Web Content Viewer
ActionsHướng dẫn quy trình công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng
Ngày 27/7/2022, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 55/2022/TT-BQP hướng dẫn quy trình công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng.
Theo đó, Thông tư này hướng dẫn quy trình công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, tại Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (Nghị định).
* Đối tượng áp dụng gồm:
- Các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan trong việc công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng.
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ (quân nhân), công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng (công nhân viên chức quốc phòng), người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu và học viên cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ (làm việc trong tổ chức cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ) đang tại ngũ, công tác hoặc đã chuyển ra.
- Người có công với cách mạng đang tại ngũ, công tác.
* Nguyên tắc thực hiện
- Hồ sơ công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng được thực hiện thống nhất theo phân cấp quy định tại Nghị định và hướng dẫn tại Thông tư này; thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm ký, đóng dấu các giấy tờ theo thẩm quyền (không ghi bằng hai thứ mực, không tẩy xóa, không ký lùi thời gian, không ký thừa lệnh).
- Thủ trưởng Cục Chính trị hoặc thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng (nơi không có Cục Chính trị) ký văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng cho đối tượng thuộc quyền quản lý.
- Cơ quan, đơn vị khi tiếp nhận giấy tờ, hồ sơ đề nghị công nhận người có công với cách mạng phải thực hiện đúng quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, thẩm quyền, trách nhiệm, quy trình xét duyệt hồ sơ theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 (Pháp lệnh), Nghị định và hướng dẫn tại Thông tư này.
Trường hợp giấy tờ, hồ sơ chưa đầy đủ thì yêu cầu bổ sung, hoàn thiện đúng quy định; nếu không đủ điều kiện, tiêu chuẩn phải kịp thời hoàn trả và thông báo bằng văn bản đến cơ quan, đơn vị, địa phương hoặc cá nhân đề nghị.
Trường họp giấy tờ, hồ sơ nghi vấn có dấu hiệu giả mạo hoặc cố tình làm sai lệch để trục lợi thì tổ chức kiểm tra, xác minh, kết luận tính pháp lý của giấy tờ, hồ sơ; nếu cơ quan có thẩm quyền kết luận giả mạo hoặc không đúng với nội dung nguyên thủy thì lập biên bản thu hồi, thông báo cho cơ quan, đơn vị, đối tượng và địa phương nơi đối tượng cư trú để xử lý theo quy định của pháp luật.
- Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện như cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng (đơn vị trực thuộc Bộ); đơn vị trực thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện như cấp trung đoàn và tương đương trở lên.
Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện như Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi là Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh).
- Hội đồng giám định y khoa các cấp trong Quân đội thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc khám giám định y khoa, quy định tại Nghị định và hướng dẫn tại Thông tư này.
* Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể về quy trình công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng với 23 đối tượng, trường hợp khác nhau, cụ thể như sau:
1 - Quy trình công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 quy định tại khoản 5 Điều 7 và khoản 5 Điều 12 Nghị định.
2 - Quy trình lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng, người làm việc trong tổ chức cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ đang tại ngũ, công tác quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 18 Nghị định.
3 - Quy trình thực hiện chế độ ưu đãi đối với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến đang tại ngũ, công tác quy định tại khoản 5 Điều 32 Nghị định.
4 - Quy trình công nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh (thương binh) đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng, người làm việc trong tổ chức cơ yếu thuôc Ban Cơ yếu Chính phủ đang tại ngũ, công tác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 Nghị định.
5 - Quy trình khám giám định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh (thương binh) đang tại ngũ, công tác có vết thương đặc biệt tái phát và điều chỉnh chế độ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 41 Nghị định.
6 - Quy trình khám giám định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể đối với người bị thương đang tại ngũ, công tác còn sót vết thương, còn sót mảnh kim khí hoặc có tỷ lệ tổn thương cơ thể tạm thời hoặc khám giám định bổ sung vết thương và điều chỉnh chế độ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 42 Nghị định.
7 - Quy trình công nhận bệnh binh đối với quân nhân đang tại ngũ quy định tại khoản 4 Điều 51 Nghị định.
8 - Quy trình tra cứu, xác minh, cấp giấy xác nhận giải mã phiên hiệu, ký hiệu, thời gian, địa bàn hoạt động của đơn vị Quân đội quy định tạikhoản 3 Điều 55 Nghị định.
