Web Content Viewer
ActionsNhững điểm nhấn trong chính sách quốc phòng Việt Nam
(Bqp.vn) - Quốc phòng Việt Nam hướng tới xây dựng “lòng tin chiến lược” vì hòa bình, phát triển của khu vực và thế giới. Bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại đối thoại Shangri-La 12 diễn ra mới đây ở Singapore (31/5/2013) về chính sách quốc phòng Việt Nam tái khẳng định mục tiêu hòa bình và tự vệ, đồng thời cụ thể hóa những quan điểm, giải pháp mới phù hợp với tình hình phát triển trong khu vực và thế giới hiện nay được dư luận quốc tế quan tâm.
Dư luận quốc tế đánh giá cao phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Shangri-La 12.
Hòa bình và tự vệ
Chính sách quốc phòng Việt Nam với mục tiêu là “hòa bình và tự vệ” đã được cả thế giới quan tâm, đồng tình ủng hộ. Tại diễn đàn đối thoại Shangri-La lần này Việt Nam khẳng định trước sau như một chỉ mong muốn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đóng góp cho hoà bình, ổn định khu vực, thế giới.
Việt Nam cho rằng, thời đại hiện nay tổ chức các liên minh quân sự, hoặc xây dựng căn cứ quân sự của nước này tại một nước khác không còn phù hợp với xu thế phát triển. Việt Nam khẳng định sẽ không là đồng minh quân sự của nước nào và cũng không để bất cứ nước ngoài nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình. Việt Nam cũng không liên minh với nước này để chống lại nước khác.
Chính sách nhất quán nêu trên là bài học đúng đắn rút ra từ thực tiễn nhiều năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam, trên tinh thần độc lập tự chủ, “lấy sức ta bảo vệ cho ta”. Đồng thời mong mỏi sự ủng hộ của thế giới và khai khác sức mạnh của thời đại.
Những năm vừa qua, Việt Nam tăng cường ngân sách quốc phòng với mức hợp lý và từng bước hiện đại hóa quân đội chỉ nhằm mục tiêu tự vệ và bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.
Đối với các nguy cơ và thách thức an ninh khu vực đang hiện hữu, nhất là ở Biển Đông, Việt Nam trước sau như một kiên trì nguyên tắc giải quyết những bất đồng bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau. Các bên liên quan đều phải kiềm chế, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.
Về tình hình Biển Đông, Việt Nam khẳng định tuân thủ Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm của ASEAN, cùng với ASEAN và Trung Quốc nghiêm túc thực hiện DOC và phấn đấu để sớm đạt được COC. Việt Nam khẳng định bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình ở Biển Đông theo đúng luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển 1982.
Xây dựng lòng tin chiến lược
Với truyền thống hòa hiếu, Việt Nam luôn mong muốn cùng các nước xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, phát triển trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi.
Lòng tin chiến lược được hiểu là sự thực tâm và chân thành, giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia, nhất là các nước lớn và hiệu quả thực thi của các cơ chế hợp tác an ninh đa phương, bình đẳng giữa các thành viên và đối tác không phân biệt nước lớn hay nhỏ.
Việt Nam kiên định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam không ngừng nỗ lực làm sâu sắc thêm và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, đối tác hợp tác cùng có lợi với các quốc gia.
Việt Nam mong muốn thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ trên nguyên tắc độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi được cam kết và nghiêm túc thực hiện.
Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ
Chính sách quốc phòng nhất quán của Việt Nam là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, trong bối cảnh mới Việt Nam đã đưa ra những giải pháp rất cụ thể để không chỉ nói mà sẽ làm hết sức mình đóng góp cho hòa bình, ổn định, an ninh trong khu vực; đồng thời bảo vệ độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
Trong cuộc đối thoại quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc (5-6), Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng nhấn mạnh việc xây dựng lòng tin chiến lược trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước nhằm vun đắp cho lòng tin chiến lược giữa hai bên.
Việt Nam cũng đề xuất những phương hướng hợp tác quan trọng giữa quân đội hai nước Việt - Trung thời gian tới là tham mưu cho hai Đảng, hai Nhà nước, kiên trì giải quyết thỏa đáng tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình, hiệp thương hữu nghị, xuất phát từ tầm cao chiến lược, đại cục trong quan hệ song phương.
Quân đội hai nước Việt – Trung cần tạo môi trường hòa bình trên Biển Đông, giữ nguyên hiện trạng, giảm sự hiện diện ở khu vực nhạy cảm, tránh có những hành động có thể gây hiểu lầm; tiến tới ký thỏa thuận bằng văn bản không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trên biển giữa quân đội hai nước.
Đối thoại cởi mở và lập đường dây nóng
Việt Nam cho rằng, để có một nền hòa bình thực sự và bền vững, thì độc lập, chủ quyền của các quốc gia dù lớn hay nhỏ cần phải được tôn trọng; những khác biệt về lợi ích, văn hóa… cần được đối thoại cởi mở trên tinh thần xây dựng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
Việt Nam đề xuất mở rộng các lĩnh vực hợp tác, đặc biệt là hợp tác hải quân, quán triệt tinh thần đối xử nhân đạo đối với ngư dân lao động hòa bình trên biển; tăng cường hợp tác thông qua đường dây nóng giữa tư lệnh hải quân hai nước Việt - Trung, đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về tình hữu nghị giữa quân đội và nhân dân hai nước.
Trong cuộc đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc lần này, hai bên sẽ ký thỏa thuận xây dựng đường dây điện thoại trực tiếp giữa Bộ Quốc phòng hai nước.
Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình
Tại đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố: “Việt Nam mặc dù còn nhiều khó khăn, bằng khả năng của mình sẵn sàng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ”. Đây là bước tiến mới trong quá trình hội nhập của Việt Nam, thể hiện Việt Nam không chỉ nói mà còn chủ động, tích cực tham gia vào các vấn đề quốc tế.
Về quyết định nêu trên Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định: Việt Nam tham gia trên cơ sở luật pháp quốc tế, dưới ngọn cờ của LHQ, còn việc tham gia cụ thể ở đâu, lúc nào, lĩnh vực nào, số lượng người tham gia… là do Việt Nam quyết định. Và hiện Việt Nam đã sẵn sàng tham gia trên các lĩnh vực: công binh, quân y, quan sát viên quân sự.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh bày tỏ mong muốn phía Trung Quốc sẽ chia sẻ những kinh nghiệm cho phía Việt Nam để hoạt động tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam đạt kết quả tốt.
Như vậy, thông qua diễn đàn Shangri-La 12, Việt Nam đã chuyển một thông điệp, quan trọng “chung tay xây dựng lòng tin chiến lược”. Đó cũng là điểm nhấn trong chính sách quốc phòng của Việt Nam, vì “lòng tin chiến lược” được xây dựng trên cơ sở luật pháp quốc tế, đó là giá trị của thời đại, chứ không chỉ là vấn đề mang tính pháp lý.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Toàn văn bài phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 19
- Những phát triển trong nhận thức, quan điểm của Đảng về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc
- Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - Nhiệm vụ quan trọng của Quân đội trong thời kỳ mới
- Những điểm mới trong Luật Quốc phòng năm 2018
- Nhận thức về mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới