và trở thành cách đánh không thể thiếu được của lực lượng vũ trang nhân dân. Xuất phát từ nhiệm vụ chiến đấu, mục tiêu của địch, lực lượng đặc công ở miền Nam đã có bước phát triển mới với quy mô ngày càng lớn. Một thế trận đặc công được tổ chức tương đối hoàn chỉnh với 3 thành phần: đặc công đánh bộ, đặc công nước, đặc công biệt động với quy mô tổ chức phổ biến là tổ, mũi, đội, tiểu đoàn, đứng chân ở khắp các địa bàn chiến lược.
Bộ đội Đặc công luyện tập vượt chướng ngại vật trên bộ.
Lực lượng đặc công đánh bộ có khả năng tác chiến ở cả đồng bằng, rừng núi và đô thị, đánh vào các mục tiêu trên bộ. Đặc công nước chuyên đánh phá mục tiêu trên sông, biển, đánh phá cầu, phà... Biệt động chuyên hoạt động và đánh các mục tiêu ở đô thị và vùng ven, vùng sâu, khi cần có thể đánh các mục tiêu dưới nước, ở vùng nông thôn đồng bằng và rừng núi.
Các địa phương ở Bắc Bộ đã kết hợp cách đánh kỳ tập với cường tập đã tiêu diệt hàng loạt đồn bốt, cứ điểm của Pháp, đồng thời tổ chức một số lực lượng chuyên, tinh để đánh phá tàu, thuyền của địch bằng cách đánh đặc công.
Trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Pháp và trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội đặc công đã phát triển trên các chiến trường, có sở trường tác chiến ở vùng sau lưng địch, bước đầu có kinh nghiệm tác chiến hiệp đồng trong các chiến dịch. Lực lượng đặc công đã đánh địch trên cả mặt trận chính diện và cả ở hậu phương địch. Một số trận đánh tiêu biểu của bộ đội đặc công như trận đánh bom Phú Thọ, kho bom Tân An, đánh sân bay Cát Bi, sân bay Gia Lâm...
Sau khi hiệp định Giơnevơ được ký kết, Đảng và quân đội đã lựa chọn và cử lực lượng đặc công ở miền Bắc vào miền Nam xây dựng lực lượng và chiến đấu. Tháng 6/1958, Bộ Tư lệnh miền Đông Nam Bộ được thành lập và lực lượng vũ trang miền Đông có 1 đại đội đặc công lấy phiên hiệu là Đại đội 60. Đây là đại đội đặc công đầu tiên ở miền Nam. Đại đội 60 cùng với các tổ, nhóm đặc công ở các địa phương bắt đầu tiến công vào hệ thống đồn bốt và cơ quan kìm kẹp của địch.
Tháng 12/1962, Quân ủy Trung ương họp để ra phương châm hoạt động của các lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới, trong đó nhấn mạnh. “Hình thức hoạt động chủ yếu ở vùng hậu phương địch là “Dùng đặc công đánh vào các kho tàng, đạn dược vũ khí, chất hóa học, xăng dầu, vào các sân bay, bến tàu, các nơi tập trung cơ giới, pháo binh... và đánh vào lực lượng Mỹ”.
Tháng 9/1962, các đội đặc công chuyên môn bắt đầu đi vào các chiến trường miền Nam, bổ sung cho các đơn vị chiến đấu ở các quân khu, các tỉnh. Trong 2 năm 1961 - 1962, 10 đại đội đặc công chuyên môn, 1 tiểu đoàn cơ động với quân số 1.122 người đã được tăng cường cho khu 5 và Nam Bộ. Sự ra đời và phát triển nhanh chóng của các lực lượng đặc công cơ động và đặc công chuyên trách trên miền Bắc đã đánh dấu một bước phát triển mới về tổ chức lực lượng của bộ đội đặc công.
Thực hiện chủ trương và phương châm tác chiến của Đảng, Trung ương Cục giao cho đặc công nhiệm vụ: làm nòng cốt trong việc tiêu diệt hệ thống đồn bốt nhỏ, phối hợp với các lực lượng phát triển khác tiến công các chi khu, quận lỵ, trại, lực lượng đặc biệt, diệt tề, phá “Ấp chiến lược”; đánh phá phương tiện chiến tranh, tiêu diệt sinh lực quý của Mỹ - Ngụy.