9 - Quy trình cấp giấy xác nhận về thời gian tù và nơi bị tù đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng, người làm việc trong tổ chức cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ đang tại ngũ, công tác hoặc đã chuyển ra quy định tại khoản 3 Điều 61 Nghị định.
10 - Quy trình công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng, người làm việc trong tổ chức Cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ bị địch bắt tù, đày đang tại ngũ, công tác quy định tại khoản 2 Điều 63 Nghị định.
11 - Quy trình chốt số lượng, xác nhận và cấp bản sao danh sách, sổ quản lý liệt sĩ, người hy sinh hoặc mất tích; danh sách, sổ quản lý thương binh hoặc người bị thương do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đã lập từ ngày 31/12/1994 trở về trước (danh sách, sổ quản lý) quy định tạị điểm a khoản 1 Điều 72 và điểm a khoản 2 Điều 76 Nghị định.
12 - Quy trình xác minh, kết luận đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng, người làm việc trong tổ chức cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ mất tích trong chiến tranh quy định tại khoản 3 Điều 73 Nghị định.
13 - Quy trình tiếp nhận, hoàn thiện hồ sơ, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hy sinh đề nghị công nhận liệt sĩ đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng, người làm việc trong tổ chức cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ hy sinh hoặc mất tích trong chiến tranh quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 74 Nghị định.
14 - Quy trình tiếp nhận hồ sơ, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương đề nghị công nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh (thương binh) đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng, người làm việc trong tổ chức cơ yếu thuôc Ban Cơ yếu Chính phủ bị thương trong chiến tranh đã chuyển ra quy định tại khoản 5 Điều 77 Nghị định.
15 - Quy trình công nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh (thương binh) đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng, người làm việc trong tổ chức cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ bị thương trong chiến tranh đang tại ngũ, công tác quy định tại khoản 2 Điều 78 Nghị định.
16 - Quy trình thực hiện chế độ điều dưỡng, phục hồi sức khỏe tại nhà đối với người có công đang tại ngũ, công tác quy định tại khoản 4 Điều 86 Nghị định.
17 - Quy trình lập sổ theo dõi, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị chỉnh hình phục hồi chức năng đối với người có công đang tại ngũ, công tác quy định tại khoản 5 Điều 90 Nghị định.
18 - Quy trình xác nhận, đề nghị giải quyết chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 97 Nghị định.
19 - Quy trình cấp lại giấy chứng nhận thương binh đối với thương binh đang tại ngũ, công tác quy định tại khoản 4 Điều 115 Nghị định.
20 - Quy trình tạm đình chỉ, chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công quy định tại Điều 118 Nghị định.
21 - Quy trình hưởng lại chế độ ưu đãi đối với người có công quy định tại Điều 119 Nghị định.
22 - Quy trình giải quyết chế độ trợ cấp một lần khi người có công đang tại ngũ, công tác từ trần quy định tại khoản 5 Điều 123 Nghị định.
23 - Quy trình sửa đổi, bổ sung thông tin cá nhân trong hồ sơ người có công quy định tại điểm a khoản 3 Điều 130 Nghị định.
24 - Quy trình di chuyển hồ sơ người có công do Quân đội quản lý quy định tại điểm a khoản 1 Điều 128, khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 132 Nghị định.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2022.
Các thông tư: Thông tư số 113/2007/TT-BQP ngày 24/7/2007 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chế độ cấp tiền mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng đối với người có công với cách mạng đang công tác trong Quân đội; Thông tư số 202/2013/TT-BQP ngày 07/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn về trình tự, thủ tục xác nhận; tổ chức thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng (trừ khoản 2 Điều 15, khoản 2 Điều 16 và khoản 2, 3 Điều 17) hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành (thông tin chi tiết xem File đính kèm!).
File đính kèm:
Văn bản khác
- Thay thế, bãi bỏ một số quy định, mẫu biểu tại các Thông tư liên tịch của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính liên quan đến việc kê khai thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính
- Công bố thủ tục hành chính được sửa đổi lĩnh vực chính sách thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Quốc phòng
- Quy định tiêu chuẩn Tuyên truyền viên giáo dục quốc phòng an ninh
- Công bố bãi bỏ thủ tục hành chính trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giao thông vận tải
- Công bố thủ tục hành chính được sửa đổi lĩnh vực chính sách người có công với cách mạng thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Quốc phòng