Trong thời kỳ đánh bại “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - Ngụy, một trong những nét nổi bật nhất của tác chiến đặc công là lần đầu tiên đã tham gia tác chiến cùng với bộ đội chủ lực trong những đợt hoạt động mang tính chất chiến dịch và giành nhiều chiến công. Một số trận đánh tiêu biểu trong giai đoạn này là tiêu diệt căn cứ biệt kích Plây Cơ Rông, trận tập kích sân bay Plâycu và trại lính Mỹ Hôlôuây, trận đánh khách sạn Brink, trận đánh tàu chở máy bay Mỹ U.S.Cađơ. Những chiến công của lực lượng đặc công, biệt động trong thời kỳ chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đánh dấu bước phát triển quan trọng của nghệ thuật tác chiến trong nhiệm vụ đánh sâu, đánh hiểm, nhằm tiêu diệt các cơ quan đầu não và trung tâm điều hành chiến tranh của Mỹ-ngụy. Sự phát triển của lực lượng đặc công và nghệ thuật tác chiến đặc công đã mở ra một triển vọng mới và những kinh nghiệm phong phú trong nghệ thuật tiến công của lực lượng vũ trang ta trong các giai đoạn sau của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Những trận đánh giành thắng lợi của bộ đội đặc công đã khẳng định vị trí của cách đánh đặc công, cũng như sự cần thiết phải thành lập một binh chủng chuyên về tác chiến du kích đã được hình thành.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, lực lượng đặc công, biệt động là lực lượng mũi nhọn tiến công vào các cơ quan đầu não địch, những mục tiêu hiểm yếu, quan trọng của địch ở hầu hết các thành phố, thị xã, góp phần làm nên một chiến thắng Mậu Thân 1968, tạo nên bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương và chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Đặc công, lực lượng đặc công trên chiến trường được bố trí ở các vùng chiến lược và các mục tiêu chiến lược ở những địa bàn trọng điểm, tạo được thế tiến công mới. Mỗi thứ quân, mỗi cấp, mỗi vùng đều có những mũi nhọn đánh sâu, đánh hiểm vào sau lưng địch, trong lòng địch, trong các chiến dịch và tình huống chiến tranh trên phạm vi toàn miền. Đây là điều kiện cơ bản để lực lượng đặc công, biệt động tác chiến có hiệu quả trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần cùng quân và dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lực lượng đặc công đã cùng với các lực lượng vũ trang khác mưu trí dũng cảm bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc, xứng đáng với truyền thống: “Đặc biệt tinh nhuệ, Anh dũng tuyệt vời, Mưu trí táo bạo, Đánh hiểm thắng lớn”.
Đặc công - Binh chủng chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam
Cách đánh đặc công đã xuất hiện ở Việt Nam từ gần 1.000 năm nay. Thế kỷ thứ 13 trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông, quân đội nhà Trần đã phát triển cách đánh tập kích bằng lực lượng nhỏ, tinh nhuệ, thiện chiến trên bộ, trên sông, trên biển. Trần Quốc Tuấn đã chỉ đạo: “Cứ liều đánh ở trên thuyền, không bằng ngầm đâm ở dưới thuyền, cứ phá quân địch không bằng phá thuyền của địch”. Thực hiện phương hướng đó, tướng Yết Kiêu đã tổ chức, huấn luyện những đội “Trạo Nhi” gồm những dân chài khoẻ mạnh, bơi lội giỏi chuyên làm nhiệm vụ phá hoại căn cứ thuỷ quân của giặc. Nhiều trận, đội “Trạo Nhi” đã bí mật lọt hẳn vào căn cứ thuỷ quân dùng chất cháy đốt thuyền và lặn xuống nước đục thuyền, tiêu diệt nhiều quân Nguyên - Mông ở Chương Dương, Phả Lại, Chí Linh và có lần bắt sống được tướng giặc.
Bộ đội Đặc công luyện tập vượt chướng ngại vật trên biển.
Năm 1410, Trần Nguyên Hãn vận dụng phép dùng binh “Quân cốt tinh không cốt nhiều” đã tổ chức một trận đánh nổi tiếng với gần 200 nghĩa quân, cởi trần nguỵ trang, dùng thang bí mật leo vào thành Xương Giang, Việt Trì bất ngờ tiến công liên tục tiêu diệt gọn quân Minh ở trong thành.
Cách đánh này được quân và dân ta vận dụng rộng rãi trong các thế kỷ tiếp theo. Đến năm 1948 trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên do đồng chí Trần Công An chỉ huy được thừa nhận là trận đánh đặc công đầu tiên trong thời kỳ kiện đại, song lúc đó vẫn gọi là cách “Công đồn đặc biệt”, mãi đến đầu năm 1950, cách “Công đồn đặc biệt” trên được chính thức gọi là đặc công. Thuật ngữ đặc công chính thức được sử dụng để chỉ cách đánh đặc biệt, đồng thời chỉ về một tổ chức vũ trang đặc biệt của Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
Bộ đội Đặc công luyện tập cơ động trên không, tiếp cận mục tiêu.
Từ trận đánh đặc công đầu tiên đó đến nay, lực lượng đặc công đã đánh gần 20.000 trận vào các loại mục tiêu, trong đó có nhiều mục tiêu mà đối phương cho là bất khả xâm phạm như: Toà Đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Sài Gòn, Tổng Nha cảnh sát, Đài phát thanh. Hầu hết các sân bay bến cảng; sở chỉ huy các cấp lữ đoàn, sư đoàn, quân đoàn; các loại kho tàng chiến lược, chiến thuật cố định và dã ngoại; các loại cầu giao thông; các trận địa hoặc căn cứ hoả lực và các loại tàu thuyền của quân đội Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam đều bị đặc công đánh. Cánh đánh đặc công được vận dụng trên các địa hình: rừng núi, đồng bằng, thành thị và cả trên sông, biển, hải đảo. Lực lượng đặc công đã lập được nhiều chiến công vang dội và cho đến nay, lực lượng đặc công đã có 71 đơn vị và 174 cán bộ, chiến sĩ được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có 2 đơn vị được tuyên dương 3 lần, 2 đơn vị được tuyên dương 2 lần.
Cách đánh đặc công được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát trong lời huấn thị của Người tại buổi lễ thành lập Binh chủng Đặc công 19/3/1967: “... Có thể nói, do chiến tranh du kích phát triển cao, đặc biệt cao, chiến thuật du kích lấy ít đánh nhiều và đi không tiếng về không tăm; bây giờ các chú cũng thế, cũng phải lấy ít đánh nhiều, nhưng mà to hơn nữa, cao hơn nữa, lấy ít đánh nhiều, lấy ít thắng nhiều”.
Trải qua quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, hệ thống lý luận và tài liệu huấn luyện quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật của Binh chủng Đặc công đã từng bước được hoàn chỉnh, trong đó khẳng định chức năng chiến đấu của đặc công là: Tiến công những mục tiêu hiểm yếu, quan trọng trong hậu phương và trong chiều sâu đội hình đối phương cả trên đất liền, sông, biển, hải đảo. Khẳng định cách đánh đặc công là cách đánh bằng lực lượng ít nhưng chất lượng cao, trang bị gọn, nhẹ, có uy lực, luồn sâu tạo thế có lợi hơn hẳn đối phương, đánh gần, đánh hiểm, đánh nhanh, đạt hiệu suất cao, hiệu quả lớn, trong đó có nhiều trận thắng lợi đạt giá trị chiến dịch, chiến lược...
Để đáp ứng chức năng và cách đánh trên trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Bộ đội Đặc công cần phải nắm vững một số vấn đề cơ bản trong tổ chức xây dựng lực lượng:
Cần quán triệt sâu sắc đường lối chiến tranh nhân dân, đường lối xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nhiệm vụ quân sự trong từng giai đoạn cách mạng, chức năng nhiệm vụ của lực lượng đặc công và khả năng trang bị của quân đội để tổ chức xây dựng lực lượng đặc công.
Chiến tranh nhân dân là toàn dân đánh giặc, đánh giặc toàn diện. Đặc công tác chiến trong hậu phương đối phương trong chiều sâu đội hình đối phương tất yếu phải có sự che chở giúp đỡ của nhân dân và lực lượng vũ trang tại chỗ mới tồn tại và giành thắng lợi trong tác chiến. Trong kháng chiến chống Mỹ, có những đơn vị đặc công tồn tại, tác chiến hàng năm, hàng chục năm trong hậu phương đối phương như Trung đoàn Đặc công 113 bám trụ cách Sài Gòn gần 30 km, Trung đoàn Đặc công nước Rừng Sác bám trụ chiến đấu ngay sát nách Sài Gòn và hàng trăm tổ, đội biệt động tồn tại suốt cuộc kháng chiến trong các thành phố Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ... Có thể khẳng định chiến tranh nhân dân là một yếu tố quan trọng, là “bà đỡ” để tổ chức lực lượng đặc công.
Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, từng bước chúng ta đã và đang xây dựng hoàn thiện các khu vực phòng thủ tỉnh, thành, quận, huyện, các làng xã chiến đấu trên các địa bàn trong cả nước, đây là điều kiện rất tốt để đặc công phát huy khả năng tác chiến trong hậu phương và trong chiều sâu đội hình địch.
Trên cơ sở đường lối chiến tranh nhân dân, đường lối xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, chúng ta có thể xây dựng lực lượng đặc công trong ba thứ quân: đặc công chủ lực, đặc công địa phương, đặc công dân quân tự vệ; tổ chức ba loại đặc công: đặc công đánh bộ (đặc công bộ), đặc công đánh dưới nước (đặc công nước) và đặc công biệt động; tổ chức hai thành phần: đặc công cơ động và đặc công tại chỗ.
Hiện nay, đặc công được tổ chức trong bộ đội chủ lực của Bộ, ở các quân khu và Quân chủng Hải quân với quy mô thích hợp và có đủ các loại đặc công để sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ... và sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc. Tuỳ tình hình cụ thể có thể mở rộng lực lượng trong cả ba thứ quân. Theo đó, phải luôn coi trọng chất lượng trong xây dựng lực lượng và cần tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau:
Thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ chiến sĩ đặc công, làm cho họ thật sự tinh nhuệ về chính trị, cụ thể là có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, luôn sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ chiến đấu và có tinh thần khắc phục mọi khó khăn, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ được giao, có tinh thần thương yêu đồng chí, đồng đội, có lòng căm thù giặc sâu sắc, có ý thức kỷ luật đặc biệt nghiêm, làm tốt công tác dân vận, công tác tuyên truyền đặc biệt. Thực tiễn 35 năm qua và yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn tới cho thấy chất lượng chính trị luôn là yêu cầu hàng đầu trong xây dựng lực lượng đặc công;
Tuyển chọn những thanh niên vào bộ đội đặc công có lai lịch rõ ràng, có phẩm chất chính trị tốt. Việc thi tuyển sĩ quan đặc công ngoài tiêu chuẩn chung của Bộ quy định thì những quân nhân và thanh niên thi tuyển phải thật sự tình nguyện phục vụ lâu dài trong binh chủng. Sau khi đào tạo chung sẽ được đào tạo chuyên ngành, khi tốt nghiệp phải được điều về các đơn vị chiến đấu để rèn luyện;
Bộ đội Đặc công phải được huấn luyện cơ bản, thiết thực, vững chắc, đồng bộ, chuyên sâu. Kỹ thuật phải được huấn luyện thuần thục, điêu luyện, chiến thuật phải huấn luyện vững chắc và giỏi, nhất là chiến thuật phân đội nhỏ; biết sử dụng thành thạo các loại vũ khí đặc chủng, sử dụng được vũ khí thông thường sử dụng thành thạo, bản đồ quân sự; những phương tiện trang bị của từng chuyên ngành và giỏi sinh sống dã ngoại bí mật dài ngày...
Về vũ khí, cần được trang bị phù hợp với cách đánh, với yêu cầu chung là: gọn, nhẹ, có uy lực sát thương, phá hoại lớn, có độ chính xác cao, tiện sử dụng, niên hạn sử dụng dài và dễ bảo quản.
Coi trọng việc chỉ đạo tổ chức nghiên cứu khoa học đặc công toàn diện như: tổ chức xây dựng lực lượng; nghệ thuật quân sự; công tác Đảng, công tác chính trị; công tác bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật và công tác bảo đảm hậu cần.... vì đặc công có nhiều nét đặc thù về tổ chức cũng như cách đánh mà trên thế giới không có. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã chỉ rõ: “... Đặc công là một khoa học nên ta phải nghiên cứu quy luật hoạt động của địch và tổng kết kinh nghiệm xây dựng và chiến đấu của ta một cách rất nghiêm túc để rút ra những kết luận về tổ chức, biên chế, kỹ thuật trang bị...”. Thực tiễn những năm qua, công tác nghiên cứu khoa học đặc công đã góp phần quan trọng để xây dựng lực lượng đặc công chiến thắng, trưởng thành và luôn giữ được vị trí là một binh chủng chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ - một binh chủng không thể thiếu trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.